Thứ ba, 30/4/2024
Thứ ba, 27/8/2019, 00:00 (GMT+7)

Nghề kéo tơ truyền thống ở Nam Định

Tơ tằm của làng Cổ Chất (Nam Định) nổi tiếng bởi chất lượng tốt, bền đẹp và các khâu sản xuất đều được làm thủ công.

Làng Cổ Chất nằm ven sông Ninh Cơ (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, Nam Định). Theo các bậc cao niên của làng, nghề tang tằm đã tồn tại ở Cổ Chất khoảng vài trăm năm.

Làng ươm cả tơ vàng lẫn tơ trắng. Vụ ươm tơ bắt đầu từ khoảng tháng 2-3 cho đến tháng 9 âm lịch hàng năm. Thời điểm cuối tháng 4, tìm đến làng Cổ Chất chỉ thấy tơ trắng phơi trên những thanh sào tre cuối chợ.

Con tằm trưởng thành, nhả tơ tạo thành kén, khoảng 20 đến 25 ngày sau kén tằm được mang đi kéo sợi.

Kén tằm được cho vào nước và đun sôi lên rồi mới bắt đầu công đoạn kéo tơ. Kéo tơ xong người thợ phải chỉnh tơ, nhặt tạp chất, quấn cho khuôn tơ được suôn và đều, bó tơ phải thật sạch sẽ.

Những cuộn tơ thô vàng óng được phơi khô để giao cho các xưởng hoàn thiện khâu cuối và bán cho thương lái.

Chị Mừng, người đã có gần 30 năm làm nghề kéo tơ tằm cho biết, mỗi ngày chị có thể làm được 50 kg kén vàng, thu nhập từ 600-700.000 đồng.

Tơ tằm trắng phổ biến hơn do dễ nuôi và có năng suất cao. Nghề làm tơ đòi hỏi phải chấp nhận sự vất vả khi phải ngồi bên cạnh lò than nóng rực, bốc hơi nghi ngút giữa mùa hè.

Tơ thành phẩm thường chia làm 3 loại: tơ tốt nhất gọi là sợi mốt, kế đến là sợi mành và cuối cùng là sợi đũi. 

Sợi sẽ qua các công đoạn quay ống, chập sợi, xe sợi thành lọn rồi mới bán.

Các sản phẩm tơ của làng Cổ Chất tuy nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng tốt và độ bền đẹp nhưng ngày nay làng nghề đứng trước nguy cơ mai một. Dù nghề làm tơ cũng đem lại thu nhập khá nhưng những người trẻ trong làng dường như không còn ai theo nghề.

Giang Huy