Ngày 25/7, dự thảo Luật Thư viện được lấy ý kiến tại hội nghị tham vấn chuyên gia tổ chức ở TP HCM.
Liên quan đến quy định "ngày 21 tháng 4 hằng năm là ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam", bà Hoàng Thị Hoa (Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng, điều này nhằm tạo một xã hội có thói quen, văn hoá đọc sách. "5 năm trước, ngày 21/4 được Chính phủ quy định là ngày Sách Việt Nam. Việc đưa vào luật lần này để chắc chắn thời gian dài tới, ngày này phải được duy trì", bà Hoa nói.
Theo bà Hoa, nhiều đại biểu Quốc hội đồng thuận việc cần thiết phải ban hành Luật Thư viện, sau sự ra đời của Pháp lệnh Thư viện (năm 2000). Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến trái chiều như: chính sách của Nhà nước với sự phát triển chung của hệ thống thư viện, mạng lưới và mô hình của thư viện; hoạt động của thư viện phải thay đổi như thế nào trong thời đại công nghệ thông tin phát triển; đầu tư cho một số thư viện trọng điểm có hiệu quả; quan điểm xuyên suốt là các thư viện phải cùng nhau chia sẻ nguồn tài nguyên.
Đồng tình với quy định về ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam, song bà Văn Thị Bạch Tuyết (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) nói, cần xem lại quy định tổ chức thư viện cấp huyện.
Theo dự thảo luật này, các loại thư viện gồm: thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, thư viện cơ sở giáo dục, thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện của tổ chức nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.
Trong đó, thư viện công cộng có các cấp tỉnh, huyện và xã (trong trường hợp được phép). Nhưng theo bà Tuyết, các thư viện cấp huyện hiện gặp nhiều khó khăn, hoạt động không hiệu quả bởi thiếu kinh phí, nhân lực và nguồn sách mới. "Với sự phát triển công nghệ thông tin, Internet thì không gian sử dụng tài liệu, sách đã khác. Không thể sắp xếp thư viện theo cấp hành chính nữa, sẽ rất lãng phí", bà Tuyết nói và cho rằng tuỳ điều kiện địa phương có thể tổ chức hoặc không tổ chức thư viện cấp huyện.
Vấn đề mô hình hoạt động của thư viện là doanh nghiệp hay đơn vị sự nghiệp, điều kiện thành lập thư viện cũng được các đại biểu đặt ra. Trong tất cả các loại hình thư viện cần cho phép tồn tại song song hai mô hình công lập và tư nhân.
Bà Âu Thị Cẩm Linh (Đại học Mở TP HCM) đề xuất tách loại hình thư viện cơ sở giáo dục thành thư viện trường học và thư viện đại học. Bởi thư viện ở các cơ sở giáo dục này có quy mô, mục đích khác nhau.
"Một trong những khó khăn nhất của hệ thống thư viện hiện nay là nghiệp vụ chưa thống nhất, dẫn đến việc khó liên thông với nhau. Để giải quyết vấn đề này, nên giao Thư viện Quốc gia là đầu mối về nghiệp vụ, hướng dẫn các thư viện cấp dưới", bà Linh nói thêm.
Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 28/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2001. Sau 18 năm thực hiện, pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.
Dự án Luật Thư viện do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì soạn thảo; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thẩm tra. Dự thảo được thảo luận tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 8 tới.