Chủ nhật, 24/11/2024
Thứ hai, 9/5/2016, 03:00 (GMT+7)

Nghề làm đặc sản mì khô ở Lạng Sơn

Nhờ làm mì khô, nhiều gia đình ở Lạng Sơn đã thoát nghèo, mở rộng quy mô sản xuất, đưa đặc sản địa phương tới nhiều vùng miền đất nước.

Mì khô (dân địa phương thường gọi cao khô) là đặc sản của Lạng Sơn với hương thơm của gạo, vị dai, dễ ăn, dễ chế biến nhiều món. Ngày hè nắng, những làng làm cao khô lại nhộn nhịp, tất bật hơn hẳn.

Cao khô tại Vạn Linh (Chi Lăng, Lạng Sơn) được làm bằng gạo bào thai hoặc gạo đoàn kết. Sau khi xay gạo thành bột mịn thì tráng bánh, bánh đã tráng được đem phơi nắng khô đều hai mặt.

Bánh phơi khô lại được ngâm vào nước ấm cùng một thìa mỡ để không dính vào nhau. Bà Hoàng Thị Bích (44 tuổi) cho hay đây là nghề truyền thống của gia đình, từ năm 13 tuổi đã được bố mẹ dạy làm cao khô. Từ quá trình lựa chọn gạo đã phải rất kỹ lưỡng vì cao giòn quá hoặc dẻo quá đều không ngon, bánh tráng ra bóng mượt phụ thuộc vào công đoạn xay mịn bột. “4h sáng gia đình tôi dậy bắt đầu tráng bánh và làm các công đoạn khác, bây giờ có sự hỗ trợ của máy móc thì khoảng 3 ngày xong một mẻ cao khô, giảm một nửa thời gian so với trước đây làm toàn bằng tay”, bà Bích luôn tay ngâm bánh tráng chia sẻ. 

Bánh ráo nước sẽ được ép, gấp lại thành nhiều vòng để qua đêm rồi cho vào máy thái thành những sợi nhỏ.

Nhà nào làm cao khô cũng đan rất nhiều mành phơi bằng tre.

Người làm rải đều cao khô lên mành rồi đem ra nắng phơi. Anh Lý Văn Việt cho biết, mùa hè nắng to người dân tranh thủ làm nhiều cao khô vì cao phơi nắng có mùi thơm hơn. Vào mùa đông hoặc những hôm mưa gió phải dùng phương tiện sấy. Trung bình vợ chồng anh mỗi ngày làm được khoảng 800 bó cao.

Người dân lấy cây kê cao dựng làm nơi đặt mành sau nhà để đón nắng mặt trời.

Cao khô phơi đủ nắng, khô ráo sẽ được bó lại thành từng bó rồi đóng gói bán cho khách. “Cao khô có thể để được 2-3 tháng không hỏng, hiện tại giá bán 15-18 nghìn đồng/10 bó. Khách của tôi chủ yếu là người Bắc Giang, Bắc Ninh, có người cũng lấy sỉ rồi chuyển xuống Hà Nội, vào miền Trung, Tây Nguyên theo xe khách”, anh Thông, tiểu thương tại thị trấn Hữu Lũng (Lạng Sơn) chia sẻ.

Ông Đàm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Vạn Linh cho biết, toàn xã có hơn 100 hộ làm cao khô, trong thời gian tới sẽ đăng ký thương hiệu “cao khô Vạn Linh” cho 26 hộ thuộc tổ hợp tác sản xuất của phụ nữ. “Cao khô ở đây nổi tiếng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng và được mua về làm quà biếu. Nhờ cao khô mà nhiều gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu”, ông Thắng nói.

Hồng Vân