![]() |
"Của quý" của Napoleon cũng bị rao bán. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống. |
Trong thời kỳ hưng thịnh của khoa học công nghệ, thế giới xuất hiện những lái buôn khá đặc biệt, chưa từng được nghe trong lịch sử loài người: Buôn “siêu phẩm” của các vĩ nhân. Đó là “sản phẩm di truyền” của các nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, quân sự, khoa học ...
Người được coi là tiên phong của xu thế có một không hai này là nhà hóa học nổi tiếng người Mỹ Kary Mullis, từng được giải thưởng Nobel Hóa học. Sản phẩm đầu tiên được ông rao bán là gene của vua nhạc Rock&Roll Elvis Presley và siêu sao màn bạc Marilyn Monroe...
Là chủ tịch của một ngân hàng gene ở Mỹ, Mullis đã lên kế hoạch cụ thể cho việc nhân gene trong dãy ADN của các siêu sao màn bạc, các ca sĩ lừng danh, những vĩ nhân thế giới. Người ta không loại trừ khả năng một phần nhỏ trong số các “mặt hàng” của ông Mullis đã được phục vụ cho việc nghiên cứu sinh sản vô tính.
Tuy nhiên, ông Mullis khẳng định ngân hàng của mình chỉ phục vụ nhu cầu các fan của người nổi tiếng. Những mặt hàng này không phục vụ cho việc nhân giống vô tính nhằm cho ra các hậu duệ mà chỉ để... trưng bày. Chúng sẽ được bảo quản cẩn trọng trong những chai lọ cao cấp, khảm vào các đồ tư trang hay được những người hâm mộ mang theo bên mình như một sự kiêu hãnh về thần tượng của họ. Và tất nhiên, việc làm này đã được nhiều người hâm mộ hoan nghênh. Cũng có một số người hăm dọa bởi coi đó là sự xúc phạm đến thần tượng của họ.
Mullis biện luận rằng nhiều người đã cố công tìm kiếm những bộ sưu tập chữ ký, quần áo, tóc, móng... của các thần tượng thì tại sao không thể tìm mua một vòng xoắn ADN? Ông khẳng định những vòng xoắn ADN chỉ là những kỷ vật để tưởng nhớ đến thần tượng chứ không phải là trang sức như một số người đã ngộ nhận.
Những chuỗi xoắn của Marilyn Monroe, danh họa Picasso, tổng thống Mỹ George Washington... đã giúp Mullis thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ. Tính đến nay, gene của siêu mẫu Claudia Schiffer vẫn giữ kỷ lục về doanh số bán ra cũng như lượng đơn đặt hàng.
Không chỉ có Mullis mới thức thời. Trên Internet hiện có rất nhiều lời rao bán gene những người nổi tiếng trong giới doanh nhân hay khoa học. Tiến sĩ Joe Tsien của Đại học Princeton rao bán gene thông minh, gene tuổi thọ... lấy từ các nhà bác học. Ông đã thực hiện thí nghiệm truyền vào con chuột một loại gene có tên NR2B và nhận thấy con chuột trở nên thông minh hơn. Nhà nghiên cứu Rowm Harris cũng đang rao bán đấu giá “gene sắc đẹp" được trích từ các người mẫu, hoa hậu nổi tiếng.
Kinh doanh tinh trùng để “sản xuất thiên tài”
Cách đây hơn 20 năm, một ngân hàng lần đầu tiên chào bán “con giống” của những người đoạt giải thưởng Nobel và các nhà vô địch Thế vận hội đã ra đời. Ông chủ của ngân hàng có một không hai của Mỹ này là Rober Gramham - một triệu phú rất ngưỡng mộ các nhà bác học.
Ông đã tìm đủ mọi cách có thể, liên tục tấn công các bộ óc nổi tiếng bằng thư từ, điện thoại, thậm chí bất ngờ đến tìm họ tại phòng thí nghiệm chỉ để lấy được một ít... tinh trùng của họ rồi nhanh chóng cho vào chiếc ống đã tiệt trùng.
Gramham thuyết phục những người này rằng họ đang nắm số phận loài người trong tay: “Con người cần phải kiểm soát được quá trình tiến hóa”. Theo ông, những người nghèo khổ, ốm đau, thiểu năng trí tuệ thường đẻ nhiều con, nên nhân loại đang trên đường quay lại điểm xuất phát trí tuệ của mình. Cũng theo Gramham, “sự chọn lọc về trí tuệ” là cách duy nhất tránh được tình trạng thụt lùi đó.
Gramham còn lấy tinh trùng từ các nhà khoa học trẻ tuổi mới nổi tiếng, các nhà vô địch Thế vận hội và các triệu phú tự đi lên bằng chính đôi chân của mình. Từ ngân hàng của Gramham, 215 đứa trẻ đã ra đời cho đến khi nó đóng cửa năm 1999.
Bà Loraine, một chuyên gia thần kinh, đã đi đến quyết định có con nhờ ngân hàng tinh trùng, vì trong công việc hằng ngày, bà luôn phải gặp những bệnh nhân thiểu năng trí tuệ. Loraine cho rằng nhu cầu sinh ra những đứa con “tinh túy” là hoàn toàn bình thường, vì “ai trồng cây cũng đều phải chọn cho mình những hạt giống tốt”.
3 đứa con của bà được sinh ra từ ngân hàng tinh trùng của Gramham đều là những đứa trẻ giỏi giang. Cậu con trai 10 tuổi và hai trẻ sinh đôi 6 tuổi đều theo học những trường tốt nhất và mang về nhà điểm số cao nhất.
Nhiều người nổi tiếng "chết không toàn thây"
Vì những thương vụ như trên, rất nhiều danh nhân đã không vẹn toàn thân thể sau khi qua đời. Bộ não của nhà khoa học đại tài Einstein được cho là đã bị chia ra làm 240 phần. Những mẩu nhỏ xẻ ra từ bàn tay của Thánh Francis Xavier được bí mật trao đổi buôn bán khắp từ châu Á sang châu Âu...
"Của quý” của Napoleon cũng đã được đem ra bán đấu giá năm 1946 mà người rao là con cháu vị mục sư từng có mặt trong buổi khám nghiệm tử thi của vị hoàng đế này. Tuy không ai có thể khẳng định đó có đúng là "một phần" của Napoleon hay không, nhưng nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để có được nó. Hiện món hàng quý này đang thuộc quyền sở hữu của một bác sĩ người Mỹ.
Khi thế giới còn những người tò mò, thích chơi trội thì nghề kinh doanh “siêu phẩm” của các vĩ nhân còn có cơ phát tài. Càng ngày, quy mô buôn bán càng được mở rộng và công khai. Người ta dự báo rằng, trong thời gian tới sẽ xuất hiện không ít những ngân hàng kinh doanh theo kiểu của Mullis, Gramham và doanh số sẽ ngày càng tăng. Tuy nhiên, những khoản lợi khổng lồ sẽ kéo theo nguy cơ xuất hiện hàng giả.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)