-
16h30
Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các bên
Lễ ký kết Thoả thuận Liên kết phát triển du lịch giữa UBND TP Hà Nội, TP HCM và các tỉnh Bắc Trung Bộ mở rộng đánh dấu cột mốc trong việc hợp tác phát triển du lịch liên vùng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các đại phương đồng thời tạo tiền đề cho việc kích cầu và định vị du lịch Bắc Trung Bộ trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
Phần sau chương trình là Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác phát triển du lịch giữa 29 doanh nghiệp đến từ TP HCM và Hà Nội cùng địa phương vùng Bắc Trung Bộ mở rộng. Lễ ký kết khẳng định sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc đồng hành phát triển các hoạt động du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Tại diễn đàn, ban tổ chức cũng tiến hành trao 60.000 lá cờ trong chương trình "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển". Sau hơn 3 năm thực hiện chương trình, đến nay, 865.220 lá cờ đã được trao đến tay ngư tạo động lực giúp người dân yên tâm vươn khơi bám biển, khẳng định chủ quyền Việt Nam.
-
16h05
Triển vọng tăng trưởng 6 tháng cuối năm của du lịch Việt
Kết thúc phần tham luận, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu về chính sách thúc đẩy liên kết phát triển vùng. Theo Thứ trưởng, hoạt động du lịch ghi nhận sự sôi động lại trên cả nước. Bằng chứng là trong 6 tháng đầu năm, cả nước đón 60-80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu mang lại tới 265.000 tỷ đồng. Đối với khách quốc tế, các địa phương đón 414.000 lượt, đạt 10% so với kế hoạch đặt ra 5 triệu lượt.
"Lượng khách quốc tế còn hạn chế nhưng chúng ta không điều chỉnh chỉ tiêu vì sẽ chờ đợi sự tăng trưởng nhanh chóng trong 6 tháng cuối năm", ông Việt khẳng định. Từ đó, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm: sản xuất sản phẩm mới; quảng bá, xúc tiến du lịch; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành, đầu tư phát triển du lịch.
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng đại diện Bộ nêu một số ý kiến sau:
- Cơ chế liên kết vùng cần có tính thực tiễn, hiệu quả. Từ đó, góp phần thúc đẩy thành công mục tiêu chung.
- Thiết lập kênh thông tin trao đổi thường xuyên giữa các cấp trong ngành du lịch.
- Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tham quan, di sản thế giới, văn hóa lịch sử tại vùng Bắc Trung Bộ. Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể để hút du khách giữa vùng Bắc Trung Bộ và Hà Nội, TP HCM.
- Nghiên cứu xây dựng hình ảnh chung, tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch các địa phương trong vùng, quốc gia để hướng đến thị trường quốc tế.
- Tăng cường liên kết ứng dụng công nghệ trong vùng, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến du lịch.
- Xây dựng cơ chế kết nối cơ sở hạ tầng, thông thoáng, sáng tạo, từ đó hình thành các sản phẩm chất lượng. Đồng thời, kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, từng bước hiện đại hóa hạ tầng.
- Chú trọng đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch để nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Cần phối hợp chặt chẽ trong hệ sinh thái du lịch, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
-
15h55
Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách
Bà Pippa Scaife, Phó Chủ tịch, Chiến lược Phát triển toàn cầu, NBCUniversal và Ông Andrew Demaria, Phó Chủ tịch, Giám đốc Điều hành Sáng tạo, NBCUniversal cùng chia sẻ về chủ đề "Marketing Du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19"
Danh mục và quan hệ đối tác của NBCU cho phép cả hai tìm thấy đặc điểm khách du lịch nào có nhiều khả năng tương đồng với Việt Nam nhất và nhắm mục tiêu vào họ đúng thời điểm trong hành trình tiêu dùng. Gần đây, NBCU đã thực hiện một loạt bài với Delta Airlines, những người đang tập trung vào tính bền vững và thực hiện nhiều chiến dịch khác nhau với các hoạt động du lịch cấp quốc gia: Du lịch Australia, Ấn Độ, Nam Phi, du lịch Hàng Châu. Điều quan trọng là cần hiểu các mục tiêu, sau đó kết hợp chiến lược thương hiệu với nội dung và các giải pháp IP để đáp ứng tốt nhất đối tượng mục tiêu cũng như tác động mục tiêu đó với độ phủ dữ liệu.
NBCU sử dụng nhóm nghiên cứu và nhóm dữ liệu để phân tích xu hướng của ngành du lịch. Đây là những gì chúng ta biết về lĩnh vực du lịch ở thời điểm hiện tại. Theo đó, dữ liệu và các cuộc trò chuyện mà NBCU đang có với các nhà lãnh đạo chính phủ trong ngành du lịch cho cả hai biết khách du lịch đang chi tiêu nhiều hơn, ở lại lâu hơn và kết hợp công việc với du lịch (làm việc từ xa)
Mức chi tiêu cao hơn 3% so với năm 2019 vào tháng 4/2022. Lượng đặt phòng từ Mỹ trong mùa hè ở mức 97% so với năm 2019. Và chi tiêu cho truyền thông du lịch năm nay cao hơn 9% so với cùng thời điểm năm 2019. Với thông điệp và mục tiêu phù hợp, Việt Nam có thể là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách trong thời đại mới này.
Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng sức mạnh của kể chuyện bằng người thật để thể hiện những trải nghiệm đó; sáng tạo các bài viết thương hiệu trên nhiều nền tảng dưới hình thức biên tập và chứng minh bằng số liệu. Trong đó, tập trung vào các khu vực mà khách du lịch đang tìm kiếm: du lịch sinh thái, trải nghiệm mới, lưu trú dài ngày hơn, kết nối được với công việc, an toàn. Bên cạnh đó, cần phải luôn cập nhật nội dung trên các kênh kỹ thuật số; sử dụng dữ liệu để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Cuối cùng, chúng ta cần phối hợp với nhau để thu hút khách du lịch.
-
15h50
Mở rộng mạng bay để đón khách du lịch
Theo Ông Nguyễn Minh Tâm – Phó Trưởng ban Tiếp thị bán sản phẩm, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines, ngay từ những ngày đầu khi Việt Nam kiểm soát thành công dịch Covid-19, Vietnam Airlines đã dần đi vào ổn định, kết nối những đường bay quốc tế, mở rộng đường bay nội địa, đáp ứng nhu cầu đi lại và du lịch của người dân.
Chia sẻ thực trạng khai thác đường bay và phương hướng mở rộng mạng bay với mục tiêu phát triển kinh tế, du lịch khu vực Bắc Trung Bộ mở rộng, ông Tâm cho biết, dự kiến tháng 10 năm nay, Vietnam Airlines sẽ quay trở lại thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, về mạng bay quốc tế, đến nay Vietnam Airlines vẫn chưa kết nối lại đường bay với Trung Quốc và Myanmar do chính sách chống dịch của các nước này. Hiện, Vietnam Airlines mở mới hai đường bay là đường bay thẳng đến Mỹ và Ấn Độ.
Đối với đường bay nội địa, hãng đã mở 54 đường bay, bao gồm cả các điểm đến Bắc Trung Bộ, một trong những điểm đến quan trọng của Vietnam Airlines. Trong nửa cuối năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, hãng sẽ tập trung quảng bá, mở rộng thêm các đường bay quốc tế để thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Số đường bay của Vietnam Airlines đã tăng gần 40% so với năm 2019
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, tổng khách vận chuyển đến và đi các điểm đến khu vực Bắc Trung Bộ đều tăng. Cụ thể, tổng khách vận chuyển đến và đi tại Vinh tăng 45%, tại Thanh Hoá tăng 65% và Đồng Hới tăng 80% so với 2019. Đồng thời, hãng cũng duy trì tần suất khai thác dày giữa Vinh - TP HCM, và giữa Vinh với các địa phương khác. Bên cạnh Vinh, Vietnam Airlines cũng duy trì lượng vận chuyển khoảng 35.000 lượt khách giữa Thanh Hóa và các tỉnh địa phương trên cả nước.
Ngoài ra, việc duy trì tần suất khai thác chuyến bay giữa Đồng Hới, Hà Nội và TP HCM cũng được hãng đặc biệt coi trọng. Để phát triển mạng lưới đường bay khu vực Bắc Trung Bộ và thúc đẩy phát triển du lịch vùng miền, Vietnam Airline đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hà Nội, TP HCM, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình.
Doanh nghiệp sẵn sàng đồng hành cùng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các địa phương phát động và khai thác tiềm năng khách du lịch với các điểm đến khu vực Bắc Trung Bộ.
Đại diện Vietnam Airlines cũng đề ra phương hướng kết nối doanh nghiệp các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ tới các sự kiện quốc tế để tăng cường hợp tác bạn hàng, xây dựng các chương trình bán và quảng bá du lịch Bắc Trung Bộ. Một giải pháp khác trong việc phát triển mạng bay khu vực Bắc Trung Bộ là sàn thương mại điện tử mà Hãng Hàng không Quốc gia sẽ xây dựng các sản phẩm chung với đối tác trong và ngoài lĩnh vực hàng không, du lịch để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Ngoài ra, hãng cũng khai thác tàu bay thế hệ mới đi các nước trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và tiếp tục, mở rộng phát triển các đường bay quốc tế tới các điểm du lịch biển.
-
15h35
Các sản phẩm du lịch độc đáo tại TP HCM
Đại diện Công ty Du lịch TST Tourist, Giám đốc Truyền thông – Marketing Nguyễn Minh Mẫn, chia sẻ bức tranh tổng quan về sản phẩm và dịch vụ du lịch TP HCM. Theo ông Mẫn, với diện tích tự nhiên trên 2.095 km2, TP HCM gồm 22 quận huyện, thành phố và dân số trên 9 triệu người tạo ra tiềm năng du lịch lớn.
Đồng thời, TP HCM có thế mạnh rừng, biển, sinh thái vườn, sông nước. Điều này tạo ra sự phong phú trong việc phát triển các sản phẩm du lịch gồm du lịch sinh thái, du lịch công đồng, du lịch biển và du lịch sông nước. Đặc biệt, du lịch đô thị là điểm nhấn trong phát triển sản phẩm du lịch của thành phố khi sở hữu thế mạnh về cơ sở hạ tầng, giá trị lịch sử văn hoá, báo tảng và khu mua sắm.
Với tiềm năng lớn về du lịch, 5 sản phẩm du lịch đặc sắc của TP HCM gắn với 5 trục tour gồm:
- Sản phẩm citytour trong nội đô thành phố với chủ đề "Cảm xúc Sài Gòn" mang tới sản phẩm du lịch thăm quan các công trình văn hoá, ẩm thực mua sắm...
- Tuyến trung tâm thành phố - phía Tây Bắc, chủ đề "Màu xanh trên vùng đất thép" với điểm nhấn là quận Củ Chi, Hóc Môn.
- Tuyến trung tâm thành phố - phía Đông Nam có ưu thế phát triển sinh thái với đô thị xanh, du lịch sông nước, văn hoá cộng đồng gắn với khu dữ trữ sinh quyển quốc gia mang chủ đề "Thiên nhiên tươi đẹp".
- Tuyến trung tâm thành phố - Thành phố Thủ Đức có chủ đề "Thành phố xanh bên sông Sài Gòn", mang tới cho khách du lịch trải nghiệm nhịp sống đô thị phát triển với các giá trị văn hoá lịch sử đặc sắc và ẩm thực đa dạng.
- Tuyến trung tâm thành phố - phía Nam đi qua các điểm đến Tân Bình – Tân Phú – Quận 11 – Quận 8 và Bình Thạnh với sản phẩm du lịch y tế sức khoẻ, vườn sinh thái và du lịch mệt vườn. Bên cạnh việc phát triển tuyến du lịch, các sản phẩm du lịch như trải nghiệm du thuyền "Ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn", hành trình lịch sử "Theo dấu chân biệt động Sài Gòn", "Màu xanh trên vùng đất thép Củ Chi"... giúp phát triển và khai thác tối đa thế mạnh du lịch của TP HCM hướng tới tính "độc đáo, hấp dẫn, khác biệt".
Bên cạnh các sản phẩm du lịch thế mạnh, TP HCM cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm liên kết với các vùng du lịch khác gồm Đông Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Duyên hải miền Trung để khai thác những tiềm năng độc đáo của các vùng du lịch, từ đó, thu hút thêm khách hàng và nâng cao doanh thu. Đồng thời, TP HCM cũng đẩy mạnh việc mở các hội chợ quốc tế và uy tín khi thu hút hơn 250 gian triển lãm, 30.000 khách tham quan, hơn 50 đối tác truyền thông và sự tham gia của hơn 49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
-
15h25
Doanh nghiệp du lịch cần cung cấp thông tin sản phẩm mới cho công ty lữ hành
Đại diện Công ty Du lịch Vietravel, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban Sản phẩm và Dịch vụ tham luận tại diễn đàn với chủ đề "Xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng nhằm thu hút khách đến vùng Bắc Trung Bộ mở rộng".
Theo bà Tạ Thị Tú Uyên, vai trò của liên kết du lịch vùng đóng vai trò quan trọng trong phát triển sản phẩm, cùng hỗ trợ nhau để thúc đẩy hoạt động liên kết sâu rộng, hiệu quả. Từ đó, các địa phương sẽ thúc đẩy, tận dụng được tiềm năng vốn có. Liên kết vùng còn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp nâng tầm dịch vụ, chất lượng nhân lực, biến khó khăn thành lợi thế.
Do đó, Vietravel định hướng sản phẩm sau Covid-19 hướng đến nhu cầu của khách hàng. "Hành vi khách hàng thay đổi nên những người làm du lịch cũng phải thay đổi xu hướng sản phẩm. Các địa phương cũng nên phát huy thế mạnh tối đa của tài nguyên của mình", bà Uyên giải thích.
Từ định hướng trên, Vietravel đưa ra các chương trình du lịch: văn hóa, di sản, tắm biển, nghỉ dưỡng, tín ngưỡng, sức khỏe chữa lành, cắm trại, mạo hiểm... Cụ thể, công ty phát triển sản phẩm mới với 3 hành trình cơ bản: Bình yên chốn Thanh – Nghệ - Tĩnh, Qua miền di sản Bình - Trị - Thiên, Trọn vẹn hành trình Đà Nẵng – Huế - Quảng Bình – Quảng Trị - Nghệ An – Thanh Hóa. Du khách có thể đến các địa phương nhiều lần qua các hành trình này, qua đó, tìm được những cảm xúc thăng hoa.
Cũng tại hội nghị, đại diện Vietravel đề xuất các đơn vị quản lý xây dựng, nâng cấp các tuyến cao tốc, hàng không, quy hoạch tuyến đường ven biển. Ngoài ra, cần đồng bộ cơ sở hạ tầng, đặc biệt tập trung vào nhóm khu lưu trú 4 sao; chú trọng đào tạo nhân lực trực tiếp từ đơn vị cung ứng.
Bà Uyên kiến nghị các doanh nghiệp du lịch cần cung cấp thông tin sản phẩm mới cho các công ty lữ hành, tổ chức thêm nhiều Famtrip, Freshtrip trong thời gian tới.
-
15h15
'Du lịch vùng Bắc Trung Bộ còn nhiều tiềm năng'
Ông Trương Đức Hùng – Phó Tổng giám đốc điều hành Tổng công ty Du lịch Sài Gòn phát biểu nội dung "Phát huy nội lực vùng và thu hút đầu tư để đưa du lịch thành động lực tăng trưởng kinh tế".
Ông cho biết vùng Bắc Trung Bộ mở rộng có vị trí giao thông thuận lợi, vừa có rừng, có biển, sông ngòi, đồng lúa. Riêng đối với lĩnh vực du lịch, đây là khu vực tập trung nhiều khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, cũng là nơi nổi tiếng với các di sản thế giới, có nhiều cộng đồng dân cư thuộc các sắc tộc khác nhau sinh sống, hình thành nhiều tài nguyên nhân văn đa dạng và độc đáo có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách.Diễn đàn liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa thành phố Hà Nội, TP HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng năm 2022 là một trong các cơ hội và giải pháp trọng yếu nhằm phát huy khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch, vị trí chiến lược của các địa phương, đẩy mạnh kết nối du lịch, tạo nên chuỗi sản phẩm liên kết giữa TP HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng, gồm Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường thu hút số lượng du khách, thời gian lưu trú và mức độ chi tiêu của du khách...Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) luôn nhận định du lịch vùng Bắc Trung Bộ mở rộng còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở liên kết với TP HCM. Trong nhiều năm qua, Saigontourist Group đã tiên phong triển khai nhiều hoạt động liên kết du lịch, đầu tư, góp phần tích cực trong quá trình phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng tại khu vực này. Hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng Saigontourist Group với các sản phẩm, dịch vụ du lịch phong phú tiếp tục mở rộng, thu hút số lượng lớn du khách quốc tế, nội địa đến các địa phương, nhằm triển khai cụ thể chương trình hợp tác, liên kết, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, vùng Bắc Trung Bộ mở rộng.Tiếp tục phát triển những kết quả đã thực hiện, từ thực tế thực hiện các chương trình liên kết du lịch với các khu vực, nhằm triển khai nội dung liên kết du lịch giữa TP HCM với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ mở rộng, đại diện Saigon Tourist đề xuất các nhóm nội dung liên kết trọng tâm sau đây:
Đầu tiên, về liên kết xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, khai thác nguồn khách đến: Hiện nay các hoạt động liên kết chủ yếu dựa vào cơ chế hội nghị trên cơ sở tự nguyện, thiếu tính pháp lý ràng buộc. Do đó, cần hoàn thiện chính sách và các văn bản pháp lý nhằm triển khai liên kết vùng tốt hơn trên cơ sở có cơ chế theo dõi, giám sát quá trình điều phối, thực thi liên kết vùng. Cần đẩy mạnh liên kết các tỉnh trong vùng để tạo thành các cụm sản phẩm mạnh để tạo thành điểm đến liên vùng, các sản phẩm chuyên đề như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển; liên kết các ngành như đường sắt, hàng không, nông nghiệp, thủy sản... để tạo ra các gói sản phẩm chung hấp dẫn.
Với định hướng đó, Saigontourist Group tiếp tục liên kết, phối hợp cùng ngành du lịch vùng Bắc Trung Bộ mở rộng nâng cấp các sản phẩm du lịch hiện có, xây dựng mới các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt, phù hợp với từng phân khúc thị trường và theo xu hướng du lịch thế giới. Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist thuộc Saigontourist Group và hệ thống chi nhánh trên toàn quốc tập trung phát triển các sản phẩm tour mới, lạ liên quan tuyến điểm miền Trung trên cơ sở khai thác đa dạng tài nguyên du lịch về văn hoá - lịch sử, di sản, thắng cảnh, con người, ẩm thực đặc trưng của từng địa phương, từ du lịch tiết kiệm, kích cầu đến du lịch cao cấp, phục vụ hướng đến tập trung du khách Việt thuần túy nghỉ dưỡng, du lịch MICE.
Về liên kết trong công tác thương hiệu - quảng bá tiếp thị, tổ chức sự kiện du lịch: Cần tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh chính sách về xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm nhằm thúc đẩy công tác quy hoạch, thị trường, các chương trình hợp tác phát triển, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch một cách thống nhất. Chính quyền mỗi địa phương và cả vùng cần bố trí kinh phí cho các hoạt động du lịch bằng ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở trong nước và ngoài nước thường xuyên, liên tục với sự tham gia gắn kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các tỉnh, cơ quan quản lý và doanh nghiệp lữ hành.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch vùng thông qua việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng; tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số như internet, mạng truyền thông xã hội, xây dựng trang Web du lịch chung của vùng trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch.
Căn cứ chiến lược, kế hoạch và ý kiến của các địa phương về công tác xây dựng, phát triển thương hiệu, Saigontourist Group sẽ liên kết phối hợp trong công tác xây dựng, phát triển thương hiệu và tham gia quảng bá, xúc tiến các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch vùng Bắc Trung Bộ mở rộng tại các sự kiện, hội chợ du lịch lớn tổ chức tại TP HCM, trong nước và quốc tế, thông qua mạng lưới các phương tiện truyền thông trong nước, quốc tế, kết nối ứng dụng công nghệ như website, fanpage, kênh youtube và hệ thống đối tác của Saigontourist Group.
Về liên kết đào tạo, sử dụng, phát triển nguồn nhân lực du lịch: Cần có chương trình đào tạo thống nhất, đồng bộ tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý các địa phương; đào tạo nghề, ngoại ngữ cho lao động trong ngành du lịch, nâng cao nhận thức và đào tạo, tập huấn cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch giữa các địa phương trong vùng nhằm đảm bảo mặt bằng chất lượng dịch vụ. Tiếp tục hoàn thiện các chương trình hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực.
Saigontourist Group phân công đơn vị thành viên là Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist triển khai các chương trình liên kết nguồn nhân lực du lịch với các tỉnh khu vực vùng Bắc Trung Bộ mở rộng. Trường có các chương trình liên kết đào tạo ngành du lịch quốc tế chất lượng cao với Australia, Canada, Aichi (Nhật Bản)...
Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist và các đơn vị thành viên của Saigontourist Group sẵn sàng hỗ trợ, phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch tại vùng Bắc Trung Bộ mở rộng, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch cho các địa phương. Các địa phương vùng Bắc Trung Bộ mở rộng cử nhân sự thực tập, nghiên cứu việc điều hành, quản lý, phục vụ tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, công ty lữ hành, khu vui chơi giải trí... của Saigontourist Group trên toàn quốc.
-
15h05
Châu Âu quan tâm đầu tư du lịch tại Việt Nam
Ông Martin Koerner, Chủ tịch Tiểu ban Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham), đại diện cho hơn 1.000 doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết, châu Âu rất quan tâm đầu tư phát triển du lịch tại Việt Nam.
Theo ông Koerner, ngành du lịch chiếm khoảng 10% GDP toàn cầu với giá trị 9.000 tỷ USD năm 2019. Quy mô này gấp 3 lần quy mô ngành nông nghiệp trên toàn cầu, trong đó, du lịch châu Âu chiếm khoảng 2%, châu Á – Thái Bình Dương chiếm tới 9%, tạo công ăn việc làm cho hơn 185 triệu người.
Covid-19 bùng phát tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, làm thiệt hại 1.000 tỷ USD tại châu Âu và tương tự ở châu Á, cũng như khiến hàng triệu lao động bị mất việc làm.
Nhờ có vaccine, nền kinh tế từng bước được mở cửa trở lại ở châu Âu, châu Á. Nhiều quốc gia cũng mở cửa đón khách du lịch. Nhiều khách sạn đã kín phòng, các hãng hàng không đã tăng chuyến, được lấp kín chỗ.
Theo khảo sát, năm 2022, du lịch Việt Nam đã tăng 124% so với năm 2019, là dấu hiệu tốt cho thấy du lịch đang đi đúng hướng mặc dù còn nhiều khó khăn.
Cuộc xung đột tại Nga – Ukraine, chính sách Zero Covid tại Trung Quốc, lạm phát đã ảnh hưởng không ít tới ngành du lịch, khiến nhiều người không muốn đi du lịch nước ngoài. Trong khi đó, Việt Nam cũng vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ với các nước trong khu vực để thu hút khách du lịch nước ngoài.
Ông Koerner cho rằng, Việt Nam hiện chưa có dòng đầu tư du lịch mạnh mẽ từ châu Âu. Theo đó, ông Koerner đưa ra 3 đề xuất để nâng tầm du lịch Việt Nam, thu hút khách du lịch cũng như đầu tư du lịch nhiều hơn. Đó là:
- Quảng bá nhiều hơn hình ảnh điểm đến
- Thích ứng và thay đổi theo hành vi du lịch của khách hàng, Kết hợp chặt chẽ với các công ty điều hành, đại lý du lịch để phát triển sản phẩm du lịch.
- Xây dựng tiêu chuẩn về thương hiệu, cơ sở hạ tầng tốt hơn, có đội ngũ hướng dẫn du lịch được đào tạo chuyên nghiệp để thu hút khách du lịch.
-
14h55
Nghệ An mong muốn tìm hướng đi mới cho du lịch vùng
Theo ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, diễn đàn "Hội tự tinh hoa – Nâng tầm điểm đến" là hoạt động ý nghĩa đối với sự phục hồi du lịch của các tỉnh Bắc Trung Bộ sau dịch.
Với các tỉnh Bắc Trung Bộ, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn đồng thời cũng là cầu nối để giao lưu văn hoá, kết nối với các địa phương do đó các liên kết vùng vô cùng quan trọng để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Sau mở cửa, ngành du lịch đã phục hồi mạnh mẽ với sản phẩm dịch vụ được nâng cao, đào tạo nhân lực cải thiện và các sản phẩm du lịch được phát triển đặc sắc hơn.
Những yếu tố đó tạo tiền đề tổ chức diễn đàn liên kết phát triển du lịch nhằm kết nối du lịch giữa vùng du lịch Bắc Trung Bộ với Hà Nội và TP HCM để phát huy tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của mỗi địa phương. Đồng thời, sự kiện tạo tiền đề cho việc hình thành, khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng góp phần kích cầu thị trường du lịch, từng bước khẳng định dấu ấn, bản sắc của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế.
Với những tiềm năng về tự nhiên, Nghệ An được ví như Việt Nam thu nhỏ khi sở hữu núi non hùng vĩ, đường bờ biển dài 82km, nhiều bãi tắm đẹp và khu dữ trữ sinh quyển quốc gia, hang động hùng vĩ đáp ứng đa dạng nhu cầu du lịch của người dân. Ngoài ra, tỉnh cũng là trung tâm văn hoá với truyền thống đấu tranh cách mạng phù hợp phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá.
Cũng theo ông Trung, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều hỗ trợ với doanh nghiệp để phát triển và mở rộng các hoạt động du lịch, từng bước để định hình du lịch Nghệ An trong hoạt động du lịch của vùng và cả nước. Thông qua diễn đàn, Nghệ An khao khát có thể tìm hướng đi mới cho du lịch vùng, mở ra cơ hội nâng cao năng lực phát triển các sản phẩm du lịch, tiền tới các mối quan hệ bền chặt, đánh dấu sự hợp tác và thúc đẩy du lịch.
-
14h45
TP HCM sẵn sàng hỗ trợ các địa phương đào tạo nhân lực du lịch
Mở đầu diễn đàn là phát biểu khai mạc của bà Phan Thị Thắng, Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP HCM. Bà Thắng cho biết, ngành du lịch TP HCM đóng góp tỷ lệ GDP cao cho kinh tế chung của thành phố.
"TP HCM luôn chủ động liên kết du lịch với các vùng từ Bắc vào Nam trong thời gian qua, thu hút hơn 10 triệu lượt khách nội địa, 500.000 lượt khách quốc tế. Do đó, liên kết này được kỳ vọng sẽ tăng doanh thu, định vị du lịch giữa các địa phương Hà Nội, TP HCM và vùng Bắc Trung Bộ mở rộng trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng liên kết sẽ tạo sức bật cho các địa phương và du lịch Việt Nam trên thương trường quốc tế", bà Phan Thị Thắng cho biết.
Đại diện Sở Du lịch TP HCM, bà Thắng đề nghị 4 mục tiêu:
- Ngay sau khi ký kết, các địa phương cần quảng bá xúc tiến du lịch nhằm gia tăng lượng khách, doanh thu du lịch.
- Các địa phương chủ động kết nối để doanh nghiệp tạo ra các chuỗi sản phẩm chất lượng.
- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch/ Sở Du lịch các tỉnh cần chủ động tham mưu cơ chế để việc liên kết nhịp nhàng, hiệu quả.
- Đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ từng địa phương. Trong đó, TP HCM cam kết phối hợp với các địa phương để đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch.
Đại diện Sở Du lịch TP HCM cũng chào đón các tỉnh thành tham gia hội chợ du lịch quốc tế của TP HCM tổ chức vào tháng 9, qua đó, nỗ lực tạo điều kiện để các tỉnh thành kết nối du lịch.