Đêm nào chị cũng dậy 4-5 cữ như vậy với đủ lý do như cho trẻ đi vệ sinh, sau đắp chăn, vỗ về nếu có học sinh khóc nhớ nhà hoặc lên cơ động kinh. "Chưa kể những lúc có cháu ốm, sốt phải túc trực bên giường suốt đêm", chị Thủy, 45 tuổi, nhân viên tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn, kể về công việc.
Từng là giáo viên mầm non ở Phú Thọ, năm 2008, chị Thủy xin xuống Trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật huyện Quốc Oai (Hà Nội) làm việc.
Nhiều năm chăm sóc trẻ, chị từng nghĩ công việc mới không quá khó. Nhưng tưởng tượng khác xa thực tế, học sinh cần chăm sóc đều thuộc nhóm khuyết tật nặng về trí tuệ, vận động, nghe nói và tự kỷ trong độ tuổi từ 6 đến 16, phần lớn không tự chủ được hành vi hay tự chăm sóc bản thân.
Xoa nhẹ chỗ bầm tím trên tay, nữ nhân viên nói vết thương do một học sinh gây ra lúc phát bệnh, nửa tháng trước. Chị kể, cậu bé nặng đến 70 kg, 3-4 cô chăm sóc xúm vào giữ mà vẫn bị lôi đi, sau bị đẩy ngã dúi dụi ra đất. Người nhẹ thì bầm tím tay chân, nặng thì xây xước ngoài da, phải tìm người hỗ trợ.
Còn chuyện bị học sinh túm tóc, cào cấu, tấn công bằng răng hay buông lời xúc phạm, chị Thủy bảo "nhiều như cơm bữa". Biết học sinh có bệnh, chị không để bụng, dù vẫn chạnh lòng. "Vết trầy xước ngoài da không đau bằng việc nhìn thấy học sinh mình dốc lòng chăm sóc liên tục chống đối, nhìn thầy cô như kẻ thù, dù không phải em nào cũng vậy", chị thở dài.
Công việc mỗi ngày của chị Thủy và các đồng nghiệp bắt đầu từ 7h30 sáng. Sau khi cho ăn uống, thay quần áo, chị đưa học sinh đến lớp cách nơi ở vài chục mét. Về phòng lại bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, thay ga giường sau cho ăn, ngủ và chuẩn bị đưa lên lớp. Các đầu việc lặp lại vào buổi chiều trước khi cho học sinh đi ngủ lúc 9 giờ tối.
Một đêm ba lần, trẻ được gọi dậy đi vệ sinh nhưng vẫn có em không tự chủ, đi ra giường, bôi đầy lên chăn, màn, phải bế đi lau rửa và dọn dẹp phòng. Giấc ngủ của người chăm sóc luôn chập chờn khi phải đề phòng trường hợp trẻ lên cơn động kinh, quấy phá cần sang trấn an, can thiệp. "Nói là ngủ nhưng tôi luôn trong tâm thế cảnh giác, hễ nghe tiếng động là dậy kiểm tra", chị Thủy kể.
14 năm theo nghề, nữ nhân viên nói chăm sóc trẻ khuyết tật nặng khó gấp trăm lần so với học sinh bình thường, bởi các em không thể bày tỏ cảm xúc, mong muốn bằng lời, nhất là nhóm trẻ trong giai đoạn dậy thì.
Ngoài việc phải hiểu tính cách, sở thích/ghét của từng học sinh để chọn phương pháp giáo dục phù hợp, thầy cô còn liên tục chia sẻ kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản trong các buổi sinh hoạt chung. Riêng nhóm nữ sinh không tự chủ được hành vi, người chăm sóc phải theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để kịp thời vệ sinh.
Ông Lê Công Vinh, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng Việt - Hàn, cho biết đơn vị có 12 nhân viên chăm sóc, quản lý 6 nhà nội trú. Mỗi nhà có 20-26 học sinh phân theo giới tính, độ tuổi, do ba nhân viên đảm nhận, lịch làm việc luân phiên (làm một ngày đêm liên tục, nghỉ hai ngày) để đảm bảo sức khỏe.
Công việc mỗi ngày của nhân viên chăm sóc gồm đưa đón học sinh đến lớp, cho ăn, tắm rửa, dạy kỹ năng sống, giáo dục giới tính và chăm sóc các trẻ nằm liệt. "Nghe có vẻ đơn giản nhưng công việc này rất đặc thù, nặng nhọc, đòi hỏi người chăm sóc phải có tính kiên trì cao. Cũng chính bởi khó khăn, vất vả nhưng lương không cao khiến đơn vị gặp khó khăn trong vấn đề tuyển người", Giám đốc Trung tâm chia sẻ.
Làm "mẹ" của những đứa trẻ đặc biệt, áp lực lớn nhất với chị Thủy và các đồng nghiệp là thiếu thời gian chăm sóc gia đình. Theo chế độ, nhân viên có 12 ngày nghỉ phép trong năm, nhưng chị Thủy và các đồng nghiệp hiếm khi sử dụng bởi lo học sinh không có người chăm, sợ đồng nghiệp ôm đồm nhiều việc mà kiệt sức. Thậm chí ngày lễ tết, nghỉ hè thầy cô vẫn luân phiên đến trung tâm bởi hơn chục học sinh là trẻ mồ côi, gia cảnh đặc biệt không được người thân đón về.
Dốc lòng vì công việc nhưng chẳng hiếm lần các nhân viên chăm sóc bật khóc khi bị phụ huynh đến tận lớp mắng xối xả, trách làm việc không tận tâm, chểnh mảng, thậm chí buông lời xúc phạm khi phát hiện con bị trầy xước ở tay, chân lúc chơi đùa với bạn bè trên trường. "Mỗi lúc như vậy chúng tôi chỉ biết nói lời xin lỗi, mong phụ huynh thông cảm vì thực tâm không muốn", một đồng nghiệp của chị Thủy nói.
Ông Mai Văn Trưởng, ông nội của học sinh Mai Hoàng Nam được cô Thủy chăm sóc, cho rằng phụ huynh cần thông cảm cho thầy cô bởi chuyện trẻ nhỏ xây xát lúc vui chơi là bình thường, bố mẹ trông con còn có lúc va vấp.
"Nhờ cô Thủy và các thầy cô tận tình chăm sóc, kiên trì dạy bảo, cháu Nam nhà tôi tiến bộ từng ngày. Giờ cháu có thể tự vệ sinh cá nhân và giúp ông bà một số việc đơn giản. Nỗ lực và cống hiến của các thầy cô ở trung tâm không phải ai cũng làm được", ông Trưởng chia sẻ.
Thấy công việc vất vả, lương thấp, không ít người khuyên nên chuyển việc nhưng chị Thủy và các đồng nghiệp đều lắc đầu. "Nếu ai cũng chọn nhẹ nhàng thì khó khăn phần cho ai. Còn sức khỏe tôi còn gắn bó với nghề. Tôi hy vọng có thể tiếp tục chăm sóc, nỗ lực truyền dạy kỹ năng sống để khi ra trường các con có thể tự chăm sóc bản thân, bớt gánh nặng cho gia đình", chị Thủy bộc bạch.
Để chia sẻ với các thầy cô chăm sóc trẻ khuyết tật đặc biệt nặng và mang đến các em những món quà Tết ấm áp, độc giả có thể ủng hộ thông qua Quỹ Hy vọng tại đây.
Quỳnh Nguyễn