Chúng ta học Toán Lý Hóa nhiều rồi có làm ra được máy bay, xe hơi, tên lửa không? Có và không. Có nếu chúng ta học theo một hệ thống nghề nghiệp có liên hệ thông suốt với nhau và không nếu chúng ta học mọi thứ chỉ để cái gì cũng biết qua mà không hiểu sâu.
Chúng ta có trường dạy nghề bậc trung học chuyên nghiệp và cao đẳng đào tạo ra thợ bậc 3. Bậc thợ là chia theo trình độ tay nghề (hay còn gọi là kỹ năng). Thợ bậc một là phải nắm được tên gọi của các công cụ cầm tay và máy móc bán thủ công. Nói ra tên công cụ là phải cầm lên được hoặc chỉ ra được công cụ đó ngay. Thợ bậc 2 là phải biết dùng những công cụ ấy vào công việc cụ thể gì, bảo dưỡng và sắp xếp chúng ra sao. Thợ bậc 3 là người ta cho anh 1 cái cục sắt, bảo anh làm 1 cái linh kiện đơn giản theo như hình vẽ, anh phải biết dùng công cụ nào để gia công cục sắt ấy. Thợ bậc 4 là người ta cho anh 1 cái bản vẽ cấu tạo 1 cái máy khuyết thiếu nhiều linh kiện, việc của anh là xác định cần tạo ra linh kiện nào lắp vào để cái máy ấy có thể hoạt động được. Thợ bậc 5 là anh phải chế tạo ra mọi linh kiện lắp thành cái máy dựa trên bản vẽ cho trước.
Thợ bậc 6 là anh nhìn vào linh kiện hao mòn và biết nó còn xài được bao lâu, thiết lập quy trình bảo dưỡng sửa chửa tối ưu. Thợ bậc 7 là anh nghe tiếng máy chạy và biết nó sắp hư chỗ nào, lên kế hoạch thay thế khi cái máy ấy phải đem đi sửa. Thợ bậc 7 còn được gọi là thợ cả. Bậc 3 là bậc cơ bản, ra đi làm tay nghề bậc thợ sẽ tăng dần lên theo kinh nghiệm là cái mà trường lớp không thể dạy. Tiếp theo là trình độ kỹ sư bậc đại học. Kỹ sư tốt nghiệp đại học là kỹ sư bậc 1 – anh phải có kỹ năng tương đương thợ bậc 3 và biết vẽ cũng như đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật. Kỹ sư bậc 2 là anh phải có kỹ năng của thợ bậc 5, phải biết lên sơ đồ bản vẽ của 1 cái máy có công dụng gì đó mà người ta yêu cầu. Kỹ sư bậc 3 là anh phải có kỹ năng tương đương thợ bậc 7, phải biết lên sơ đồ của cả một cái dây chuyền sản xuất. Kỹ sư bậc 3 được gọi là kỹ sư trưởng. Cũng như thợ, kỹ sư bậc 2 – 3 là do kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Kỹ sư nói chung hơn thợ ở chỗ là bết quan sát và tạo ra bản vẽ dựa trên cái đã quan sát.
>> 'Kỹ sư ngày nay không cần biết rộng, chỉ cần hiểu sâu'
Vậy, trình độ của tiến sỹ khoa học tự nhiên chuyên ngành cơ khí? Anh đương nhiên là phải có trình độ của kỹ sư bậc 1. Việc của anh là nghiên cứu giải quyết những vấn đề mà kỹ sư không làm được. Ví dụ, động cơ xe hơi. Áp suất buồng đốt quá lớn, nắp quy lát bị bung ra. Theo quan sát, nắp quy lát không bị biến dạng mà ốc gắn nắp quy lat bị hỏng gờ xoắn, rãnh xoắn bắt ốc của block máy vẫn còn nguyên. Như vậy là con ốc bắt nắp quy lát không chịu được áp suất đó cần có con ốc có độ cứng có thể chịu đựng được. Như thế, việc của ông tiến sỹ là nghiên cứu xem phải làm con ốc bằng vật liệu gì. Chúng ta có đào tạo ngành nghề như vậy không? Kỹ sư không biết đứng máy gia công linh kiện. Tiến sỹ không nghiên cứu được các yêu cầu của kỹ sư.
Chả có nơi nào như ở ta, "thầy" không biết làm công việc của "thợ". Anh ở trên không liên hệ gì được với anh ở dưới, không biết anh ở dưới có khó khăn gì, không nghiên cứu biện pháp giải quyết những khó khăn đó. Chúng ta có vô số kỹ sư chỉ biết "vẽ" và vô số tiến sỹ chỉ biết nghiên cứu "giấy". Tất cả là do đào tạo nghề của chúng ta thiếu sự liên thông. Bậc nào biết bậc đó, chả có liên hệ gì với nhau.
Ở đây tôi chỉ yêu cầu người Việt ta làm ra được cái gì mà thiên hạ làm được, chứ chưa có yêu cầu phát minh sáng chế gì hết.
>> Tôi không dùng toán học phổ thông dù là thạc sĩ cơ khí
Một số bạn nói có anh nông dân gì đó nghiên cứu làm ra trực thăng. Tôi đã đi sâu tìm hiểu và được biết quá trình "nghiên cứu" của vị nông dân này. Đầu tiên là anh ta đọc trên mạng sơ đồ cấu tạo của chiếc trực thăng. Sau đó anh ta đặt cho các công xưởng ở nước ngoài chế tạo những linh kiện cấu thành chiếc trực thăng đó. Linh kiện được gửi về Việt Nam và anh ta mày mò tự lắp theo sơ đồ. Cái trực thăng ấy bay được không ? Bay được. Nhưng...nó chỉ là một chiếc trực thăng mô hình không hơn không kém. Ví như sức đẩy của cánh quạt gió giúp trực thăng bay lên, công suất động cơ để tạo ra sức đẩy đó thì anh ta mù tịt. Mấy cái số liệu này trên mạng làm gì có.
Hoặc có một anh nông dân tự chế ra một chiếc xe hơi chạy điện. Chạy tốt không? Tốt. Nhưng ....toàn bộ linh kiện của nó là hai cái xe máy rã ra rồi lắp lại theo ý của anh. Các số liệu kỹ thuật cần thiết cho cái xe đó (để nó có thể được sản xuất hàng loạt) thì anh không có. Như vậy gọi là phát minh sáng chế ? Sáng chế kiểu này thì ai cũng có thể sáng chế khỏi cần học hành cao siêu gì. Và loại sáng chế này là không có khả năng đi đăng ký phát minh sáng chế vì anh làm gì có số liệu kỹ thuật mà cung cấp cho người kiểm tra cấp bằng.
Trở lại chuyện đào tạo ở trên. Chúng ta không có đào tạo liên thông thì đương nhiên không có ngành nghề liên thông. Ví dụ, anh chuyên làm ốc vít thì phải có anh chuyên sử dụng những ốc vít ấy. Không có ốc vít thì nhập ngoại, nghiên cứu làm chi cho tốn kém khổ cực. Vậy là ta mất đứt hẳn một mảng nghề nghiệp mà ta hay gọi là công nghiệp phụ trợ. Nếu bạn từng nhìn thấy một chiếc xe hơi "made in Korea" 30 năm trước, không bất mãn không ăn tiền. Trừ cái động cơ "made in Japan" ra thì mọi linh kiện khác do người Hàn làm so sánh với xe Nhật là một trời một vực. Hiện nay thì sao? Kẻ 8 lạng người nửa cân. Những món đồ rởm của cái thời "học đòi công nghệ" ấy ai mua?
Người Hàn mua vì họ có ý thức dân tộc. Mua để giúp cho người làm công nghệ nước họ có chi phí mà nghiên cứu ra cái tốt hơn. Chả có ai tỵ nạnh rằng "đồ Nhật, đồ Tây cùng loại tốt hơn nhiều, tôi việc gì phải mua mấy thứ đồ rởm trong nước sản xuất này". Rồi họ có Huyndai, có Samsung. Làm gì có cái công ty nào mới thành lập ngay lập tức có thương hiệu toàn cầu.
>> Thói quen 'ăn sẵn' khiến nhiều người Việt chỉ mải học không lo hành
Nó phải được nâng đỡ bởi người tiêu dùng trong nước. Đồng thời ước mơ của người tiêu dùng trong nước là người làm công nghệ trong nước phải chế tạo ra cái máy ấy ban đầu chỉ có 30% nội địa hóa, nâng dần lên đến 100%, từ 100% nâng lên chất lượng toàn cầu. Máy móc, thiết bị sản xuất ở Việt Nam có bao nhiêu phần trăm nội địa hóa? Muốn mua để ủng hộ mà chả hiểu phải ủng hộ cái gì khi bản thân họ không có tham vọng "nội địa hóa 100%". Không có tham vọng đó làm sao làm được máy bay, xe hơi, tên lửa?
Mua linh kiện nhập ngoại về lắp thành đồ vật thì gọi là "hàng Việt" ? Bây giờ thứ gì ở Việt Nam chả là "hàng Việt". Lắp ráp linh kiện nhập ngoại thì có cần học Toán Lý Hóa cao siêu như thế không?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.