Balia Khoo về Malaysia từ tháng 1/2020 vào dịp Tết Nguyên đán. Kỳ nghỉ của Khoo dự kiến chỉ một tháng nhưng đã kéo dài gần hai năm vì Covid-19 bùng phát.
Cô sinh viên y khoa sẽ bắt đầu kỳ thực tập lâm sàng dài 8 tháng của mình từ tháng 5/2022. Nếu không thể quay lại, Khoo chỉ có thể "tương tác" với bệnh nhân thông qua Internet. Điều đó đồng nghĩa với việc cô không đủ điều kiện nhận bằng vì thiếu thời gian lâm sàng.
Trung Quốc đã đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 vì Covid-19. Trong khi đại dịch đã được đánh giá nằm trong tầm kiểm soát, quốc gia đông dân nhất thế giới vẫn kiên định với chiến lược "zero-covid". Điều này khiến hàng trăm nghìn sinh viên quốc tế không thể quay lại học trực tiếp.
Nhiều người bày tỏ sự tuyệt vọng, bởi "zero Covid" khiến việc trở lại Trung Quốc được cho là "rất xa vời".
Ngày 24/11, Deng Xijun, Đại sứ Trung Quốc tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, cho biết Bắc Kinh sẽ ưu tiên sinh viên từ 10 quốc gia thành viên ASEAN trở lại Trung Quốc theo từng giai đoạn để tiếp tục việc học.
Đại sứ Deng không đề cập chi tiết về thời gian và cách thức đưa sinh viên ASEAN trở lại, chỉ nói rằng việc này phải được thực hiện "theo quy định và an toàn", đồng thời phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, Khoo không muốn hy vọng nữa. Cô cho biết mỗi khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo, nói rằng sẽ sắp xếp để đón du học sinh, cô đều vui mừng và hy vọng. "Chúng tôi nghĩ kế hoạch sẽ được triển khai trong hai tháng, nhưng giờ đã hai năm rồi", Khoo nói.
Trung Quốc hiện đứng thứ ba thế giới về số lượng sinh viên quốc tế, sau Mỹ và Anh. Năm 2010, Bộ Giáo dục khởi động sáng kiến Du học Trung Quốc với mục tiêu có 500.000 sinh viên quốc tế vào năm 2020. Tính riêng Đông Nam Á, vào năm 2018, khu vực này có hơn 80.000 du học sinh tại Trung Quốc.
Còn đối với Khoo, thời gian vẫn tiếp tục trôi. Cô mong mình sẽ được trở lại vào tháng 2/2022, trước thời gian đi lâm sàng. "Nhưng những sinh viên quốc tế như tôi không còn dám hy vọng nhiều nữa. Đã bốn học kỳ rồi", Khoo nói.
Thanh Hằng (Theo SCMP)