Những vần điệu của bài Dạ cổ được Cao Văn Lầu (hay Sáu Lầu) viết nên từ nỗi niềm thương nhớ vợ. Ông là người vùng Long Mỹ, Long An (Tân An), 5 tuổi ông về Bạc Liêu sinh sống. 21 tuổi ông cưới vợ nhưng sống với nhau đến 8 năm mà vẫn chưa có con. Người mẹ bắt ông cưới vợ khác, nhưng ông không chấp nhận.
GS Trần Văn Khê đã dẫn chi tiết bài phỏng vấn người nhạc sĩ này trên báo Dân Mới (ngày 30/12/1953) để tạm khẳng định năm sinh của tác giả là 1890, thời điểm ra đời của tác phẩm này là 1919.
![]() |
GS-TS Trần Văn Khê và nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng. Ảnh: A.V. |
Từ khi ra đời, bản nhạc cổ theo điệu Hành Vân (nhịp 2) dễ nhớ, lời ca sâu sắc, gây một làn sóng "hâm mộ" trong người nghe cả nước. Không chỉ các đoàn cải lương, mà các đài phát thanh, hãng đĩa lúc bấy giờ góp phần rất lớn trong việc giới thiệu ca khúc này đến mọi người.
GS-TS Trần Văn Khê chỉ ra vài nét dị bản giữa hai miền Nam - Bắc trong bản nhạc này. Từ chữ "đường" hay "đàng", "chàng" hay "nhạn"... sự khác biệt đều cho thấy, Dạ cổ hoài lang vừa là tuyệt tác của một người nghệ sĩ tài hoa, vừa là sáng tạo nghệ thuật chung của nghệ sĩ, nhạc sĩ miền Nam thời ấy.
Sau bản Dạ cổ, vọng cổ phát triển mạnh mẽ ở miền Nam từ nhịp 2 đến nhịp 32, một nhịp điệu ổn định, giàu tình cảm. Ngón đàn tranh tuyệt vời của nghệ sĩ Hải Phượng cùng các nghệ nhân đàn bầu, kìm, nhị; và các danh ca Bạch Huệ (con gái nghệ nhân Sáu Tĩnh); nghệ sĩ Thanh Tuyết, Lê Tứ, Như Hà đã tái hiện lại thời "vàng son" của vọng cổ qua các bài hát vang bóng: Dạ cổ hoài lang, Dạ bán chung thinh, Can trường huyết lệ, Nhân sinh bách tuế...
![]() |
Nghệ sĩ Bạch Huệ 70 tuổi hát vọng cổ vẫn tình tứ, da diết. Ảnh: A.V. |
Danh ca Bạch Huệ năm nay 70 tuổi vẫn làm người nghe xốn xang với câu kết thúc bài Hành vân (mây bay) "duyên gì... nợ duyên gì... mấy đoạn tình si... áng mây còn đợi chim xanh", trong tiếng vỗ tay không dứt của khán giả. Mặc áo dài duyên dáng, Ngọc Tuyết, người em dâu xinh đẹp của GS - TS Trần Văn Khê vừa từ Mỹ trở về, khiến mọi người không khỏi bất ngờ khi hát bài vọng cổ Thương nhớ quê nhà (soạn giả Viễn Châu đồng sáng tác với một nghệ sĩ Việt kiều), giọng xúc động, mùi mẫn như một cô gái quê thật sự.
"Từ dạ cổ hoài lang đến vọng cổ 32 nhịp" là quá trình phát triển lâu dài, phong phú của đờn ca tài tử, cải lương Nam Bộ. Một bạn trẻ tâm sự với GS Trần Văn Khê: "Chương trình giúp cháu yêu và hiểu cải lương thêm rất nhiều".
Kết thúc đêm vọng cổ, GS Trần Văn Khê hứa với thính giả trẻ, trong thời gian không xa, ông tiếp tục tổ chức đêm nhạc tôn vinh những bài vọng cổ tưởng như đã chết hẳn, đã bị lãng quên nhưng thật ra sức sống vẫn còn mãi.
Anh Vân