Cửa hàng nhỏ mặt tiền hơn 3 m tại quận Phú Nhuận bày đầy những vật dụng bằng da dành cho dân chơi môtô, từ túi, hộp, mũ bảo hiểm, áo đến yên xe. Gần chục người trẻ tuổi đang "gù lưng" tập trung vào từng mũi kim, cây cọ. Đây là không gian kinh doanh của Trần Thùy, cô gái đam mê sản xuất đồ da cho môtô.
Ở Việt Nam hầu hết mọi người coi xe máy là phương tiện di chuyển đơn thuần, chỉ số ít chơi môtô, coi đó là cách thể hiện cá tính, văn hóa. Theo Thùy, những người này rất cần những thứ phụ kiện cho xe với chất lượng cao, làm thủ công. Trên thế giới nghề làm da thủ công rất được ưa chuộng, riêng Việt Nam mới thịnh hành từ khoảng ba năm trở lại đây và rất tiềm năng bởi riêng mảng môtô thì số lượng người chơi là không nhỏ. Hiện vẫn còn khá ít cửa hàng phục vụ sản phẩm này.

Ốp bình xăng bằng da, vẽ tranh ngựa và tre Thánh Gióng. Ảnh: Minh Quân
Bản thân là người thích xe cộ, lại biết làm da nên việc kinh doanh bắt đầu từ khi Thùy tạo ra các chi tiết cho xe Honda 67 cũ của mình. Bạn bè chơi môtô thấy thích thú nên dần nhờ cô độ đồ da để tạo điểm nhấn.
Để làm ra một sản phẩm da trên xe phải trải qua nhiều quy trình, có sự kết hợp giữa thủ công và máy móc. Ví dụ để làm một chiếc yên xe, việc đầu tiên là trao đổi ý tưởng với khách hàng, xem khách hàng muốn sử dụng loại da, màu sắc như thế nào. Sau đó là lên thiết kế, lấy phom, dập khuôn, chọn da và may. Cuối cùng, tùy theo hoa văn để lựa chọn may thủ công bằng tay hay sử dụng máy.
Không dừng lại ở việc có một chi tiết bằng da, người chơi thường muốn tạo các họa tiết, bức tranh trên đó, và nghệ nhân phải dùng những cây cọ mềm, đầu nhỏ để vẽ tỉ mỉ. Bởi vậy, cửa hàng của Thùy cũng là điểm đến của khoảng 20 sinh viên thực tập, những người học ngành mỹ thuật hoặc đơn thuần là yêu thích nghệ thuật.
Chất lượng da cũng là một vấn đề lớn bởi để sử dụng trên xe luôn ở ngoài trời, da phải là loại tốt, được thuộc với công nghệ cao nhằm chống chịu khí hậu khắc nghiệt nóng ẩm đặc trưng của Việt Nam, nhất là miền Bắc có mùa lạnh, nồm ẩm. Vì vậy, không thể sử dụng loại simili từ Trung Quốc bán tràn lan mà phải dùng da bò, cừu, dê, lợn, thậm chí là da Nappa cao cấp được nhập khẩu và sản xuất tại các nhà máy da thuộc trong và ngoài nước.

Trần Thùy tại cửa hàng đồ da của mình. Ảnh: Minh Quân
Chất liệu da cũng phải tương thích với chi tiết trên xe bởi mỗi bộ phận lại đòi hỏi da có độ cứng, mềm khác nhau. Chỉ cần không khớp, miếng da phải bỏ đi toàn bộ chứ không khắc phục được vì chỉ cần sai chi tiết nhỏ tính thẩm mỹ sẽ không được như mong muốn.
Bởi cần tỉ mỉ nên thời gian để làm một sản phẩm như mũ bảo hiểm, yên xe có thể kéo dài 1-3 tuần, giá bán từ 3 đến 12 triệu thậm chí đắt hơn nhiều lần, tùy thuộc vào độ phức tạp của thiết kế. Họa tiết Thánh Gióng vẽ tay trên chiếc Honda Stateline 1300 kéo dài một tháng có giá 60 triệu đồng.
Theo bà chủ trẻ, thời gian này nghề làm đồ da thủ công vẫn chủ yếu cho các dòng môtô kiểu dáng hoài cổ, classic, nhưng sắp tới ngay cả những người chơi xe đạp hay ôtô cũng có tiềm năng trở thành khách hàng, với các sản phẩm phục vụ ốp lên táp-lô, táp-pi hay bất cứ chi tiết nào trong nội thất.
Minh Quân