Chiều giữa tháng 8, bên căn nhà cấp bốn ở thôn Yên Lạc, xã Quang Lộc, bà Thân Thị Nguyệt, 47 tuổi, ngồi giữa hiên nhà, chân đạp tấm phản gỗ, tay thoăn thoắt kéo dây mây để đan những chiếc áo tơi. Đây là nghề truyền thống của làng, được gia đình bà Nguyệt duy trì hơn 30 năm nay.
Nguyên liệu chính là lá nón, hay còn gọi lá tơi, mọc tại các vùng đồi núi ở huyện Hương Khê, Vũ Quang, cách huyện Can Lộc khoảng 50-70 km. Người dân thường mang theo cơm nắm, lái xe đến bìa rừng rồi đi bộ vào sâu rừng dựng lán ở lại hai đến ba ngày để hái lá, gom lại thành nhiều bó nhỏ đưa về nhà. Lá nón phải được là thẳng bằng nhiệt, đem phơi sương một ngày cho dẻo để không bị cong, tiếp đó phơi nắng một buổi mới có thể dùng.
Dây mây được người dân đến các khoảnh đồi hoặc vườn tạp ở huyện Can Lộc, Thạch Hà chặt, hoặc ra chợ trên địa bàn mua với giá vài chục nghìn đồng mỗi bó. Cây mây được chẻ ra thành từng dây nhỏ, ngâm vào nước khoảng hai tiếng cho mềm để dễ xâu vào kim sắt.
Chằm áo tơi cần có tấm phản gỗ để đặt lá nón lên trên, thường gọi là bàn chằm. Ngoài ra còn có 4-6 chiếc nẹp gỗ, rộng 3 cm, dài 1m, nhằm giữ nếp và ép lá lại ngay ngắn. Ở công đoạn đầu tiên, người thợ sẽ sắp xếp những chiếc lá nón chồng lên nhau theo kiểu lợp ngói, sau đó dùng chiếc kim sắt dài khoảng 25 cm xâu sợi mây may các đường chỉ. Một chiếc áo tơi thường có 5 đường may.
Cổ áo là phần quan trọng, được làm cẩn thận nhất. Lá nón đan cổ áo cần đều nhau, đem xếp nhiều lớp, may chắc chắn và vuông góc, phía trên cùng gắn dây mây để đeo vào cổ người và giữ áo cố định trên lưng.
Bà Nguyệt kể, lúc 12 tuổi được mẹ chỉ cho cách làm, vì sức yếu nên chưa thể may được phần cổ nên mẹ đã may sẵn phần này, còn lại để bà làm. "Chằm áo tơi đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mẩn, nếu xếp lá nón thưa hoặc may đường chỉ dây mây không đều thì vật dụng chỉ dùng được vài tháng là hỏng, mất tính thẩm mỹ", bà Nguyệt nói. Trung bình một chiếc "áo giáp lá" làm khoảng một tiếng, mỗi ngày một lao động làm được 5-6 sản phẩm.
Áo tơi dài một mét, rộng 80 cm, đường may đều, toàn bộ phần lá kín và không bị thấm nước mới được xem đạt chất lượng. Áo phải mỏng, nhẹ, mang lên người có cảm giác thoải mái, không bị gò bó. Mỗi chiếc giá 80.000-90.000 đồng, nông dân mua về đi làm đồng áng, sử dụng trong 2-3 năm mới phải thay mới.
Chằm áo tơi là nghề thời vụ của người dân thôn Yên Lạc, làm từ tháng 3 đến hết tháng 7 (âm lịch), cao điểm nhất là tháng 4-5, khi miền Trung trải qua nắng nóng. Vào vụ, một tháng gia đình thu 5-6 triệu đồng từ tiền bán áo tơi. Những tháng đắt hàng, một số hộ trong thôn Yên Lạc huy động 3-5 thành viên làm, chằm được 150-200 áo tơi đem nhập cho đối tác. Mỗi chiếc sau khi trừ các chi phí vật liệu lời khoảng 50.000-60.000 đồng.
"Nghề này nếu ai chăm chỉ cũng mang lại thu nhập khá. Trước kia, cả làng Yên Lạc làm áo tơi, hiện chỉ còn vài chục hộ, bởi một số gia đình không còn người vào rừng lấy lá nón. Chằm áo tơi rất độc đáo, chỉ vùng đất Quang Lộc mới có, nhiều lúc chúng tôi bảo nhau cần duy trì để tránh mai một nét văn hóa đặc trưng của địa phương", bà Nguyệt nói.
Áo tơi ở thôn Yên Lạc được nhiều người dân trong tỉnh Hà Tĩnh mua sử dụng. Bà Trần Thị Thành, 58 tuổi, nông dân trú huyện Hương Khê, cho biết dù thị trường có nhiều loại áo mưa hoặc áo chống nắng, song hàng chục năm qua, bất kể thời tiết như thế nào thì mỗi lúc ra đồng, áo tơi luôn là "bạn đồng hành".
"Mùa hè áo giúp tránh nóng, mùa đông thì hỗ trợ tránh rét. Ngoài ra, những lúc làm đồng mệt mỏi, tôi ngồi dưới gốc cây nghỉ ngơi, áo tơi trở thành tấm thảm để nằm, cũng có thể làm quạt để xua tan đi sự oi bức của ngày hè", bà Thành nói.
Lãnh đạo xã Quang Lộc cho biết, đến nay thôn Yên Lạc chỉ còn khoảng 45 hộ giữ nghề chằm áo tơi. "Nghề này giúp nhiều gia đình xóa đói giảm nghèo, có nguồn để đầu tư cho con cái học hành. Để không bị mai một, xã đã vận động mọi người gìn giữ nghề, đề xuất ngân hàng bố trí những khoảng vay lãi suất thấp dành cho những ai có ý định mở rộng quy mô sản xuất", lãnh đạo xã nói.