Với nghề nghiệp phiên dịch viên, Phạm Thị Thu An đã gây bất ngờ khi chọn đề tài là cuộc sống lao động nghèo vất vả của người phụ nữ làm thợ hồ để sáng tác nên truyện ngắn xúc động của mình.
Nhận xét về truyện ngắn đoạt giải nhất, nhà lý luận văn học Lê Ngọc Trà viết: "Truyện đã phản ánh đúng ước mơ bình dị, nhỏ bé của người thợ hồ và những tình cảm của họ dành cho người mình yêu... Hiện thực trong tác phẩm có vọng lại dư âm buồn, nhưng vẫn gợi một tình cảm chân thành ở lớp người nghèo khó. Họ luôn ý thức vươn lên trong đời thường bằng những ước mơ bình dị".
![]() |
Phạm Thị Thu An rơm rớm nước mắt khi kể lại nguồn cảm hứng đã khiến chị viết nên truyện "Ngày về quê mẹ". Câu chuyện được xây dựng dựa trên một phóng sự về cuộc đời của người phụ nữ lao động nghèo mà chị đọc được trên một tờ báo. |
Hai giải nhì của cuộc thi viết truyện này được thuộc về cây bút Văn Thành Lê (Bà Rịa - Vũng Tàu) với truyện ngắn Con gái tuổi Dần; và Vũ Thị Huyền Trang (Hà Nội) với truyện ngắn Ngoài bậc cửa chim về. Trị giá mỗi giải 10 triệu đồng.
Ban chung khảo cuộc thi viết này là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà lý luận văn học Lê Ngọc Trà, nhà phê bình văn học Huỳnh Như Phương, nhà văn Nguyễn Đông Thức và thành viên ban biên tập báo Phụ Nữ. Các thành viên đã bỏ phiếu kín chọn ra 11 truyện ngắn xuất sắc để trao giải nhất, nhì, ba và các giải khuyến khích.
28 truyện ngắn hay vào vòng chung khảo cuộc thi đã được in thành sách, vừa phát hành vào ngày 17/5. |
Cuộc thi truyện ngắn của báo Phụ Nữ TP HCM diễn ra từ ngày 15/3/2008 đến ngày 15/3/2009. /hơn 700 tác phẩm của các tác giả trong và ngoài nước gửi về tham dự. 28 truyện ngắn đã lọt vào vòng chung khảo, được chọn in trong tập truyện ngắn Trả duyên (NXB Trẻ) phát hành đúng ngày 17/5 - kỷ niệm sinh nhật lần thứ 34 của báo Phụ Nữ.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức, thành viên ban giám khảo, viết trong lời giới thiệu tập truyện ngắn Trả duyên: "Văn học luôn phản ánh đúng cuộc sống, phải vậy không? Nếu đúng thì lại một lần nữa lại thấy hóa ra bao giờ người phụ nữ cũng chịu thiệt thòi nhất, trong cuộc sống riêng. Trong một xã hội tưởng chừng hòa nhập hơn, con người dường như lại cô đơn hơn, lạnh lùng hơn, mệt mỏi hơn. Đọc và thương hơn cho biết bao bạn gái quanh mình, thì ra họ vẫn đang phải chịu đựng quá nhiều vất vả, truân chuyên...".
Thoại Hà