Thông tin trên được ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, đưa ra tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của tỉnh, chiều 4/1.
"Căn cứ theo kết luận của thanh tra, cái gì chi trả không đúng quy định thì phải thu hồi", ông nói.
Theo nhà chức trách, giáo viên được biệt phái về làm việc ở các phòng Giáo dục và Đào tạo là đúng quy định. Tuy nhiên, vì không còn dạy học nên họ không được hưởng các khoản phụ cấp dành cho giáo viên. Trong khi đó, các địa phương ở Nghệ An đã chi khoản này hơn 2 tỷ đồng, trong năm 2021 và 2022 cho 281 người.
Từ năm 2012, do thiếu chuyên viên làm việc tại phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các huyện, thị xã cử giáo viên về công tác tại Phòng theo diện biệt phái, mỗi đơn vị tiếp nhận 6-8 người.
Nhiều hiệu trưởng, hiệu phó, giáo viên ở các trường đã chuyển về Phòng làm chuyên viên. Thời gian đầu họ được giữ nguyên thu nhập như ở trường (gồm lương, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ nếu có). Sau 6 tháng, những người từng là lãnh đạo trường bị cắt phụ cấp chức vụ, các khoản còn lại vẫn được chi trả.
Đến năm 2018, Sở Tài chính Nghệ An cho hay quyết định của Thủ tướng về bảo lưu chế độ đối với nhà giáo được điều động làm công tác quản lý giáo dục đã hết hiệu lực từ tháng 5/2015. Do đó, việc chi trả các khoản phụ cấp cho giáo viên biệt phái không còn đúng quy định. Sở này kiến nghị UBND tỉnh hủy hoặc bãi bỏ công văn trước đây, chỉ đạo các huyện, thị xã dừng chi trả phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nghề với giáo viên biệt phái.
Tháng 8/2019, trong chỉ thị của UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ năm học nêu rõ viên chức giáo dục biệt phái được hưởng chế độ phụ cấp như công tác tại các trường học ở địa bàn trung tâm. Sở Tài chính tiếp tục kiến nghị, cho hay việc này chưa đúng, đề nghị dừng tất cả khoản phụ cấp. Tuy nhiên, một số nơi vẫn chi.
Cuối năm 2022, Thanh tra tỉnh Nghệ An phát hiện một số vi phạm về việc này. Sau rà soát, Sở Tài chính đề nghị thu hồi hơn 10 tỷ đồng đã chi cho 281 người được biệt phái vào năm 2021 và 2022 ở 19 huyện, thị xã. Trong đó, huyện Kỳ Sơn phải truy thu nhiều nhất với gần 2 tỷ đồng, Thanh Chương và Quỳ Châu, Tương Dương mỗi nơi khoảng một tỷ đồng.
Phản hồi, 15 huyện đề nghị không truy thu số tiền này vì cho rằng các giáo viên biệt phái thiệt thòi hơn so với các đồng nghiệp.
Hiện, giáo viên hưởng lương 3,8-12,2 triệu đồng/tháng, tùy cấp học và hạng bậc. Ngoài lương, họ có thể nhận được một hoặc một số khoản phụ cấp như: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (25-50%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với giáo viên công tác ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Trong khi đó, khi về phòng Giáo dục và Đào tạo, họ hưởng lương như công chức, viên chức, không có các khoản phụ cấp nói trên.
Sau quyết định thu hồi phụ cấp, tại một số huyện, giáo viên biệt phái đồng loạt xin quay về trường học, khiến phòng giáo dục không đủ nhân sự làm việc, có nơi để xảy ra chậm trễ công việc. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Anh Sơn, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp... chỉ còn 3-4 người, trong khi theo đề nghị của Sở, con số cần là 12-15 biên chế.
Nghệ An hiện có khoảng 1.500 trường học, hơn 1.170 điểm trường lẻ. Đây là một trong những địa phương có quy mô trường, lớp lớn và dàn trải, khó khăn về quản lý.