Trong căn nhà rộng khoảng 80 mét vuông, hàng trăm đầu lân đủ màu sắc, kích thước được sắp xếp gọn gàng chờ gửi xe ra Quảng Bình, Nghệ An tiêu thụ. Ngoài sân, những người thợ luôn tay dùng dao chẻ tre để tạo thêm các sườn lân mới; nhóm khác chăm chút vẽ từng chi tiết trang trí trên sản phẩm.
Một đầu lân hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau như tạo dáng, dán giấy ướt, vẽ trang trí, làm râu và may đuôi lân.
Ông Nguyễn Sinh Anh là thế hệ thứ 3 trong gia đình có truyền thống làm đầu lân. Hàng năm, từ tháng 2 âm lịch, gia đình ông bắt tay vào việc chế tác sản phẩm, cao điểm là dịp trước Tết trung thu và Tết cổ truyền.
"Khâu trang trí cho đầu lân, mắt lân quan trọng nhất, bởi nó sẽ quyết định thần thái của sản phẩm. Những con lân đẹp là những con có đôi mắt và bộ râu thể hiện được uy quyền", ông Sinh Anh chia sẻ.
Dịp Tết trung thu năm nay, gia đình ông Sinh Anh chế tác hơn 4.000 đầu lân bán ra thị trường Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An... Mỗi sản phẩm có giá khác nhau tuỳ kích cỡ, từ vài chục nghìn đồng đến cả triệu đồng.
Cách nhà ông Sinh Anh hơn một cây số, ba thành viên gia đình bà Trương Thị Kim Chi (59 tuổi, phường Phú Hòa, TP Huế) cũng đang tất bật làm đầu lân. Mỗi mùa Tết trung thu, gia đình bà Chi cung cấp ra thị trường hơn 2.000 sản phẩm.
Cũng như nhiều lò làm đầu lân khác ở thành phố Huế, gia đình bà Chi dùng chiếc khuôn xi măng để tạo hình sản phẩm rồi dán giấy ướt vào.
Theo bà Chi, trước đây gia đình làm đầu lân nhiều kích cỡ, song năm nay chỉ làm đầu lân nhỏ phục vụ trẻ em, trung bình mỗi ngày 30 sản phẩm. "Đầu lân cỡ lớn giá vài trăm nghìn đến cả triệu đồng nên rất khó tiêu thụ" bà Chi giải thích.
Tiến sĩ Trần Đình Hằng, Viện trưởng Phân viện văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế cho biết, nghề làm đầu lân có ở Huế từ xa xưa khi một số gia đình gốc Hoa đến khu vực phố cổ Gia Hội, Bao Vinh sinh sống và hành nghề. So với trước đây, số lượng gia đình làm đầu lân ở Huế đang giảm dần khi người trẻ không mặn mà với công việc này.
"Nghề làm đầu lân đang mai một dần (ở Huế chỉ còn khoảng 10 hộ theo nghề này), ngành văn hóa cần vào cuộc sớm để có thể lưu giữ làng nghề truyền thống này; đưa ra cơ chế hỗ trợ một số gia đình sao cho họ yên tâm sống được với nghề; nghiên cứu thành lập bảo tàng nghệ thuật để bố trí không gian trưng bày, triển lãm, thực cảnh các loại hình như diều, lân" ông Hằng hiến kế.
Võ Thạnh