Nishiyama là một trong hai điều phối viên cảnh nóng tại Nhật Bản, quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình gần đây liên tục bị ảnh hưởng bởi hàng loạt cáo buộc lạm dụng tình dục, khiến nhiều bộ phim bị thu hồi và đơn vị sản xuất phải đứng ra xin lỗi.
Hollywood đón nhận nghề điều phối viên cảnh nóng từ khi phong trào #MeToo phát triển, nhưng công việc này vẫn tương đối mới mẻ ở Nhật.
"Ở Mỹ, ai cũng biết điều phối viên cảnh nóng làm gì, nhưng ở Nhật, tôi phải giải thích với mọi người về tính chất công việc, và tôi không phải kẻ thù của đạo diễn", Nishiyama, 43 tuổi, nói.
Cô đang thực hiện nhiều dự án, trong đó có một bộ phim truyền hình quay nhiều cảnh thân mật. Trên phim trường, cô trao đổi với đạo diễn, quan sát diễn viên, tư vấn cho họ cách cử động và điều chỉnh trang phục. Việc đầu tiên của cô là đọc kỹ kịch bản trước khi máy quay bắt đầu chạy.
"Tôi sẽ hỏi đạo diễn: 'Chỗ này viết A ôm B, vậy cái ôm này có đi xa hơn không? Hay diễn viên sẽ mặc quần áo gì? Họ sẽ cởi như thế nào?" Nishiyama giải thích về công việc của mình.
Sau đó, cô sẽ gặp riêng từng diễn viên để định rõ giới hạn trong vai diễn của họ.
"Đây là cảnh không mặc áo ngực. Nếu chúng tôi không quay lộ ngực của cô, liệu cô có thấy ổn không?" là một trong số những câu Nishiyama thường hỏi.
Đối với Asuka Kawazu, nữ diễn viên 23 tuổi, vai trò của Nishiyama khiến cô yên tâm.
"Có cô ấy ở đây khiến việc thảo luận dễ dàng hơn", nữ diễn viên nói. "Nếu không có điều phối viên cảnh nóng, có thể xảy ra trường hợp khi quay phim, hành động có thể vượt quá những gì đã thống nhất từ đầu".
Phong trào #MeToo ở Nhật Bản không phổ biến như một số nước phát triển khác. Tuy nhiên, Nishiyama nhận thấy nhu cầu về dịch vụ của nghề này tăng lên sau nhiều cáo buộc quấy rối và lạm dụng tình dục trong ngành.
Một số cáo buộc khiến một nhóm đạo diễn, trong đó có đạo diễn nổi tiếng Hirokazu Kore-eda, lên tiếng kêu gọi thay đổi, nhưng một số người trong ngành tỏ ra ít quan tâm hơn.
"Không giống phương Tây hay Hàn Quốc, nơi phong trào #MeToo phát triển mạnh mẽ, ngành công nghiệp điện ảnh Nhật Bản chưa thay đổi", Miwa Nishikawa, một thành viên trong nhóm đạo diễn, nói. "Tôi cho rằng vấn đề ở chỗ không có tổ chức nào tập hợp và bảo vệ người lao động trong ngành".
Nishikawa hy vọng nhóm của mình sẽ giúp "mọi người dễ lên tiếng hơn". Nhóm của bà ủng hộ sử dụng điều phối viên cảnh nóng, dù bà cảnh báo biện pháp này có thể không đủ để chấm dứt tình trạng lạm dụng trong ngành. Tuy nhiên, sự hiện diện của họ tại phim trường cho thấy an toàn và phẩm giá của diễn viên được bảo vệ nhiều hơn.
"Điều này có thể tạo ra bầu không khí ngăn chặn hành vi quấy rối", nữ đạo diễn nhận định.
Bà và các đồng nghiệp cũng muốn được đào tạo về cách quay cảnh thân mật, cách lựa chọn diễn viên, nhằm ngăn các sự cố tiếp tục xảy ra.
Trong phim trường ở Tokyo, đạo diễn Kenji Kuwashima rất vui vì có Nishiyama ở bên, coi cô là "người bảo vệ cả hai phía".
"Rốt cuộc, mọi người đều muốn tạo ra tác phẩm hay nhất có thể", ông nói. "Đa phần các mối quan hệ trên phim trường trước đây mang tính áp đặt, khi đạo diễn thường nói 'hãy làm thế này thế kia', nhưng bây giờ, mọi thứ trở nên bình đẳng hơn và có lợi cho cả hai phía".
Để chuẩn bị quay phim, Nishiyama thu thập đạo cụ giúp cảnh quay chân thực hơn và cũng để bảo vệ diễn viên. Cô luôn mang theo "maebari", đồ lót màu da có nhiều tông màu khác nhau, để diễn viên mặc khi thực hiện cảnh thân mật.
"Tôi luôn mang theo khoảng 30 cái", Nishiyama cười phá lên, nói.
Cô bắt đầu sự nghiệp với vai trò điều phối viên sản xuất. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo trực tuyến chuyên sâu ở Mỹ, cô chuyển sang nghề điều phối viên cảnh nóng.
Nhu cầu về nghề này đang tăng cho thấy "mọi thứ đang thay đổi từ từ", Nishiyama nói. Nhưng cô thừa nhận cảm thấy "hơi bất lực" khi một số người trong ngành bị cáo buộc lạm dụng vẫn tiếp tục làm việc mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.
"Luôn có người muốn thay đổi, ngày càng có nhiều bộ phim được quay trong bầu không khí lành mạnh. Nhưng tôi nghĩ mọi thứ cần thay đổi nhiều hơn nữa", cô bày tỏ.
Hồng Hạnh (Theo AFP)