Thứ hai, 11/11/2024
Thứ bảy, 19/5/2018, 00:05 (GMT+7)

Nghề cheo leo vách đá lấy mật ong rừng ở Tây Bắc

Để lấy được mật, người thợ phải bám vách núi bò lên độ cao khoảng 200 m và hứng mũi đốt chí mạng của ong rừng.

Tháng 5 là thời điểm nhiều người dân ở Tây Bắc vào mùa khai thác mật ong rừng.

Ong rừng thường làm tổ trong các hốc đá hoặc vách đá cheo leo. Để lấy được mật, anh Lò Văn Đích, bản Hán, xã Mường Giôn (Quỳnh Nhai, Sơn La) phải tìm cách leo lên những dãy núi cao mà không có bảo hiểm.

Đồ nghề để lấy mật ong rừng rất thô sơ, gồm: Vải màn bảo vệ mặt, vài nén hương, con dao và xà beng tự chế để đào, đập đá.

Thợ lấy mật cho hay, cách phát hiện tổ ong là đi dọc bờ suối để quan sát ong lấy nước sau đó đi theo hướng ong bay. 

Khi phát hiện ra tổ ong, người thợ cuốn vải màn quanh mặt để tránh bị ong đốt. "Phải tiếp cận tổ ong để kiểm tra xem có thể lấy mật được hay chưa. Tổ nào nhiều ong bay ra, bay vào nghĩa là nhiều mật, nếu ong bay ít, có phấn hoa bám ở chân thì tổ nhỏ, non chưa khai thác được" anh Đích cho hay.

Ong thường chọn địa thế khô ráo để làm tổ, nhiều tổ nằm ở vị trí cheo leo trên vách đá. Để tiếp cận được tổ, người thợ phải leo trèo trên vách núi, nếu may mắn gặp được cây dây leo để bám thì sẽ thuận lợi hơn khi lấy mật.

Người thợ thắp hương, tạo khói để khiến đàn ong bay loạn ra ngoài, khi đó họ sẽ dùng dao cắt những mảng mật ra khỏi tổ.

Mặc dù có khói hương xua đuổi nhưng nhiều con ong rừng dữ, đeo bám chặt ở khu vực tổ nên người thợ thường xuyên bị ong đốt.

Ong có thời gian xây tổ và làm mật rất nhanh, chỉ sau 20 ngày làm tổ là có thể khai thác được mật. Tuy nhiên, để mật đạt chất lượng tốt nhất thì phải hơn 30 ngày.

Tổ ong lớn có thể nặng tới 12 kg, thông thường mỗi tổ khoảng 3 kg. 

"Theo đặc tính của loài ong, nếu năm nay làm tổ ở địa điểm này, sau khi lấy mật chỉ cần đắp lại tổ thì sang năm ong lại đến làm tổ tiếp", anh Quàng Văn Huỳnh (bản Phiêng Mựt) vừa thổi những con ong dính trên miếng sáp ong vừa nói.
 

Sáp ong khi mang về sẽ được tách bỏ vùng phấn hoa và con nhộng rồi để riêng phần mật, nếu không lọc bỏ ngay thì mật sẽ chua và hỏng. 

"Nghề lấy mật ong rừng rất vất vả, phải có sức khoẻ và biết leo trèo, không sợ độ cao. Nhiều năm đi lấy mật, không ít lần tôi bị đốt sưng mặt và mắt phải nằm một chỗ nhiều ngày. Tuy nhiên, đây là công việc thời vụ, chỉ diễn ra trong gần một tháng và mang lại thu nhập cao nên dù biết nguy hiểm vẫn phải làm để nuôi gia đình", anh Đích chia sẻ.

Ngọc Thành