Sáng 20/11, nghệ sĩ Tú Trinh đến nhà anh Nguyễn Văn Đông, một nghệ nhân làm tượng sáp để được lấy mẫu làm tượng. Vừa bước chân vào cổng nhà, nữ nghệ sĩ sững người khi trông thấy hai bà cụ ngồi trò chuyện bên bàn nước trước hiên. Vài giây sau, Tú Trinh mới bật cười vì nhầm. Đó là hai bức tượng được tạc như thật. "Giống quá, từ nét biểu cảm gương mặt, vóc dáng đến đường vân tay", chị chia sẻ.
Tiếp đón nữ nghệ sĩ ở nhà riêng - được tận dụng làm xưởng chế tác - là vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông, chị Nguyễn Thị Diện. Tú Trinh mau chóng được lấy số đo hình thể một cách tỉ mỉ. Chị còn cung cấp cho gia chủ nhiều bức ảnh chân dung nhân vật từng hóa thân trong các vở diễn nổi tiếng. Bức tượng của Tú Trinh sẽ khắc họa hình ảnh chị đóng vai Nguyễn Thị Lộ trong vở Bí mật Lệ Chi Viên.
Diễn viên Tú Trinh là một trong số hơn 30 nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam trực tiếp đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Đông để được lấy mẫu làm tượng. Các tác phẩm này nằm trong dự án 100 tượng nghệ sĩ của bộ ba nghệ nhân Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện và Thái Ngọc Bình.
Hiện tại, ngổn ngang trong gian phòng hơn 30 mét vuông của xưởng là rất nhiều bức tượng sống động, khắc họa chân dung của nhiều nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực sân khấu, phim ảnh, âm nhạc... Ở một góc nhà, tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi chơi đàn guitar. Bên cạnh ông, nhạc sĩ Văn Cao thong thả dạo đàn dương cầm. Ở góc khác, nghệ sĩ cải lương Cẩm Tiên xúng xính áo dài. Còn ca sĩ Lý Hải vận bộ suit đen bảnh bao như đang chờ đến lượt diễn. Gần cửa ra vào, bức tượng Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Linh được rất nhiều người yêu thích và muốn chụp ảnh cùng khi đến tham quan nơi đây.
Sự công phu của từng bức tượng được thể hiện qua từng chi tiết nhỏ nhất trên khuôn mặt và dáng hình. Các nghệ nhân dùng tóc thật, cắm từng sợi vào đầu của tượng nhằm giúp đường chân tóc giống như tóc mọc thật. Một thợ cắt tóc được mời đến để tỉa tót kiểu dáng. Ca sĩ Lý Hải đã mời anh Huy XM - thợ cắt tóc của gia đình nam ca sĩ này suốt bảy năm qua - đến tận nơi để làm tóc cho bức tượng chân dung mình. Lý Hải và nhiều nghệ sĩ khác cũng tặng trang phục thật cho tượng.
Điều khiến mọi người bất ngờ là nhóm nghệ nhân tạo nên bộ sưu tập tượng sáp này không học qua trường lớp điêu khắc, hội họa. Họ chủ yếu dựa vào kiến thức tự học qua nhiều nguồn tài liệu.
Anh Nguyễn Văn Đông - sinh năm 1965, thợ chính - kể trước đây anh có xưởng kinh doanh tượng nhưng chất liệu chính là composite, đá và chủ yếu làm tượng phật hoặc chân dung người bình thường. Năm 2001, trong một lần xem phóng sự nước ngoài về nghệ thuật tượng sáp trên truyền hình, anh tò mò, muốn chinh phục loại hình nghệ thuật này. So với các chất liệu khác, sáp giúp thể hiện thần thái nhân vật sống động, có hồn hơn. Tuy vậy, khái niệm tượng sáp vẫn còn mới với nghệ nhân và khán giả trong nước.
"Chúng tôi mất hơn 10 năm để tìm tòi phương thức làm tượng. Chất liệu sáp tổng hợp do chúng tôi mua nguyên liệu thô từ nước ngoài về, pha chế theo công thức riêng, giảm bớt chi phí vì giá nguyên liệu gốc rất đắt. Một bức tượng hoàn chỉnh tiêu mất khoảng từ 200-300 triệu đồng. Nhưng như thế cũng rẻ hơn so với giá nước ngoài. Theo tôi biết, một bức tượng sáp tương tự ở Trung Quốc thực hiện có giá đến 500 triệu đồng", anh Đông nói.
Để tập trung hoàn thành công trình 100 bức tượng sáp chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam, có lúc anh Đông không bước chân ra khỏi nhà nhiều tháng liền. Suốt ngày, anh cùng các người thợ quanh quẩn trong gian phòng để chăm chút cho từng tác phẩm. Vài năm trước, khi bắt tay vào làm tượng sáp, người đàn ông này bàn với vợ bán một căn nhà ở quận bảy, TP HCM cùng vài lô đất do gia đình sở hữu để có kinh phí khoảng hơn 20 tỷ đồng phục vụ cho đam mê.
"May là vợ cũng có 'máu' điêu khắc như tôi nên dù có lúc thấy khó khăn chúng tôi vẫn không bỏ cuộc", anh Đông tâm sự.
Đến nay, có hơn 30 bức tượng nghệ sĩ gần được đúc xong. Các nghệ nhân cho biết, dự kiến đến cuối năm sau, số tượng còn lại sẽ được hoàn thành. Mong muốn lớn nhất của họ là sưu tập tác phẩm được trưng bày trong Bảo tàng tượng sáp nghệ sĩ đầu tiên ở Việt Nam. Bảo tàng này dự kiến được đặt trong công viên Tao Đàn, TP HCM với mục đích để du khách thưởng lãm. "Chúng tôi đã trình dự án này lên Ủy Ban Nhân dân TP HCM để chờ xin ý kiến của cơ quan chức năng chứ chưa dám nói trước điều gì", điêu khắc Thái Ngọc Bình nói.
Từng tham quan vài bảo tàng tượng sáp nghệ sĩ, danh nhân ở Mỹ và Singapore, nghệ sĩ Tú Trinh chia sẻ: "Tôi rất vui khi biết các điêu khắc Việt có ý định thực hiện tượng sáp, dự kiến trưng bày ở bảo tàng đầu tiên trong nước. Công trình nếu được thực hiện sẽ góp phần giúp khán giả hiểu thêm về người nghệ sĩ. Ban đầu, tôi cũng e ngại khi được mời làm tượng vì bản thân nghĩ mình chưa xứng đáng và chỉ các bậc thầy như má bảy Phùng Há, nhạc sĩ Phạm Duy, bác Năm Châu... mới cần được tạc tượng vinh danh. Nhưng khi tiếp xúc với nhóm làm tượng, tôi bị đam mê của họ chinh phục".
* Video: Bên trong xưởng chế tác tượng sáp nghệ sĩ Việt |
|
Thoại Hà
Video: Đức Huy