Ông Andreas Schleicher, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đã đưa ra đề nghị này trong báo cáo sau kỳ khảo sát quốc tế về Giảng dạy và Học tập TALIS năm 2018.
Kinh nghiệm từ những nước có nền giáo dục phát triển cho thấy nỗ lực tạo nên sức hấp dẫn cho nghề dạy học về mặt tài chính và trí tuệ đã phát huy hiệu quả trong việc tạo nên và duy trì chất lượng giáo dục một cách bền vững.
Hàn Quốc: Thu hút nhân tài bằng chế độ lương, thưởng ổn định và chương trình đào tạo chuyên nghiệp
Tại Hàn Quốc hiện nay, nghề giáo là một trong những nghề được sinh viên xuất sắc nhất xem là mục tiêu sự nghiệp mà họ theo đuổi. Người được tuyển dụng làm giáo viên chủ yếu nằm trong nhóm 5% sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.
Tiêu chuẩn này cao hơn so với các quốc gia có hiệu suất giáo dục hàng đầu khác. Ở các quốc gia này, đội ngũ giáo viên thường nằm trong nhóm 15% - 30% sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.
Tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới năm 2015 tổ chức tại Incheon, Hàn Quốc, nước chủ nhà đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển giáo dục với cộng đồng giáo dục toàn thế giới. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc không chỉ nhấn mạnh vào việc tuyển dụng nhân tài, mà còn cung cấp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp để giáo viên luôn đủ trí tuệ đáp ứng môi trường giáo dục đang thay đổi hàng ngày.
Đặc biệt, một trong những chính sách quan trọng mà Chính phủ thực hiện để thu hút nhân lực vào nghề giáo là thiết lập một hệ thống lương và thưởng ổn định cho giáo viên thông qua việc cung cấp các lợi ích tài chính và chế độ lương hưu.
Giáo viên Hàn Quốc nhận được mức lương tương đối cao khi so sánh với các nước thành viên OECD khác. Ngoài ra, hệ thống khen thưởng dựa trên thành tích cũng khuyến khích giáo viên phấn đấu hơn nữa để giảng dạy xuất sắc và nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng thời, đất nước này có các hệ thống hỗ trợ pháp lý để đảm bảo tính ổn định nghề nghiệp cho giáo viên bao gồm luật việc làm trọn đời (tuổi nghỉ hưu là 62) và luật đặc biệt về cải thiện tình trạng giáo viên.
Thành tích xuất sắc của Hàn Quốc trong chương trình Đánh giá học sinh quốc tế PISA và chương trình nghiên cứu xu hướng toán học và khoa học quốc tế TIMSS, cho thấy những chính sách mà nước này thực hiện đã phát huy hiệu quả.
Estonia: Nâng cao mức lương và sức hấp dẫn của nghề giáo để duy trì hiệu quả giáo dục
Estonia là đất nước đang dẫn đầu trong chương trình Đánh giá học sinh quốc tế PISA.
Tuy nhiên, những tài liệu nghiên cứu của Estonia chỉ ra rằng: một trong 14 trở ngại mà Giáo dục Estonia hiện tại phải đối mặt là: Dạy học đang được nhìn nhận là một nghề không hấp dẫn.
Theo đó, tỷ lệ thanh niên, đặc biệt là nam giới, tham gia vào nghề này khá thấp. Tỷ lệ thanh niên quan tâm và ghi danh vào các chương trình đào tạo giáo viên còn hạn chế. Thậm chí, trong số những người đã được đào tạo để trở thành giáo viên, nhiều người không chọn làm việc trong ngành.
Vì vậy, một trong 5 mục tiêu của chiến lược "Học tập suốt đời" mà đội ngũ các chuyên gia từ các tổ chức giáo dục và thị trường lao động nước này thực hiện, được Chính phủ thông qua vào tháng 3/2014, là: Giáo viên và lãnh đạo nhà trường có năng lực và động lực làm việc.
Theo đó, mục tiêu đặt ra là mức lương phải cạnh tranh hơn và nghề giáo phải được coi trọng hơn, phải được xem là lựa chọn nghề nghiệp của những người giỏi nhất. Từ đó, các chuyên gia đưa ra hai giải pháp đối với giáo viên.
Thứ nhất, điều chỉnh mức lương trung bình của giáo viên tăng lên ngang bằng với mức lương trung bình của chuyên gia có bằng giáo dục đại học ở Estonia. Mục đích của giải pháp này là làm cho nghề dạy học trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn, đối với giới trẻ và đặc biệt là nam giới. Đồng thời, giải pháp này sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh cho nghề dạy học, khi chỉ dành cho những ứng viên giỏi nhất.
Thứ hai là gia tăng sự phổ biến của nghề dạy học. Các chuyên gia cho rằng cần triển khai các chương trình nhằm làm cho sức hấp dẫn của nghề giáo được biết đến rộng rãi hơn, để nghề này trở thành một lựa chọn khả thi cho giới trẻ, cũng như những người đang có ý định chuyển nghề.
Phần Lan: Tất cả giáo viên Phần Lan đều phải có bằng thạc sĩ
Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định: "Phần Lan là một đất nước đã khởi xướng nhiều cải cách trí tuệ và giáo dục trong những năm qua, với thay đổi mới lạ và đơn giản đã hoàn toàn cách mạng hóa hệ thống giáo dục của họ".
Sahlberg, tác giả cuốn sách Bài học Phần Lan chia sẻ với Tạp chí SmithSonia: "Quyết định quan trọng thứ hai mà các nhà cải cách giáo dục Phần Lan đưa ra năm 1979 là yêu cầu mỗi giáo viên phải có bằng thạc sĩ 5 năm về lý thuyết và thực hành tại một trong 8 trường đại học của bang. Từ đó trở đi, giáo viên được công nhận có địa vị ngang bằng với bác sĩ và luật sư. Ứng viên bắt đầu tràn vào đăng ký học sư phạm, không phải vì mức lương quá cao mà vì sự tự chủ và tôn trọng đã khiến công việc trở nên hấp dẫn. Trong năm 2010, khoảng 6.600 ứng viên đã cạnh tranh cho 660 vị trí đào tạo giáo viên tiểu học.
Theo tìm hiểu của tờ Straitstimes (Singapore), mặc dù có mức lương khởi điểm dưới trung bình một chút so với các chuyên gia khác ở Phần Lan, nghề giáo vẫn là một trong những nghề nghiệp được đánh giá cao nhất. Hàng năm, chỉ có 10% ứng viên đủ điều kiện tham gia chương trình đào tạo giáo viên tiểu học và trung học của Đại học Helsinki.
Những năm 1970, một cuộc cải cách giáo dục toàn diện đã diễn ra ở Phần Lan và từ đó, chương trình giảng dạy cốt lõi của quốc gia đã đổi mới bốn lần - vào năm 1985, 1994, 2004 và gần đây nhất là vào năm 2014. Mỗi lần đổi mới, giáo viên lại được trao thêm niềm tin và quyền tự chủ để thực hiện chương trình giảng dạy theo cách phù hợp với hồ sơ học sinh.
Phụ huynh và các chuyên gia giáo dục Phần Lan hoàn toàn tin tưởng giáo viên ở khía cạnh trí tuệ và năng lực giảng dạy. Heidi Sairanen, nhà nghiên cứu và đào tạo tại Khoa giáo dục của Đại học Helsinki cho biết: "Phụ huynh không băn khoăn giáo viên dạy học sinh như thế nào. Khi họ nói chuyện với giáo viên, họ chỉ chia sẻ thông tin về sức khỏe và quá trình học của con".
Ông Jussi Okkonen, nhà nghiên cứu cao cấp của Đại học Tampere, là người từng làm việc với các giáo viên Phần Lan khi truyền thụ công nghệ giáo dục cho họ. Ông chia sẻ: "Bởi tất cả giáo viên tiểu học và trung học ở Phần Lan đều có bằng thạc sĩ nên họ có cùng nền tảng hiểu biết với các nhà nghiên cứu, họ sẽ dễ dàng làm việc cùng chúng tôi để thử nghiệm các phương pháp sư phạm mới".
Thế Đan