Khoảng 8h, biển lặng gió, ông Lâm ở phường Hàm Tiến buộc giỏ đồ nghề lặn nghêu cùng chiếc phao lên xe máy cũ, chạy ra bãi biển Mũi Né cách nhà chừng ba cây số. Đến nơi, ông Lâm đẩy phao xuống nước và đặt máy lặn chạy bằng ắc quy lên phao, rồi kéo ra biển cách bờ khoảng15 m.
Trước đó, người đàn ông làm nghề lặn nghêu này đã buộc xung quanh bụng một khoanh chì nặng để cơ thể dễ chìm xuống khi lặn. Mang kính và ngậm ống thở dài hơn 5 m nối với máy nén khí cung cấp oxy chạy bằng bình ắc quy, ông Lâm hụp xuống nước, trên tay cầm cây sắt đầu nhọn dài chừng 3 gang (60 cm).
Cứ khoảng 10-15 phút, ông ngoi lên nghỉ mệt, bỏ ống lặn ra hít thở lại không khí tự nhiên, cũng như đổ vài con nghêu vừa bắt được vào rổ lưới nằm trên phao. "Nghề này đòi hỏi sức khỏe tốt mới làm được, ngâm mình dưới nước mệt lắm", ông Lâm cho biết.
Khi lặn xuống nước, ngư dân thọc đầu nhọn cây sắt xuống cát thăm dò. Hễ thấy có bọt khí thoát lên, ông biết có nghêu nằm bên dưới lớp cát. Ông bươi cát ra 20-30 cm, bắt nghêu bỏ vào túi lưới giắt bên lưng. Cứ thế ông lặn dọc bờ biển Mũi Né - Hàm Tiến để săn nghêu.
Mỗi ngày ông trầm mình dưới nước khoảng 6 tiếng, từ 8h sáng đến 14h sẽ dọn đồ đạc lên bờ. Ông Lâm cho hay, mỗi chuyến lặn bắt được khoảng 5 kg nghêu, bán giá 100.000-200.000 đồng một kg, tùy loại lớn nhỏ. Trung bình mỗi chuyến ông kiếm được 600.000-700.000 đồng.
Tại bờ biển Rạng cách đó chừng 3,5 km, ông Nguyễn Năm, ngư dân phường Hàm Tiến, cũng vừa lặn được gần chục kg nghêu. Cởi bộ đồ bơi ra, ông ngồi lựa nghêu lớn nhỏ bỏ vào hai giỏ. Nghiêu loại lớn (kích cỡ 25-30 con một kg) được gần 4 kg, số còn lại là nghêu nhỏ (cỡ 40-50 con một kg).
Ông Năm dọn dẹp phao, máy nén khí, ống dây, buộc gọn gàng vào xe máy xong, chạy tới các vựa mua hải sản bán. Nghêu lớn được thu mua với giá 200.000 đồng, còn loại nhỏ 100.000-150.000 đồng một kg.
"Hôm nay trúng, kiếm được hơn một triệu đồng", ông Năm nói và cho biết nghề này cũng vô chừng, có nhiều hôm đi vào ngày biển nổi gió chỉ bắt được vài chục con "đủ mang về nhậu".
Các ngư dân Phan Thiết cho biết nghêu sống trong lớp cát ở các bãi gần bờ có thủy triều lên xuống. Các bãi từ Hòa Thắng vào Mũi Né, Phan Thiết có nhiều nghêu lớn, nên ngư dân thường lặn bắt. Tuy nhiên, không phải ngày nào ngư dân cũng lặn bắt nghêu được. Họ chỉ lặn khi biển êm và nước trong, bởi khi đó mới thấy rõ nghêu. Còn ngày sóng gió, họ nghỉ, chuyển qua làm việc khác.
Nghêu là loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ, thường sống ven các bãi triều ở biển. Thức ăn của chúng là phù du, tảo và chất mùn lẫn trong cát. Biển Phan Thiết thường là nghêu màu nâu bóng, nâu nhạt hoặc trắng có kẻ nâu. Địa phương chưa có nghề nuôi nghêu nên hầu hết nguồn nghêu đều bắt ngoài tự nhiên.
Bà Lê Thị Bé, một người thu mua hải sản ở Phan Thiết, cho biết nghêu bắt ở biển Phan Thiết có độ béo, thịt thơm, được các nhà hàng tiêu thụ với giá cao hơn nghêu nuôi từ chỗ khác nhập về. "Người sành hải sản khi ăn vào biết ngay nghêu nào bắt ở tự nhiên hay nghêu nuôi", bà Bé cho hay.
Theo các nghiên cứu đã công bố, thịt nghêu có nhiều dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Thịt nghêu chứa nhiều dưỡng chất như đạm, chất béo, vitamin B12, vitamin C, cùng nhiều nguyên tố vi lượng kẽm, sắt, kali, canxi, mangan...
Nghêu sống mua về ngâm trong nước sạch thêm vài lát ớt trong hai tiếng sẽ tự nhả hết cặn bã và cát ra ngoài. Nghêu được dùng chế biến nhiều món ngon như cháo, canh, xào xả ớt, xào dừa, sa tế, hấp sả... Trong đó, món nghêu hấp xả dễ chế biến và thịnh hành nhất ở xứ biển Phan Thiết.
Việt Quốc