Nghề làm ruộng chỉ được nghỉ khi trời mưa. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày trời mưa rả rích. Trên tấm phản, tôi nằm dài đọc mẩu báo cũ. Bài báo cảm động viết về Susan Boyle - người phụ nữ 48 tuổi độc thân, không nhan sắc, chinh phục thành công ước mơ ca hát. Tôi như sống lại tuổi hai mươi tràn đầy năng lượng, ước mơ, hoài bão. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu tôi: “Theo đuổi đam mê không bao giờ là quá muộn”.
Tôi đam mê văn học, lịch sử đến lạ kỳ. Tôi có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ đọc ngấu nghiến tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Tôi thích xem phim tài liệu lịch sử về chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh... Chao ôi! Giá tôi uyên bác như cô Thúy dạy văn hay cô Hương dạy sử. Tôi sẽ hiểu sâu, hiểu rõ nghệ thuật dựng truyện, giá trị nội dung của mỗi tác phẩm văn học. Tôi sẽ nắm rõ như lòng bàn tay từng trang sử hào hùng của dân tộc, hiểu sâu sắc giá trị, ý nghĩa cuộc sống hiện tại mình đang có... Đằng này tôi mới học hết cấp hai trường làng.
Quên đi tuổi 28 buồn tẻ, tôi hăm hở xây dựng chiến lược bồi đắp tri thức. Nghe người ta nói trường bổ túc văn hóa nhận học viên lớn tuổi, tôi mừng rơn. Cánh cửa tri đã rộng mở, ngờ đâu đường đời lắm trông gai.
Sáng mờ sương, tôi cắp nón ra đồng. Khi mặt trời lên cao, nắng tỏa rát lưng tôi tranh thủ đạp xe tới trung tâm giáo dục thường xuyên huyện. Ông giám đốc nhìn tôi ái ngại nói: “Hai năm trở lại đây trung tâm xóa lớp bổ túc văn hóa buổi tối cho cán bộ, người lớn tuổi rồi...”. Tai tôi ù đi. Tay quệt mồ hôi, tôi cố ngăn dòng nước mắt, bước nhanh như chạy. Đêm đó tôi gần như thức trắng. Nhìn những vì sao lấp lánh trên bầu trời, tôi tự hỏi: “có ngôi trường nào nhận mình không?”.
Ít ngày sau nhờ người quen dò hỏi, tôi gọi điện tới trung tâm giáo dục thường xuyên Cầu Giấy. Một cô giáo tận tình hướng dẫn tôi nộp hồ. Mừng như mở cờ trong bụng, tôi nhanh chóng hòan thiện hồ sơ. Biết chuyện nhiều người khuyên tôi: “Chớ nên lãng phí tuổi xuân vô ích, nhiều cử nhân thạc sĩ còn thất nghiệp. Huống chi cái bằng bổ túc văn hóa”. Tôi thoáng buồn. Nhưng tôi chỉ được sống một lần, ước mơ ngấm vào máu thịt đâu dễ gì từ bỏ. Cuộc sống mới nơi đô thị, những giờ học văn nồng ấm tình người, những giờ học sử hào hùng, bi tráng cuốn hút tôi...
Một ngày nắng cháy, tôi khăn gói quả mướp lên đường. Mẹ tiễn tôi ra tận đầu làng dặn dò đủ thứ. Rằng "con đừng làm việc quá sức, phải ăn uống đầy đủ. Học là tốt, không học được cũng chẳng sao. Xểnh nhà ra thất nghiệp con ạ. Nếu con thấy khổ quá thì về với mẹ... Mẹ lo đứa con gái mẹ yêu thương, còn khờ dại dễ bị người ta lừa gạt. Tôi thì háo hức như thể phía trước là mầu hồng, là chân trời rộng mở..."
Chân ướt chân ráo đến đất thủ đô, tôi thuê một căn phòng nhỏ ẩm thấp, giữa trưa nắng cũng phải bật điện vì thiếu ánh sáng và giá rẻ. Tiết kiệm tiền tôi ăn cơm với muối vừng. Sau giây phút bỡ ngỡ của kẻ lần đầu rời lũy tre làng, tôi bắt tay tìm việc, nuôi dưỡng đam mê.
Thân gái một mình nơi đất khách, lại chẳng thạo nghề gì ngoài nghề làm ruộng. Tôi chỉ mong kiếm được những việc như rửa chén bát, tạp vụ, giúp việc gia đình... Tôi gõ cửa một số quán cơm, gia đình xin việc. Thấy tôi thật thà, hiền lành họ cũng ưng bụng. Ngặt nỗi, tôi bận học chẳng thể làm thêm giờ nên họ đành từ chối. Thất thểu về phòng, tôi như người mất hồn nằm vật ra giường khóc nấc nở. Gánh nặng cơm áo làm tôi kiệt sức, tuyệt vọng.
Tôi lang thang hết con phố này đến con phố khác dưới mưa tới mệt lả, ngất lịm. Tỉnh dậy, tôi nhận ra mình nằm trên chiếc bàn gội đầu tại một tiệm cắt tóc bình dân. Chị chủ quán gương mặt phúc hậu mang cho tôi sữa, bánh ngọt, trái cây. Người dưng mà tốt quá. Tôi khóc vì xúc động. Một ý nghĩ lóe sáng, tôi chớp thời cơ xin việc. Chị vui vẻ nhận tôi làm thợ phụ và chị hứa tạo điều kiện để tôi đi học. Rối rít cảm ơn chị, tôi nhủ lòng phải làm việc thật tốt.
Vừa học vừa làm, tôi gần như nghẹt thở với lịch làm việc, học tập kín mít. Ngày đứng gội đầu cho khách mệt rã rời, tối tôi phải uống trà đặc chống lại cơn buồn ngủ. Tôi đặt chuông đồng hồ để thức khuya học bài. Vào mùa đông, mười đầu ngón tay tôi nứt nẻ chảy máu, viết cũng trở thành cực hình. Có lúc tôi tưởng mình hết chịu đựng nổi, ý nghĩ bỏ cuộc xuất hiện. Nhưng đam mê, những lời động viên của bạn bè, thầy cô vực tinh thần tôi dậy.
Cuộc sống đắt đỏ, tôi nhịn ăn sáng, đi bộ đến trường. Hai năm trôi qua, tôi vững vàng bước sang năm cuối đời học sinh. Với vốn kiến thức lịch sử, văn học kha khá, tôi lại đặt cho mình những mục tiêu mới...
Biết đâu đấy nghề không phụ người có tâm...
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Nguyễn Thị Ngọc Liên