Thứ ba, 19/3/2024
Thứ hai, 17/1/2022, 06:00 (GMT+7)

Nghề làm trà hoa vàng ở xứ Nghệ

Người dân huyện Quế Phong (Nghệ An) lên rừng hái và thu mua bông chè hoa vàng về sấy khô làm trà, bán một kg từ 3 đến 15 triệu đồng.

Huyện Quế Phong được xem là "thủ phủ" của cây chè hoa vàng ở Nghệ An với hơn 200 ha, trong đó có 80 ha được đưa vào diện bảo tồn.

Cây chè mọc tự nhiên ở rừng, tập trung tại các xã Thông Thụ, Đồng Văn, Tiền Phong, Mường Nọc, Châu Kim, Hạnh Dịch.

Quế Phong nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, độ ẩm lớn, nhiều sương, thích hợp để cây chè hoa vàng phát triển. Tại Việt Nam, ngoài Nghệ An, một số tỉnh phía Bắc có cây chè hoa vàng mọc nhiều như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Yên Bái.

Chè hoa vàng mọc xen lẫn với nhiều loài thực vật trong rừng Quế Phong. Cây cao 2-3 m, tán rộng 1,5-2 m, nở hoa từ tháng 11 âm lịch.

Giữa tháng 12 âm lịch là cuối vụ thu hoạch hoa vàng từ cây chè, người dân địa phương thường mang theo bì tải và dao lên rừng hái từ 4h sáng đến cuối giờ chiều. Một gia đình cử 2-3 thành viên tham gia.

Trung bình một ngày, mỗi người hái được 5 lạng đến 5 kg. Một kg hoa chè tươi hái từ rừng bán cho thương lái giá 180.000-300.000 đồng.

"Nghề hái hoa vàng diễn ra trong khoảng một tháng. Vào chính vụ, một ngày chúng tôi thu nhập từ 200.000 đến một triệu đồng", một người dân nói.

Người dân thường mang theo dao chặt các cây nứa rừng để đựng hoa. Cây nứa mát lạnh, hoa khi bảo quản bên trong sẽ không bị hỏng hoặc dập. Một ống nứa dài một mét, đường kính 5-7 cm sẽ chứa được 1-1,5 kg hoa tươi.

Tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, có nhiều cơ sở chế biến và kinh doanh chè hoa vàng. Gia chủ thường huy động nhân lực đi đến các xã trên địa bàn gặp người dân hoặc thương lái để thu mua, đưa về chế biến, đóng gói thành phẩm. Nếu mua của người dân bản địa sẽ được giá gốc, qua tay thương lái giá tăng 20.000-30.000 đồng/kg.

"Một ngày tôi thu mua được 50-70 kg hoa tươi", chị Sầm Thị Thanh, 40 tuổi, chủ cơ sơ chế trà hoa vàng Thanh Sầm ở thị trấn Kim Sơn nói.

Bông hoa vàng mua về được rửa sạch, đem bỏ vào rổ nhựa cho ráo nước.

Gần Tết Nguyên đán 2022, các cơ sở làm trà hoa vàng ở huyện Quế Phong đang "chạy nước rút" để có hàng giao cho khách.

Hoa vàng ráo nước sẽ được bóc tách từng cánh để dễ sấy khô. Tại cơ sở của chị Thanh, hàng đêm có 30 người làm việc, chia ra 3 tổ, mỗi tổ 10 người, lương 30.000-50.000 đồng một người/buổi.

"Trong một tháng gần Tết, có những hôm 1-2h sáng mọi người mới đi ngủ", chị Thanh cho hay. Ngoài lao động thời vụ, cơ sở của chị Thanh có khoảng 4 công nhân làm việc thường xuyên, lương 4-6 triệu đồng/tháng.

"Việc bóc tách bông hoa đòi hỏi phải khéo tay, tỉ mẩn. Khi bóc cần giữ được nguyên nhụy hoa, cánh phải đẹp. Nếu sơ ý hoa sẽ rụng cánh, rơi nhụy", chị Lương Thị Huệ, 40 tuổi, trú thị trấn Kim Sơn nói.

Buổi tối 19-23h, nhóm 10 người bóc tách được khoảng 20-25 kg hoa.

Hoa vàng bóc tách xong được đưa xếp đều lên các giàn sắt của máy sấy. Một lần máy sấy được 30 kg. Sau 15 tiếng, khi nào thấy chân nhụy của hoa khô là đạt tiêu chuẩn. Cứ 30 kg hoa tươi sẽ được 4-5 kg hoa sấy khô.

Nhiệt độ để sấy trà hoa vàng 54-60 độ C. Ngoài sấy nóng, nhiều cơ sở còn chuyển sang sấy lạnh. Người dân tại Quế Phong duy trì việc sấy nóng để bông hoa vàng giữ độ thơm.

Hoa vàng sấy khô sẽ được đóng vào hộp nhựa hoặc bao bì, thùng carton. Trung bình, một kg trà thành phẩm giá khoảng 3 triệu đồng, một số loại 6-9 triệu đồng, trà đặc biệt 15 triệu đồng.

Trà hoa vàng chủ yếu được người dân huyện Quế Phong nhập cho các công ty thảo dược (thị trường chủ yếu ở TP HCM, Hà Nội), ngoài ra còn bán lẻ phục vụ nhu cầu của một số cá nhân, cơ quan... trên địa bàn.

"Trà hoa vàng bán từ giữa tháng 12 âm lịch đến hết tháng một năm sau. Trung bình một vụ cơ sở tiêu thụ gần 3 tạ, thu về khoảng một tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, doanh thu đạt khoảng 200 triệu đồng", chị Thanh nói.

Ngoài bán trà khô, chị Sầm Thị Thanh còn lấy hạt cây chè hoa vàng từ trên rừng về bỏ vào bầu nhỏ ươm cây giống đặt trong vườn. Khi khách đến mua trà, chị sẽ tặng họ một cây đưa về nhà trồng để lấy hoa dùng.

Khi có khách đến chơi, người dân Quế Phong thường bỏ bông hoa vàng sấy khô vào ly hoặc ấm pha nước mời uống. Một ấm trà pha trong 2 phút.

Trà hoa vàng cho nước màu vàng đậm, thơm dịu mùi đặc trưng của hoa, vị đắng nhẹ. Loại trà này giúp ngủ tốt, điều hòa huyết áp.

Ông Hà Văn Bảy, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quế Phong, cho biết trà hoa vàng là cây đặc hữu của địa phương, 6 năm trước huyện đã có đề án bảo tồn và phát triển loài cây dược liệu này.

"Một năm địa bàn thu được khoảng 35-40 tấn hoa chè tươi, hơn 10 tấn trà khô thành phẩm. Hiện nay, ước tính hàng trăm hộ dân có nguồn thu nhập khá từ cây chè tự nhiên" ông Bảy nói.

Nguyễn Hải - Đức Hùng