Khí thế nhất có lẽ là Vườn thơ trẻ với hàng chục tấm poster thật lớn được giăng cao. Mỗi poster giới thiệu một gương mặt tiêu biểu của giọng thơ trẻ TP HCM. Đó là những: Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Ngô Thị Hạnh, Lê Thiếu Nhơn, Tú Trinh - Thục Linh ... Từ 9h sáng, khách đến với chiếu thơ trong Vườn thơ này được tự tay các nhà thơ trẻ rót tặng tách trà nóng ấm có kèm tặng mấy dòng thơ.
Bên cạnh các hoạt động ca, ngâm thơ Việt cổ - trung đại trong Vườn thơ di sản, một Game show thơ mang tên Từ trong di sản thu hút hàng trăm bạn trẻ cùng sinh viên các ĐH ở TP HCM nhiệt tình tham gia, dù rằng trò đố thơ này diễn ra vào đúng buổi trưa với cái nắng nóng chói chang.
Dạo quanh các vườn thơ dễ bắt gặp những hình ảnh cảm động: Dịch giả tiếng Pháp Hoàng Hữu Đản dù đã là bậc cao niên vẫn hòa mình vào dòng người đến với hội thơ từ sáng đến chiều. Ông kiên nhẫn ngồi đợi đến lượt mình để đọc lên những vần thơ hay nhất của Corneille mà ông dày công dịch ra tiếng Việt. Dịch giả Phan Nhật Chiêu có mặt từ sáng sớm đến chiều, để vừa được ngắm nhìn "không khí ngày hội thơ" vừa giới thiệu đến độc giả nền thơ ca Anh - Mỹ vốn chưa được giới thiệu rộng rãi tại Việt Nam.
Dịp này, giới dịch thơ của Sài Gòn đã kịp hoàn tất bản thảo cuốn thơ dịch dày dặn, tuyển chọn từ nền thơ ca Đông - Tây. Bản thảo cuốn thơ được trao trang trọng cho ông Lê Văn Thảo, chủ tịch hội nhà văn TP HCM, chờ ngày phát hành rộng rãi.
Điểm nhấn của ngày thơ còn ở hai cuộc đấu giá thú vị do các nhà thơ ở Vườn thơ đương đại "khuấy động" lên: Bài thơ Cõi đời của nhà thơ Lê Thị Kim được mua với giá 4.500.000 đồng. Bài thơ Không đề của bà Nguyễn Thế Thanh, phó giám đốc Sở văn hóa thông tin TP HCM được bà Rose Nguyễn, một Việt kiều Pháp mua với giá 2.000.000 đồng. Nhân vật này còn ủng hộ thêm 3.000.000 đồng đóng góp vào số tiền thu được từ hai cuộc "đấu giá mini" để gửi đến trẻ em nghèo hiếu học của huyện Cần Giờ.
Sau hai cuộc đấu giá này, có người nói đùa, nhà thơ Lê Minh Quốc và Trương Nam Hương thật "mát tay" trong việc đấu giá thơ làm từ thiện. Vì đến giờ, giới thi sĩ Sài Gòn còn lâng lâng với niềm vui tập thơ Sài Gòn - Thủ bút tự chọn được bán với giá kỷ lục, gần ba trăm triệu đồng. Lê Minh Quốc, người khởi xướng "phong trào" đấu giá này chỉ cười tủm tỉm "Thơ mà mang lại tiền từ thiện đóng góp cho xã hội là một tín hiệu vui đấy chứ!".
"Đã rõ nên hình dáng của một ngày hội" đó là điều những người thực hiện và người làm thơ phấn khởi trong lần tổ chức thứ 5 của Ngày thơ tại TP HCM. Thế nhưng, vẫn còn đâu đó tiếc nuối: Dù mỗi Vườn thơ đều được dành diễn đàn để tranh luận, giao lưu với độc giả nhưng cũng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa". Những nhọc nhằn của thơ Việt hôm nay còn nhiều, mà Ngày thơ thì chỉ có một.
![]() |
Nhà thơ Trương Nam Hương và bà Nguyễn Thế Thanh, Phó giám đốc sở văn hóa thông tin TP HCM kéo ngọn cờ thơ khai mạc ngày hội. |
![]() |
Nhà thơ trẻ Ngô Thị Hạnh tranh thủ ký tên tặng bạn đọc. |
![]() |
Lần đầu tiên, các dịch giả, nhà nghiên cứu thơ có dịp gặp gỡ trao đổi với nhau tại hội thơ. Từ trái qua: Đoàn Lê Giang, Phan Nhật Chiêu, Cao Tự Thanh, Đinh Trần Toán. |
![]() |
Các nhà thơ trẻ cũng họp mặt rôm rả. |
![]() |
Bà Rose Nguyễn (một Việt kiều Pháp) mua đấu giá bài thơ Không đề của bà Nguyễn Thế Thanh. |