Thất Sơn -
Năm 2012, Ngày thơ Việt Nam vừa tròn 10 năm tổ chức. Tại Hà Nội, sự kiện này được tổ chức sớm hơn một ngày, vào 14 tháng Giêng Nhâm Thìn, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Trước đó, nhân ngày Thơ Việt Nam, Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên được Việt Nam tổ chức tại Quảng Ninh và Hà Nội từ ngày 1 đến 3/2 với sự tham gia của nhiều nhà thơ đại diện cho 24 nước và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới.
Tại Ngày thơ Việt Nam 2010, J. Fossenbell và dịch giả - nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai trình bày song ngữ Anh - Việt bài thơ Những ghi chép dưới mái hiên Hà Nội. |
Ngày thơ năm nay diễn ra ngay sau khi Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương kết thúc. Vì vậy, các đại biểu trong và ngoài nước tập trung về Văn Miếu và cùng chung vui tại các sân thơ.
Từ tối 4/2, các đại biểu quốc tế và Việt Nam về lại Hà Nội tham dự đêm "Dạ hội thơ" tại Văn Miếu. Sáng 5/2, khoảng 60 nhà thơ quốc tế và 40 nhà thơ Việt Nam đến từ 10 tỉnh thành đại diện cho các vùng miền trong cả nước và hàng nghìn khán giả có mặt tại Văn Miếu để tham gia các hoạt động như: Triển lãm 80 năm thơ mới, khai mạc sân thơ trăm miền…
Thay đổi lớn nhất trong Ngày thơ năm 2012 là chỉ còn 2 sân thơ: sân thơ Truyền thống và sân thơ Quốc tế, thay vì 3 sân thơ (thơ thiếu nhi, thơ truyền thống và thơ trẻ) như mọi năm.
Chương trình có một số tiết mục văn hóa, văn nghệ đặc sắc trong lễ khai mạc như: Những người chơi cồng chiêng đến từ dân tộc Mường mở đầu buổi lễ với giai điệu "Đẻ đất - đẻ nước". Sau đó dàn hợp xướng 100 em thiếu nhi hát bài "Trái đất này là của chúng mình" (tác phẩm phổ thơ Định Hải của nhạc sĩ Trương Quang Lục).
Lần đầu tiên có sự xuất hiện của Sân thơ quốc tế, ngày thơ Việt Nam lần thứ mười hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo người yêu thơ trong và ngoài nước.
Dự kiến, tham luận và các tác phẩm tiêu biểu của các nhà thơ nước ngoài tại Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương được chuyển ngữ tiếng Việt và phát rộng rãi dưới dạng tờ rơi cho người tham dự ngày thơ.
Ngoài ra, dịp này, tại Văn Miếu diễn ra lễ trao giải thưởng văn học 2010-2011 của Hội Nhà văn Việt Nam cho những gương mặt có nhiều đóng góp với nền văn học nước nhà.
Tại TP HCM, Ngày Thơ Việt Nam có chủ đề "Thành phố 10 mùa Thơ", với chương trình hoạt động do Hội Nhà văn TP HCM phối hợp báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện.
Ngày thơ ở TP HCM tiếp tục giữ sân thơ trẻ. |
Từ 9h ngày 5/2, tại khuôn viên Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh), 11 câu lạc bộ thơ quận huyện, 2 đơn vị thơ của Nhà văn hóa Thanh Niên Cung Văn hóa Lao động, cùng CLB thơ của đại học KHXH&NV cùng giới thiệu thơ qua các lều thơ được trang trí theo phong cách riêng của từng đơn vị.
Từ 19h30 đến 22h, chương trình chính của Ngày Thơ Việt Nam bắt đầu với tiếng trống khai hội và bài diễn văn của lãnh đạo thành phố. Các nhà thơ sẽ lần lượt đọc, ngâm thơ (khoảng 17 tiết mục).