Một bức ảnh vệ tinh được chụp hôm 14/3/2011, tức là 3 ngày sau thảm họa, ghi lại hình ảnh một cột khói bốc lên từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Chính phủ Nhật Bản và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) sau đó dốc sức khắc phục sự cố hạt nhân Fukushima, nhưng quá trình này được cho là sẽ còn diễn ra trong nhiều năm nữa. Ảnh: Digital Globe |
Theo bản tóm tắt nội dung một cuộc họp chính phủ được tổ chức khoảng 4 giờ sau khi động đất xảy ra và kéo theo sóng thần ập vào nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, một thành viên chưa rõ tên trong nội các Nhật đã cảnh báo nguy cơ lõi lò phản ứng hạt nhân tan chảy, dẫn tới sự rò rỉ phóng xạ.
"Nếu nhiệt độ của các lõi lò phản ứng tăng lên sau 8 giờ, có khả năng hiện tượng tan chảy sẽ xảy ra", AFP dẫn lời quan chức kể trên nói.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, cách thủ đô Tokyo khoảng 220 km về phía đông bắc, bắt đầu thoát phóng xạ ra bên ngoài sau khi hệ thống làm mát của nhà máy này bị sóng thần làm hỏng hoàn toàn. Chính phủ Nhật và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị điều hành nhà máy, đảm bảo rằng không có sự tan chảy ở Fukushima I, bất chấp những cảnh báo liên tiếp từ các chuyên gia độc lập.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2011, chính phủ Nhật và TEPCO phải thừa nhận rằng 3 trong số 6 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima I có hiện tượng tan chảy thanh nhiên liệu.
Hàng chục nghìn người đã rơi vào cảnh không nhà cửa vì thảm họa hạt nhân Fukushima. Nhiều vùng đất bên trong khu vực bán kính 20 km từ nhà máy Fukushima I được cho là sẽ không thể sinh sống được trong nhiều thập kỷ nữa vì mức độ phóng xạ quá cao tại đây.
Các cuộc biểu tình chống hạt nhân dự kiến sẽ diễn ra ở thủ đô Tokyo và Fukushima, cũng như nhiều khu vực khác của nước Nhật, trong khi những buổi lễ thắp nến sẽ được tổ chức để tưởng nhớ tới các nạn nhân của thảm họa kép.
Setsuko Kuroda, người đang tổ chức một cuộc biểu tình chống hạt nhân hai ngày tại Koriyama, gần Fukushima, cho hay khoảng 20.000 người sẽ tham gia biểu tình trong hôm nay.
Vùng đông bắc Nhật Bản rung chuyển hôm 11/3/2011 bởi cơn địa chấn 9 độ Richter ngoài khơi nước này. Đây là một trong những trận động đất mạnh nhất trên thế giới trong thời hiện đại. Nó kéo theo một trận sóng thần kinh hoàng, khiến 19.000 người thiệt mạng và mất tích. Thảm họa kép này còn dẫn tới các vụ nổ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima và đẩy nước Nhật vào khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ vụ Chernobyl vào năm 1986.
Hà Giang