Tối 9/6, UBND tỉnh Nghệ An cùng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức đại lễ cầu siêu cho 98 thanh niên hy sinh trong sự nghiệp xây dựng quê hương Xô viết Nghệ Tĩnh ngày 3/1/1978.
Buổi lễ diễn ra ngay bên bờ cống Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, nơi xảy ra tai nạn bi thương 40 năm trước. Hàng trăm người thân của nạn nhân, người dân địa phương đã tới dự lễ.
Là nhóm trưởng một đội thi công cống Hiệp Hòa, ông Nguyễn Nhật Sơn (58 tuổi, trú xã Cát Văn, huyện Thanh Chương) nhớ lại, lúc xảy ra tai nạn khung cảnh giống như bãi chiến trường, hầu hết người đang làm việc dưới cống bị vùi lấp. Xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, thiệt hại nặng nhất khi có 37 người chết (31 nữ, 6 nam), trong đó 6 người nhận được giấy báo đậu đại học.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An Phạm Tuấn Vinh cho rằng, sự kiện cống Hiệp Hòa để lại cho Đảng bộ, nhân dân Nghệ Tĩnh và những người thân, gia quyến của người ngã xuống nỗi day dứt vô bờ bến.
“Các anh, các chị ngã xuống khi trên tay đang còn miếng khoai mì cắn dở. Lời hẹn hò ăn những bát cơm gạo trắng đầu mùa sau khi những dòng nước mát chảy về xuôi chẳng bao giờ được thực hiện”, anh Vinh nói.
Cuối năm 1977, tỉnh Nghệ Tĩnh tổ chức nạo vét, sửa chữa sông Đào thuộc đầu mối hệ thống nông giang Đô Lương và mở rộng khai thông cống Hiệp Hòa. Tỉnh đã huy động 21.000 dân công của bảy huyện đào đắp. Khi công trình gần hoàn thành thì trưa 3/1/1978 cống bị sập, làm 98 người chết, 132 người bị thương.
Những nạn nhân trong vụ sập cống còn rất trẻ, chỉ mới mười sáu, đôi mươi. Trong đó có người ra đi khi mới biết tin trúng tuyển đại học; có người nảy nở tình yêu trên công trường, hẹn nhau xong công trình sẽ về quê làm đám hỏi...
Những người may mắn sống sót lau nước mắt tiếp tục công việc. Cống Hiệp Hòa hoàn thành, cung cấp nước tưới cho những cánh đồng lúa ở Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu.
Tỉnh Nghệ An sắp tới sẽ kêu gọi các đơn vị, cá nhân, tập thể chung tay quyên góp xây dựng bia chứng tích để tưởng nhớ và ghi danh những người đã gặp nạn.