Lâm Thị Hoài Thu, 28 tuổi, gây ngạc nhiên cho mẹ đẻ khi đã có thể nói đôi ba câu tiếng Việt. "Lần đầu gặp, vì hạn chế ngôn ngữ nên mẹ con chẳng nói được với nhau, dù còn có nhiều điều tôi muốn giải thích cho con", bà Lâm Thị Vinh, 61 tuổi, ở Đăk Lăk, kể.
Đến giờ, người mẹ vẫn ngỡ như một giấc mơ, khi con gái tìm về gặp. 28 năm trước, bà là công nhân làm đường ở Thái Nguyên, đã ly hôn chồng và có một con trai 9 tuổi. Bà yêu một nam công nhân và có đứa con thứ hai nhưng nhiều biến cố xảy ra khiến hai người không thể thành đôi.
Người mẹ phải một mình nuôi hai con nhỏ thiếu thốn trăm bề. Năm 1996, khi Thu được hai tuổi, một người bạn giới thiệu với bà Vinh cặp vợ chồng người Pháp đang tìm nhận con nuôi.
"Cô ấy nói họ là giáo viên, không có con. Nếu Thu được nhận nuôi sẽ được ăn học tử tế. Muốn con có cuộc sống tốt hơn, tôi đồng ý", bà Vinh kể.
Trước khi đón Hoài Thu, cặp vợ chồng người Pháp chụp ảnh bà Vinh, ghi lại địa chỉ của bà để giữ làm kỷ niệm cho con gái nuôi. Họ đặt tên cho Hoài Thu là Auriane Allaire. Đúng như lời hứa, cô con gái nuôi người Việt Nam được sống trong tình yêu thương của cha mẹ nuôi, tốt nghiệp thạc sĩ nghệ thuật tại Rennes. Ngoài Auriane Allaire, họ xin thêm một con nuôi người Việt nữa.
Bà Vinh sau đó kết hôn với một người đàn ông ở Đắk Lắk, có thêm một người con gái và về quê chồng sinh sống. 7 năm sau, bà nhận được một lá thư của bố mẹ nuôi kèm bức ảnh Thu đang đứng cùng chị gái nuôi người Việt Nam.
"Nhớ con, tôi mang ảnh ra ngắm, nhưng không biết tiếng Pháp nên cứ để đấy thôi, cũng không biết viết thư hồi đáp", bà mẹ người dân tộc Tày kể. Đó là lần đầu cũng là lần cuối bà nhận được tin tức của con gái. Thi thoảng, bà kể với con út và con dâu về đứa con đã cho đi của mình và mở thư, ảnh cho xem.
"Mẹ ít nhắc tới, nhưng tôi biết trong thâm tâm mẹ buồn", Huế, 24 tuổi, con út của bà Vinh, kể.
Sống ở ngôi làng nhỏ Bouffry, cách Paris hai giờ lái xe, cô gái Auriane Allaire lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ trong tình yêu thương của bố mẹ nuôi. Từ nhỏ, cô luôn biết mình là người Việt Nam. "Bố mẹ nuôi cho tôi xem ảnh mẹ đẻ nên tôi vẫn biết về sự hiện diện của bà", cô kể. Cô hòa hợp và hạnh phúc với cuộc sống ở Pháp nhưng từ nhỏ đã nghĩ sẽ phải về lại Việt Nam.
"Đến năm 22 tuổi, tôi bắt đầu thắc mắc về nguồn gốc của mình. Tôi cần biết mình là ai, đến từ đâu. Đó là lý do tôi quyết định trở về nơi mình sinh ra", Auriane Allaire nói. Cô muốn khám phá văn hóa Việt Nam, muốn biết dòng máu đang chảy trong mình là của ai, dẫu thông tin về mẹ rất ít ỏi.
Khoảng tháng 9/2017, Auriane đặt vé để tháng 11 năm đó về Việt Nam thì tháng 10 nhận được một tin nhắn của cô em gái tên Huế trên Facebook.
Nghe mẹ kể về chị, Huế rất tò mò. Không biết tiếng, cô và chị dâu tìm mò mẫm bức thư và biết được tên tiếng Pháp của chị gái là Auriane Allaire. Bằng tên và hình ảnh mẹ cất giữ, Huế và chị dâu tìm ra được tài khoản Facebook của Auriane.
Đọc tin nhắn, cô gái Việt đang sống ở Pháp òa lên vì ngạc nhiên và hạnh phúc. "Tôi tin định mệnh đã cho mình gặp lại những người ruột thịt", cô nói.
Tháng 11/2017, Auriane Allaire - Hoài Thu đặt chân xuống đất Việt Nam. Cô được đưa về Bắc Kạn giới thiệu với người thân, họ hàng. Nhờ một người bạn Việt Nam, cô cũng kết nối được với bố đẻ sống ở Thái Nguyên.
Không biết tiếng Việt lại ăn chay nên khó thích nghi với cuộc sống ở vùng núi Việt Nam, nhưng Hoài Thu vẫn ở lại ba tháng. Cô thăm quê mẹ, sống cùng anh trai tại Đắk Lắk rồi lên Thái Nguyên thăm bố.
Sống qua nửa đời người, ông Trần Phong không ngờ có ngày gặp lại được con gái. "Tôi xúc động, không nghĩ con tìm về gặp mình", người cha 58 tuổi, nói. Ông đã lập gia đình ở Thái Nguyên, có hai con trai. Hoài Thu là đứa con gái duy nhất của ông.
Chị Nguyễn Thùy Giang, 36 tuổi, ở TP HCM là người hỗ trợ Hoài Thu tìm bố và thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam trong thời gian cô về nước. Chị cho biết, rất xúc động trước tình cảm và khát khao tìm về cội nguồn của Hoài Thu. "Bố mẹ đẻ nghèo, sống ở vùng cao mà Thu thì lại ăn chay nên rất khó hòa nhập. Dẫu vậy, em ấy vẫn đau đáu tìm về, được gần gũi gia đình, được ở bên người thân", chị Giang nói.
Ba năm qua, ngoài tập trung cho công việc trong lĩnh vực nghệ thuật, Hoài Thu học thêm tiếng Việt để hiểu rõ hơn về gia đình mình, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam, tập ăn các món ăn quê nhà. Từ những trải nghiệm đời mình, Auriane Allaire - Hoài Thu viết cuốn sách Racine (nguồn cội) bằng tiếng Pháp. Cô muốn chia sẻ trải nghiệm của một người con nuôi khi tìm được ruột thịt đến mọi người.
"Trong tôi đan xen cảm xúc. Có hạnh phúc khi tìm được người thân, nhưng vì ngôn ngữ bất đồng nên có những hiểu lầm khiến tôi đôi khi thấy tổn thương", cô nói.
Xuân năm nay, nhà bà Vinh đón con gái từ Pháp về ăn Tết. Hoài Thu một mình đến Đắk Lắk, có thể nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt chưa sõi. Người mẹ có cơ hội giải thích với con gái về lý do mình cho con đi, hỏi con có oán giận mẹ không. "Con lắc đầu, bảo không đâu", bà Vinh nói.
Cô đang có những ngày cuối tuần bên bố đẻ ở Thái Nguyên. Ông Phong cho biết, rất bất ngờ khi con gái cầm đũa ăn cơm, ăn được các món bò, gà cùng cả gia đình, thay vì tự làm bánh mỳ chay rồi ăn một mình như lần đầu về nước.
Trước đó, người cha bị ngã gãy chân nên khi nghe tin con gái về thăm, ông từ chối không gặp, sợ con lo lắng. Nhưng Hoài Thu thuyết phục ông, nhờ chị Giang nói chuyện thêm.
Biết bố không thể đi đâu vì chân đau, cô nhắn: "Con sẽ ở nhà với bố thôi!".
Phạm Nga