Thứ năm, 26/12/2024
Thứ bảy, 29/6/2024, 08:00 (GMT+7)

Nghề làm than đước hơn 100 năm ở xứ Đất Mũi

Cà MauTận dụng lợi thế rừng đước, người dân ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn khai thác làm than bán đi khắp nơi hàng nghìn tấn mỗi năm.

Dãy nhà hầm than của hợp tác xã chế biến than 2/9 ở xã Tam Giang, huyện Năm Căn, với 19 thành viên có hơn 42 nhân công.

Từ năm 1920, những lò hầm than đước đã xuất hiện tại Chợ Thủ. Sau đó, hàng trăm lò mọc lên khắp nơi, sản phẩm bán khắp Nam Kỳ lục tỉnh, song qua thời gian, nghề dần mai một do phải cạnh tranh với vật liệu khác. Nhằm vực dậy nghề truyền thống, năm 2006, chính quyền địa phương khuyến khích các cơ sở vào hợp tác xã, tổ hợp tác để phát triển quy củ.

Hầm than là cách người dân tận dụng những cây đước ở địa phương, đưa vào lò, đốt lửa trong thời gian dài để củi thành than.

Cà Mau có hơn 50.000 ha rừng ngập mặn ven biển, trong đó chủ yếu là cây đước, tập trung nhiều ở huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Hiện củi đước được mua tại các lâm trường, nguồn gốc rõ ràng. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng than ổn định.

Sau khi xếp củi đầy, miệng lò được bịt lại, chỉ chừa một khoảng chừng một mét vuông để đốt lửa và 4 lỗ khói thoát ra.

"Củi phải khít nhau thì than mới đẹp, ít bị nát", bà Lê Hồng Thắm, 52 tuổi, nói và cho biết ba người mất khoảng 4 giờ để xếp đầy một lò củi.

Các lò hầm than được xây kiên cố bằng gạch, hình bầu giống như chiếc nón úp xuống, cao khoảng 4 m, đường kính 5-7 m, chứa tới 50 m3 gỗ. Mỗi m3 đước có thể cho 180-200 kg than.

Sau một tháng giữ lửa liên tục cửa lò mới được bịt lại hoàn toàn, để nguội khoảng 20 ngày rồi mở ra thu than. Mỗi mẻ có thể cho 9-10 tấn than đước.

Gắn bó với nghề đã 20 năm, ông Nguyễn Thanh Bình, 57 tuổi, Giám đốc Hợp tác xã chế biến than 2/9, cho biết đa số các chủ lò hầm than ở địa phương học nghề từ những người thợ ở tỉnh Hậu Giang. Riêng gia đình ông có hai lò, mỗi tháng làm ra khoảng 16 tấn sản phẩm. Sau khi trừ chi phí ông Bình còn lãi 25 triệu đồng.

Nhân công thu hoạch than sau thời gian hầm trong lò.

Người thợ lành nghề nhìn khói thoát ra hoặc bám trên thành lò để gia giảm lửa, hay biết được than đã chín hay chưa. Với thời gian cháy trung bình hơn hai giờ, than đước được đánh giá là than củi đen tốt nhất, nhiều người tìm mua.

Chị Triệu Diệu Linh, 42 tuổi (góc trái) ở xã Tam Giang, cho biết nghề này tiếp xúc nhiều bụi nên phải che kỹ mặt.

Than đước Cà Mau chủ yếu được bán đi TP HCM và các tỉnh miền Tây. Hiện giá than đước được bán ra từ lò với giá dao động 8.000-10.000 đồng mỗi kg. Mức giá này không lãi cao nhưng giúp người làm nghề hầm than có cuộc sống ổn định.

Bà Huỳnh Thị Ngọ, 44 tuổi, mỗi ngày kiếm được khoảng 300.000 đồng từ công việc phân loại sản phẩm cho các lò hầm than. Than được phân loại, cân, sau đó cho vào từng túi sẵn để tiện giao cho khách hàng.

"Nhờ có các lò than mà phụ nữ ở đây không phải đi xa để tìm việc. Các công đoạn không đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu cần siêng năng", chị Ngọ nói.

Hiện tỉnh Cà Mau có hơn 10 cơ sở, hợp tác xã chế biến than đước hoạt động, mỗi năm cho ra thị trường hàng trăm tấn sản phẩm.

Nghề hầm than đang được khôi phục dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền và ngành chức năng. Địa phương cũng chú trọng phát triển các nghề truyền thống và quy hoạch làng nghề, qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

An Minh