Đây là câu thơ trích từ trường ca nổi tiếng Những người đi tới biển của nhà thơ Thanh Thảo (quê Quảng Ngãi), được sáng tác cách nay 34 năm.
“Với mỗi người dân Quảng Ngãi, biển là quê hương, là máu thịt, là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Chúng ta không thể nào quên: Nơi trộn lẫn mặt trời muối mặn đời ta / Tổ Quốc kiên trì nhoài ra phía biển / Ôm những quần đảo trong vòng tay thương mến / Mắt dõi nhìn hút cánh hải âu bay", Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi Lê Văn Sơn phát biểu khai mạc Ngày thơ Việt Nam hôm 28/2.
Tái hiện đội hùng binh Hoàng Sa lên đường thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc tại Ngày thơ Việt Nam ở Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Biển và đảo là một phần máu thịt của đất nước, nơi lưu giữ dấu chân của cha ông "từ thuở mang gươm đi mở cõi". Đó không chỉ là nơi đi về của hàng vạn ngư dân sớm khuya, không chỉ là bến đỗ trong cuộc mưu sinh, mà còn là biểu tượng của tình yêu quê hương nồng nàn.
Mở đầu ngày thơ hôm 28/2, nghệ sĩ Kiều Oanh diễn ngâm bài Quê hương của Tế Hanh - nhà thơ đất Quảng. Bài thơ là những lời tâm tình dạt dào gắn với tình yêu biển sâu đằm: “Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ / Màu nước xanh, cá bạc, cánh buồm vôi”.
Nét đặc biệt của Ngày thơ Việt Nam tại Quảng Ngãi năm nay là có 7 bài thơ sáng tác với chủ đề biển - đảo được phổ nhạc, tạo thành một hợp xướng hào hùng.
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng, quê huyện Nghĩa Hành, mặc dù bị liệt nằm một chỗ nhưng vẫn cố gắng nhờ người thân đưa đi dự đêm thơ Nguyên Tiêu tại thành phố Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
“Biển ơi, đảo ơi! Mảnh đất thiêng liêng nghìn năm còn đó / Máu xương cha ông bao năm đã đổ / Một tấc không đi, một ly thề giữ / Đất nước vẹn tròn Tổ quốc Việt Nam”. Đó là những lời ca trong ca khúc Biển đảo nghìn trùng Tổ quốc của ta do nhạc sĩ Điền Sơn mới sáng tác cho ngày thơ Nguyên tiêu tại Quảng Ngãi. Những lời thơ trong bài Cát trắng của Nguyễn Khoa Điềm, đoạn trích Trường Sa trong Trường ca biển của nhà thơ Hữu Thỉnh, Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn của nhà thơ Trần Đăng Khoa... cũng đã ngân lên trong Ngày thơ Việt Nam tại quê hương hải đội Hoàng Sa.
Từ hàng trăm năm trước, những ngư dân trai tráng của đảo Lý Sơn đã có mặt tại quần đảo Hoàng Sa để tìm kiếm hải vật, sản vật và tuần phòng trên vùng lãnh hải phía Đông của tổ quốc. Những cuộc ra đi đầy bi tráng ngày ấy như vẫn còn ấm nóng mãi đến ngày hôm nay. Tất cả âm hưởng bi hùng của đội hùng binh Hoàng Sa đã được thể hiện trong bài thơ Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của nhà thơ Lý Văn Hiền; và trong ca khúc Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa do nghệ sĩ Châu Bình sáng tác.
Các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ ở Trạm Rađa tầm xa trên đỉnh núi Thới Lới, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Trí Tín |
Ngư dân Nguyễn Xí, quê ở Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ, người đã gần 30 năm giong buồm gắn đời mình với biển, cũng đã góp cho Ngày thơ Việt Nam năm nay bài Con cò nhỏ. Nhà thơ nghiệp dư này ví thân phận mình như con cò ngày đêm cần mẫn lao động giữa nghìn trùng sóng nước biển khơi.
Là một người sinh ra và lớn lên trên huyện đảo Lý Sơn, một người dân - anh Thiện Nghĩa - đã gửi tình yêu biển đảo của mình qua nhiều nhạc phẩm do chính mình sáng tác. Ca khúc An Bình nối nhịp cầu vui giới thiệu hòn đảo Bé quê anh ở Lý Sơn đã níu lòng người khát vọng vươn tới, càng thêm yêu hơn biển đảo quê nhà.
Trí Tín