Quỳ gối trước cái mũ bảo hiểm lặn tự chế bằng kim loại, Bhoomin Samang cầu thần linh ban may mắn trước khi bắt đầu một ngày làm việc - lùng sục đáy sông Chao Phraya ở Bangkok để tìm kho báu, theo AFP.
"Chúng tôi tìm kiếm đồng xu cũ, thỉnh thoảng, chúng tôi cũng được thuê để tìm đồ mất dưới đáy sông", người đàn ông 62 tuổi nói. Ông là một thợ lặn kỳ cựu với 30 năm kinh nghiệm.
Đôi khi, họ tìm thấy cả đầu lâu và xương người khi lần mò theo lòng sông trong bóng tối.
"Nếu sợ ma thì không thể làm nghề này, bởi khi lặn chẳng nhìn thấy gì cả. Nhưng chúng tôi quen rồi", ông giải thích.
Các thợ lặn nước ngoài và hải quân Thái Lan gần đây là tâm điểm chú ý của thế giới, khi giải cứu 12 cậu bé và huấn luyện viên của một đội bóng từ hang động ngập nước ở miền bắc Thái Lan.
Nhưng các thợ lặn tìm kho báu ở Bangkok không có những thiết bị chuyên nghiệp như của họ. Mặc quần soóc, áo phông, Bhoomin nhảy khỏi ghe xuống dòng sông đầy rác. Ông lấy khí oxy nhờ vào chiếc mũ bảo hiểm nặng 20 kg có ống cao su nối với bình khí trên ghe.
Bình khí bơm oxy vào mũ để đẩy nước ra, cho phép những thợ lặn giàu kinh nghiệm nhất lặn sâu tới 30 mét dưới mặt nước. Sau 15 phút, Bhoomin nổi lên, tay cầm một chiếc túi vải thô đầy bùn.
Ông trút đồ trong túi xuống một cái sàng bằng kim loại, đãi bùn dưới mặt nước. Vài đồng tiền xu cổ 200 tuổi in hình vua Rama đệ tứ và đệ ngũ thế kỷ 19 lộ ra.
Bohoomin cho hay họ thường xuyên mò được những loại xu này. Các đồng tiền cổ xuôi theo dòng lịch sử biến động của dòng sông chảy qua thủ đô Thái Lan, nơi những ngôi nhà truyền thống ven sông đang mất dần, nhường chỗ cho phát triển đô thị.
"Ngày xưa, người ta sống ở ven sông, đi chợ nổi. Họ thường làm rơi trang sức, tiền bạc xuống sông", ông giải thích. Một bùa hộ mệnh hình Đức Phật chưa hoàn thiện cũng lộ ra trên cái sàng.
Sâu dưới lòng sông
Nghề thợ lặn mang lại thu nhập khá. Chỉ bán vài đồng tiền xu, họ có thể kiếm được 15 USD, gấp đôi thu nhập tối thiểu một ngày của người dân Thái Lan. Nếu may mắn vớt được một món trang sức hay một đồng xu hiếm còn tốt, họ có thể kiếm được 300 USD khi đem bán ở chợ đồ cổ Bangkok.
Nhưng phát triển đô thị đang đe dọa cộng đồng ven sông đã sinh sống từ lâu trên thuyền bè. Chính quyền Bangkok yêu cầu các hộ gia đình ven sông phải di dời trong kế hoạch chỉnh trang bộ mặt đô thị.
Những thợ lặn như Bhoomin sợ rằng nếu không thể tiếp tục sinh sống ven sông, 90% trong số họ sẽ mất đi kế sinh nhai. Nhưng đó không phải là vấn đề căng thẳng nhất của cộng đồng này với pháp luật, về mặt kỹ thuật, việc họ lặn mò đồ tạo tác là trái phép và có thể bị phạt tiền, thậm chí phạt tù.
Bhoomin bảo vệ nghề nghiệp của mình, biện hộ rằng họ chỉ lấy đi những món đồ nhỏ.
"Chúng tôi không lấy đi những món đồ lớn như tượng Phật, họ có thể lặn xuống và lấy nó đi", ông nói.
Sau cùng, những món đồ đầy mê hoặc và đặc biệt ở đâu đó trong lòng sông chính là thứ thu hút nhóm thợ lặn.
"Chúng tôi không biết sẽ tìm thấy gì, hoặc sẽ mò ở khúc sông nào hôm nay", Somsak Ongsaard, một thợ lặn 29 tuổi, tâm sự. "Do đó, công việc này lúc nào cũng đầy phấn khích".