Đến hẹn lại lên, nhưng Ngày thơ Việt Nam lần nào cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều đổi mới, dù tâm điểm của nó vẫn chỉ là một nhân vật muôn năm cũ - thơ. Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: "Không dễ gì để tạo ra được một hình thức hoàn toàn đột phá trong khâu tổ chức. Nhưng dựa trên những nội dung đã có, chúng tôi cố gắng tạo ra một cuộc hội ngộ của những người yêu thơ trong không khí những ngày xuân".
Trên sân Thái Miếu, những chương trình không thể thiếu vẫn là: Thả thơ, giao lưu giữa nhà thơ và độc giả, biểu diễn thư pháp, đọc và bình thơ trào phúng... Người đến xem thơ sẽ có cơ hội được thưởng thức những giọng ca không còn "tròn vành rõ tiếng" của các cụ ca sĩ "tóc muối tiêu" qua phần hát thơ phổ nhạc. Xưa nay, nhiều thi phẩm đã thăng hoa nhờ đôi cánh của giai điệu và tiết tấu. Trong ngày hội này, các ca khúc phổ thơ sẽ được cất lên. Nhưng để khai thác tốt những tài năng "cây nhà lá vườn", phần lớn nhà thơ sẽ tự biểu diễn bài hát được phổ nhạc của mình.
Ngày thơ Việt Nam năm 2007. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ngày thơ VN lần 6 chủ trương mời gọi độc giả tham gia nhiệt tình vào 3 phần thi tài: Bình chọn bài thơ được yêu thích nhất, thi câu đối, họa thơ. Năm ngoái, phần thi câu đối đã tạo ra một không khí thực sự hào hứng cho những người yêu thơ khi "đánh vật" với câu chữ Ban tổ chức đưa ra.
Trình diễn thơ không phải là một hình thức mới, nó đã xuất hiện trên sân thơ trẻ 2007. Nhưng năm nay, Ngày thơ VN dành hẳn một sân khấu chỉ để diễn thơ. Ông Vũ Quần Phương nói vui, rằng đó là nơi trộn lẫn mọi loại hình nghệ thuật "từ hát ả đào, ngâm vịnh, múa, nhảy tưng bừng hip hop đến hú hét rock... nhưng đều liên quan đến thơ". Để tạo sự bất ngờ cho độc giả, các chương trình biểu diễn đang được giữ kín, nhưng có thể, Vi Thùy Linh sẽ diễn thơ với một nghệ sĩ kịch câm; Nguyễn Vĩnh Tiến hát chèo thơ với... Xuân Hinh.
Cho chữ đầu xuân - một nét đẹp trong ngày hội thơ. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bỏ sân già để sang chơi với đám trẻ, những bậc thi nhân thành danh trên văn đàn như Dương Tường, Hoàng Hưng vẫn bị mê hoặc bởi sự sôi động trên sân Thái học. Nhà thơ Hoàng Hưng tâm sự: "Tôi đã xem trình diễn thơ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Loại hình này khá mới ở Việt Nam, nên nhiều người cho rằng, trình diễn là cứ phải mang lên sân khấu cái gì đó hơi quái dị, lạ lùng. Thực ra, ở đây, nhà thơ chỉ như là một nghệ sĩ sân khấu, trình bày tác phẩm bằng cách ngâm, đọc, hoặc kết hợp âm nhạc nhằm giúp độc giả thu nhận được ở bài thơ những cảm xúc vượt ra cả ngoài câu chữ". Ông dự kiến mang đến cho độc giả những tác phẩm đã đi vào lòng người của mình.
Với tổng kinh phí trên dưới 40 triệu đồng (trong đó 25 triệu đồng dành cho sân trẻ), các nhà tổ chức phải rất căn cơ để tạo ra một ngày hội tươm tất cho những người yêu thơ. Năm nay, Ngày thơ diễn ra vào đợt rét đậm. Vì tổ chức ngoài trời, nên để che chắn cho người yêu thơ, sân Văn Miếu dự kiến sẽ được căng thêm bạt, làm mái - công việc sẽ ngốn thêm một khoản không nhỏ vào ngân sách vốn không mấy dư dật. Tất nhiên, Ngày thơ cũng nhận được không ít sự quan tâm của các nhà tài trợ. Nhà hát Tuổi Trẻ sẽ hỗ trợ thiết bị và mang cả kỹ thuật viên đến săn sóc phần âm thanh cho ngày hội. Còn công ty truyền thông của nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn, như thường lệ, vẫn "bao" toàn bộ phần background sân khấu.
Ngày thơ lần 6 sẽ khai mạc vào lúc 8h30 và kéo dài đến hết buổi chiều. Sáng 18/2, tại trụ sở 19 Hàng Buồm, Hội Nhà văn Hà Nội sẽ tổ chức sớm Ngày thơ VN với một hội thảo mang chủ đề "Thơ Việt Nam cách tân và đổi mới".
Hà Linh