Làng nghề nằm trên cù lao giữa sông Tiền thuộc ấp Long Tả, xã Long Khánh A với 60 hộ, 150 khung dệt, 300 lao động. Hàng năm, làng nghề sản xuất và cung ứng 5 triệu sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước.
Khăn rằn Nam Bộ bắt nguồn từ khăn krama của người Khmer gắn liền người dân miền sông nước Cửu Long. Trải qua nhiều thăng trầm, khăn rằn là hình ảnh thân quen như một nét văn hóa in đậm trong tiềm thức người dân.
Về miền Tây, khách du lịch dễ dàng bắt gặp hình ảnh đeo khăn rằn lên cổ hay quấn quanh đầu. Hiện, nhiều người lớn tuổi ở miền Nam vẫn giữ thói quen xài khăn rằn dù khăn lông khá phát triển.
Ngoài dòng khăn truyền thống, làng dệt Long Khánh còn tạo ra những sản phẩm khăn choàng du lịch, sử dụng khăn để may trang phục, túi xách, mũ...
Cùng với làng nghề nói trên, Đồng Tháp còn hai làng nghề được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm đóng xuồng ghe Long Hậu và dệt chiếu Định Yên.
Ngọc Tài