Đều đặn mỗi ngày từ 7h30 sáng dắt xe khỏi nhà, bác Túy mang theo máy ảnh đến bờ Hồ để bắt đầu một ngày làm việc kéo dài đến khoảng 18h. Năm nay 65 tuổi, bác Vũ Hữu Túy đã có 20 năm trong nghề và hiện là Chủ tịch Nghiệp đoàn nhiếp ảnh Hoàn Kiếm. "Trước kia Nghiệp đoàn có trên 150 thành viên, giờ giảm hơn một phần ba. Mọi người cứ dần dần bỏ vì nghề này ngày càng khó kiếm sống".
Ảnh: Những người thợ còn bám nghề chụp ảnh hồ Gươm |
Cuộc sống hiện đại, người dân có điều kiện hơn nên hầu như ai cũng sắm cho mình chiếc máy ảnh du lịch, điện thoại kèm tính năng chụp ảnh. "Giờ ai cũng có thể tự chụp cho mình, ít người nhờ đến. Chỉ có những người ở xa, đến vội, cần một tấm kỷ niệm thì mới vời đến chúng tôi", bác Túy trầm ngâm. Với bác, cái nghề bây giờ là tình yêu dành cho công việc, cũng vừa để có đồng ra đồng vào cho hai vợ chồng.
"Con cái lớn có gia đình, ổn định công việc hết rồi nên giờ nhà chỉ còn 2 vợ chồng. Đi làm thế này cũng tranh thủ vận động được", bác cười nhưng không giấu nổi vẻ tiếc nuối thời đã qua của những người làm nghề chụp ảnh dạo quanh điểm tham quan nổi tiếng của thủ đô. Trước thu nhập của bác cũng thuộc loại khá, ngày nào cũng vài trăm nghìn đồng, đợt đại lễ 1.000 năm Thăng Long Hà Nội có hôm kiếm được tiền triệu. Còn giờ, vài ngày không có khách là chuyện thường.
"Bây giờ còn đi chụp được thì cứ đi, chục năm nữa già yếu đành chịu chứ tôi không có ý định từ bỏ công việc mình đang làm", bác chia sẻ.
Bác Nguyễn Minh Hiếu, Phó chủ tịch Nghiệp đoàn cũng là một người quyết tâm không bỏ máy. Vào nghề từ những năm cuối thập niên 70, khi còn làm nhân viên một cơ quan, tranh thủ chụp lúc rảnh rỗi, bác Hiếu hiện là một trong những thợ ảnh lâu năm nhất khu vực này. Từ năm 1993, bác nghỉ cơ quan nhà nước chuyển hẳn sang nghề chụp ảnh.
Có tuổi nghề lẫn tuổi đời đều cao so với đa phần thợ chụp thuê ở hồ Gươm, bác Hiếu cho biết chưa bao giờ khó khăn như những năm trở lại đây. "Đã 4 ngày tôi chưa phải bấm máy lần nào, trước đây thì khách đông chụp chẳng hết, phải nhờ thêm người phụ. Thu nhập bây giờ kém hơn xưa rất nhiều, một số thợ phải chuyển nghề khác để mưu sinh".
Cách đây 4 năm bác chi hơn 20 triệu đồng sắm một bộ máy mới gồm thân, ống kính và đèn flash. "Máy 17 triệu, ống 6 triệu đồng, chưa kể đèn nữa. Tính ra thu hồi vốn và máy cũng cho lợi nhuận được đôi năm rồi". Bộ đồ nghề của ông Phó chủ tịch nghiệp đoàn vẫn thuộc hàng tốt và "đời mới" hơn đa phần thiết bị của thợ ảnh tại hồ Gươm.
Một thợ ảnh khoảng 50 tuổi, cũng là thành viên của Nghiệp đoàn cầm trên tay chiếc máy ảnh đã ra đời tròn 10 năm trước. Thân máy trầy xước từ những lần va đập và đánh rơi, nhiều chỗ phải dán băng dính nhưng vẫn cùng chủ nhân "chinh chiến" nhiều năm nay. "Giờ chụp được bao nhiêu đâu mà mua máy tốt, dùng được vẫn phải dùng chứ sắm mới thì biết bao giờ mới lấy được vốn, chưa dám tính chuyện sinh lời", người thợ tâm sự.
Bác Vũ Mạnh Hùng năm nay đã hơn 70 tuổi, sau một thời gian dài sử dụng các loại máy cơ đời cũ đã quyết định chuyển sang dùng máy kỹ thuật số cho tiện công việc. Năm ngoái, bác đầu tư một chiếc 11 triệu đồng, giờ đã hết khấu hao và bắt đầu lãi. Bác là một trong những thợ ảnh hiếm hoi gần như ngày nào cũng có khách, trung bình từ 10 - 15 tấm, nhờ vậy quá trình hoàn vốn nhanh hơn.
Một "phó nháy" sải bước vội vã từ tiệm ảnh phía bên đường sang phía hồ, trên tay cầm một túi đựng ảnh đã sẵn sàng giao. "Vừa nãy có đoàn khách chụp 20 kiểu, xem như hôm nay gặp may rồi", anh nói. Anh xem nghề chụp ảnh bây giờ giống như đi câu cá: "Ngày nào cũng buông cần nhưng hôm được hôm không, lấy bữa có để bù ngày trắng tay thôi. Cái thời ngày nào cũng được chụp thì xa rồi". Nói rồi anh chỉ tay ra phía cổng đền Ngọc Sơn, nơi có 4 - 5 người thợ đang đứng đợi từng lượt khách qua để mời chào.
"May mắn thì ngày cũng túc tắc đôi ba tấm ảnh, giá mỗi bức cỡ phổ thông là 25.000 đồng, thợ chụp rồi tự đến các hàng rửa cho khách". Anh cho biết thêm, thu nhập bây giờ không thể trông đợi vào những lượt du lịch, khách vãng lai mà phải nhờ vào những mối quen. "Mối quen có thể là hướng dẫn viên hay các hiệu ảnh, họ thuê mình chụp theo hợp đồng thì mới có đủ thu nhập sống tằn tiện".
Ở một góc hồ, vài ba chiếc ghế rồi giá vẽ được dựng lên là nơi sáng tác của những người làm nghề vẽ tranh truyền thần. Trong số những "họa sĩ" này có người từng là phó nháy hồ Gươm bỏ nghề. Bác Đức (65 tuổi) tâm sự: "Tôi đi chụp ảnh cùng thời với ông Túy, bằng tuổi đời và bằng cả tuổi nghề nhưng đến đầu năm 2013 thì bỏ, chuyển sang vẽ tranh ở đây". Trong số khách hàng của bác, có người là thợ chụp tranh thủ lúc vắng khách ra ngồi làm mẫu.
Anh Quân