Bác sĩ là một trong những nghề được tôn trọng và trả lương cao nhất ở Hàn Quốc. Theo báo cáo của Mạng lưới Nghề nghiệp và Người lao động Hàn Quốc vào tháng 4/2022, nhân viên y tế nằm trong 10 nhóm nghề có thu nhập cao nhất. Các vị trí bác sĩ chuyên khoa chiếm 16 vị trí trong top 20 công việc có thu nhập cao nhất, bên cạnh phi công, quản lý quỹ và hiệu trưởng đại học.
Khảo sát của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc chỉ ra rằng thu nhập trung bình năm của bác sĩ là 230,7 triệu won (4 tỷ đồng), gấp hơn hai lần mức thu nhập được coi là cao ở nước này. Con số này cũng cao hơn thu nhập trung bình 140 triệu won ở Tập đoàn Samsung.
Ngoài thu nhập cao, sự hài lòng với công việc cũng là lý do khiến ngành y thu hút người học. Năm 2021, hơn một nửa số nhân viên y tế khẳng định họ sẽ gợi ý công việc này cho người khác. Con số này đã tăng lên vào năm ngoái, lên tới 61,4%, cho thấy nghề y ngày càng được yêu thích.
Cũng theo Mạng lưới Nghề nghiệp và Người lao động Hàn Quốc, các bậc phụ huynh có xu hướng gợi ý cho con theo đuổi nghề y. Cứ 5 học sinh tiểu học và trung học thì có một em mong được học trường y.
Dù lương cao, địa vị xã hội tốt, song nhiều bác sĩ cho rằng họ đang phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công làm tê liệt ngành y những ngày gần đây.
Hôm 20/2, hơn 1.600 bác sĩ và thực tập sinh tại các bệnh viện lớn của Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc đình công để phản đối kế hoạch tiếp nhận thêm sinh viên vào các trường y của chính phủ.
Theo các bác sĩ, giới chức đang bỏ qua những vấn đề cụ thể như điều kiện làm việc khắc nghiệt, lương thực tập sinh và bác sĩ nội trú thấp. Các cuộc khảo sát cho thấy trong một tuần, bác sĩ thường xuyên làm việc nhiều ca kéo dài hơn 24 giờ, thậm chí 80 giờ một tuần.
"Tôi không thấy tương lai của mình khi làm việc trong tình trạng khẩn cấp 5 hoặc 10 năm tới", Park Dan, người đứng đầu Hiệp hội Thực tập sinh Hàn Quốc, vừa từ chức tại khoa cấp cứu Bệnh viện Severance, cho biết.
Ông Park nói thêm, việc thiết lập hệ thống bảo hiểm và thanh toán của chính phủ hiện nay chỉ cho phép các bác sĩ ở một số khoa, như phẫu thuật thẩm mỹ, có được cuộc sống đàng hoàng.
Theo những bác sĩ đình công, việc tăng số lượng bác sĩ có nguy cơ tạo nhiều cạnh tranh hơn, dẫn đến việc điều trị quá mức cho bệnh nhân. Chính phủ muốn tăng khoảng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào năm 2025 và 10.000 chỉ tiêu vào năm 2035.
Những người biểu tình là bác sĩ đang được đào tạo, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của các bệnh viện. Họ cho biết tình trạng thiếu bác sĩ không xảy ra trên toàn ngành, chỉ giới hạn ở những chuyên khoa cụ thể như chăm sóc cấp cứu.
Trả lời truyền thông, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết chính phủ sẽ không lùi bước trước những cải cách "cần thiết". Ông cho rằng đây là biện pháp thiết yếu để ứng phó với tình trạng dân số già của đất nước. Đầu tháng này, chính quyền ông Yoon Suk công bố kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y toàn quốc lên 65%.
"Quyết định tăng chỉ tiêu thậm chí chưa đạt đến mức cần thiết để chuẩn bị cho tương lai của đất nước", ông nói.
Trong cuộc họp tại Văn phòng Tổng thống, ông nhận định các thực tập sinh bác sĩ và các sinh viên y khoa là những người đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực y tế. Ông cho rằng họ "không nên có hành động tập thể, lấy mạng sống và sức khỏe của người dân làm con tin".
Công chúng Hàn Quốc ủng hộ rộng rãi việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, vốn chưa có sự cải cách kể từ năm 2006. Nước này có khoảng 2,6 bác sĩ trên 1.000 dân, thấp hơn so với mức trung bình 3,7 ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Park Ki-joo, 65 tuổi, cư dân ở thị trấn Cherwon, cho biết cuộc đình công buộc ông phải ở lại Seoul qua đêm để chăm sóc con gái 9 tuổi sắp phẫu thuật cổ tại một bệnh viện lớn.
"Tôi không sống ở đây, giờ phải tìm một nơi lưu trú. Nhưng tôi lo lắng hơn về việc con gái sẽ mất nhiều thời gian để điều trị", ông nói.
Theo bảng khảo sát của Gallup Korea, khoảng 76% người Hàn Quốc ủng hộ kế hoạch tuyển thêm sinh viên y khoa, trong bối cảnh lo ngại về tình trạng thiếu hụt bác sĩ nhi khoa, cấp cứu và phòng khám trầm trọng.
Thục Linh (Theo Reuters, Yonhap, Korea Times)