Tết Đoan Ngọ vừa qua, ông Bảy Hộ cùng nhóm thợ lặn xuôi dòng sông Tiền rẽ vào sông Cái Vừng, sửa bè cá cho một chủ nuôi huyện Hồng Ngự. Người chủ vừa thu xong lứa cá heo, cá cóc trúng lớn nên chi mạnh tay, vừa đóng bè mới, vừa tân trang bè cũ.
Nhóm của ông thay phiên nhau, người đóng bè, người lặn rà lưới rách, vá lại. Thợ lặn dùng máy tạo oxy nên mỗi hơi kéo dài mấy tiếng. Riêng ông Bảy - người cao tuổi nhất kiêm thợ chính đảm nhiệm chức vụ "đốc công", vá lưới trên bờ. "Tôi lặn đã 22 năm, muốn nghỉ hưu mà các con làm không xuể nên đi phụ", ông Bảy lưng trần đứng trên thanh ván bắc ra bè nói.
Lát sau nhóm thợ đóng đinh không may búa rơi tõm xuống nước, liền nhờ ông vớt dùm. Ông Bảy sau khi lau khô tay tiến đến máy tạo oxy, lấy chuôi điện cắm vào phích. Máy chạy tiếng ro ro, phun dòng khí vào ống thun to bằng ngón tay, dài khoảng 20 m. Ông ngậm đầu ống, hít một hơi khí rồi lặn xuống.
Mặt nước chỉ còn luồng khí bay lên ục ục, báo hiệu vị trí của người thợ lão làng. Chưa được 30 giây ông trồi lên trên tay cầm chiếc búa. Rồi ông lặn tiếp một hơi, ngoi lên với vài con ốc, vẹm trên tay cười khà khà: "Dưới nước, mắt không thấy thì tay phải nhạy". Ông cũng chỉ kinh nghiệm cho nhóm thợ trẻ đóng đinh dưới nước dùng lực vừa phải, không vung tay cao vì dễ trượt búa nguy hiểm.
Ông sinh ra ở Campuchia. Hoà bình lập lại, ông xuôi dòng Mekong từ TP Nam Vang (Phnôm Pênh) về Việt Nam. Cắm sào trên dòng sông quê ngoại thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, cách biên giới gần 15 km, ông cùng gia đình cất căn chòi nhỏ ven sông, mưu sinh bằng nghề giăng câu thả lưới.
Tháng nước lớn, ông chống xuồng vô cánh đồng thả lưới, mùa khô lênh đênh trên sông bắt con cá, con tôm nuôi đàn con 5 đứa. Bước sang tuổi 40, ông chuyển sang làm thợ lặn vì thấy nghề này có ăn, bản thân có khiếu bơi lội, mỗi lần lặn dài 15-20 m.
Mới vào nghề ông Bảy phải buộc xích sắt 5-7 kg quanh người để lặn được sâu. Do mới biết thở máy, xuống nước mắt không quan sát được, vừa hồi hộp vừa không quen việc. Mấy lần lén nổi lên, trốn sau bè cá ông tính bỏ nghề, song "không lặn tiếp, chiều không có tiền mua gạo". Vượt qua sợ hãi ban đầu ông dần thành thợ lặn có tiếng trong vùng.
Nhiều lần phà Tân Châu hư, chân vịt (bộ phận trên động cơ máy giúp quạt nước) quấn cỏ đều gọi ông sang gỡ. Cách đây gần hai năm, mình ông dùng 10 chiếc phuy trục vớt được láp máy, chân vịt dài hơn 10 m, nặng vài trăm ký, nhận được tràng pháo tay rần rần của người trên bờ. Lần đó ông được trả 4,5 triệu đồng tiền công.
Lần khác, lúc đang trục vớt bánh lái, nâng lên thì xương sống của ông cụp xuống, kêu răng rắc. Về nhà mấy hôm, lưng càng đau nhức, dù ông chạy chữa nhiều nơi nhưng vẫn để lại di chứng vẹo cột sống. "Nghề này sống chết cách nhau một hơi thở, không chủ quan được". Lắm hiểm nguy, nhưng nhờ nghề lặn ông nuôi được đàn con, mỗi đứa ông cho học một nghề trên cạn, cấm theo nghề của cha. Tuy nhiên số phận run rủi, các con làm không đủ sống lại theo cha làm thợ lặn.
Anh Bùi Văn Cường, con rể ông Bảy Hộ, vào nghề được một năm, ban đầu chỉ làm công việc vặt trên bờ, sau học lặn sâu. "Ngâm nước nhiều cũng quen, siêng năng thu nhập 7-8 triệu một tháng", Cường bảo. Nhiều hôm mê việc đến khi thấy tức ngực vội ngoi lên, anh mới biết tai bị rỉ máu vì áp suất lớn. Nghỉ ngơi ít hôm, người đàn ông 35 tuổi lại đi lặn, nhiều nhất là dỡ chà thuê, trục cây dưới sông, thường được trả công ba triệu đồng một ngày.
Tiền nhiều nhưng công việc trục vớt đòi hỏi thợ lặn vất vả, nhất là trục vớt gỗ. Trước đó thợ phải lặn nhiều lần xác định vị trí, ước trọng lượng cây rồi mới xuống nước buộc dây vào thân, loại bỏ vật cản, dùng ròng rọc nhấc thân gỗ hàng trăm kg lên. Cây được neo bên hông xuồng, kéo từ từ vào bờ. Trên sông Tiền, gỗ lớn nhỏ đều đủ cả, nhiều gốc cổ thụ hơn người ôm. Nhờ vậy thợ lặn có thêm tiền bán gỗ, nhiều khi hơn tiền trục vớt.
Ngoài nhóm ông Bảy, trên sông Tiền khu vực gần biên giới còn vài nhóm khác làm nghề lặn thuê. Họ chuyên rà cây cho những người giăng lưới trên sông, nhờ đó hạn chế rách lưới. Các nhóm này cũng nhận tìm người chết trôi nhưng công việc không phải ai cũng dám làm. Mỗi lần như thế thợ lặn treo mảnh vải trắng trên ghe như một loại cờ hiệu...
Ngọc Tài