Ngày 13/1/2012 (20 Tết)
Sài Gòn đầy nắng. Nhóc nghe mấy người ở đây bảo là là tết Sài Gòn nắng nóng chứ không rét buốt như ở miền Trung đâu. Năm đầu tiên xa nhà, từ Nghệ An vào Sài Gòn học, nhóc mang trong mình biết bao ước mơ, biết bao kế hoạch. Tết này nhóc ở lại. Ai cũng hỏi nhóc không nhớ quê à? Sao mới năm đầu xa nhà mà, về đi, ở đây Tết không có gì vui đâu? Nhoẻn cười. Nhóc bảo là muốn xem tết miền Nam có khác gì Tết miền Trung quê nhóc không. Họ bảo nhóc ngốc. Lại cười. Cười luôn là điều mà mọi người thấy trên khuôn mặt nhóc trong mọi thời điểm. Nhưng hôm nay nhóc cười hay đang che giấu đi một kế hoạch mà nhóc vạch ra từ lúc quyết tâm vào đây học. Nhóc sẽ làm thêm những ngày Tết, sẽ kiếm tiền để đóng học phí năm sau. Nhóc không nghĩ mình sẽ khóc vì nhớ nhà, sẽ tủi thân khi thấy mọi người đoàn tụ cùng gia đình chào đón năm mới còn nhóc sẽ chỉ một mình kiếm tiền ở nơi này. Không đâu, nhóc không nghĩ vậy.
![1604432-606338316146166-7386436594191225](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/10/1604432-606338316146166-738643-2936-2672-1423537164.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xdebUPiUCOcSESEf_5E5lA)
Hôm nay nhỏ bạn thân lên xe về quê, nó nhắn tin: “He he, tạm biệt Sài Gòn”. Nhóc cười, nhưng rồi lại chợt im lặng. Một nỗi buồn thoảng qua len lỏi vào trong tâm trí. Sao vậy, nhóc buồn à, nhóc ghen tị vì mình không được về quê à? Ừ, có lẽ vậy. Dù sao cũng đâu che giấu được một sự thật là nhóc nhớ mọi người, nhớ nàng chó nhỏ hóp bụng vì thiếu ăn, nhớ chú bò dựng đứng lông vì giá rét… nhớ tất cả mọi cảnh vật ở quê lắm. Dù sao nhóc cũng chỉ là một con bé vừa tròn 18 tuổi cách đây năm tháng mười tám ngày. Dù sao đây cũng là lần đầu tiên nhóc xa nhà lâu đến vậy. Một mình nhóc ở lầu bốn của dãy phòng trọ, tất cả các lầu mọi người đã dần về hết. Ừ, vắng vẻ. Nhóc dần tưởng tượng ra cảm giác một mình nhóc ở đây, một nơi cao ráo, chỉ một mình nhóc trong những ngày sắp tới. Rồi nhóc sẽ ăn tết một mình, sẽ đón giao thừa một mình… Tất cả, tất cả… giờ chỉ là một mình nhóc!
Ngày 2/2/2013 (22 Tết)
Sài Gòn nắng, buổi chiều thỉnh thoảng lại có mưa. Cái nắng không gắt, chỉ ran ran, khó chịu làm người ta lại nhớ, lại thèm cảm giác lạnh giá quê nhà. Nghệ An ơi, giờ này chắc là rét lắm. Có lẽ mọi người đang cuộn mình trong chiếc chăn với tấm đệm, áo len, tất chân… Thèm lắm cảm giác lạnh tới thấu xương, được rúc mình vào chăn rồi ôm hai đứa em mà rên trời rét. Thèm cảm giác ra rửa bát mà đứa này nạnh đứa kia không chịu rửa, làm ầm cả góc giếng, tới lúc mẹ bực bội “có rửa cái đọi cũng nạnh nhau chí chóe, không rửa để đó tau rửa cho, bựa sau đùm lá chuối ăn đỡ phải rửa...”. Thế là một trong ba nàng xung phong rửa ngay… hi hi.
Thèm những ngày cận Tết, mỗi lúc đi học, đi cấy về là chạy thật nhanh bên bếp lửa để hơ cái tay cho bớt lạnh, quay quần bên nhau nói chuyện trên trời dưới đất - ăn cơm tương bàn chuyện trung ương là vậy. Và thèm được mặc áo len, đi tất ấm, đạp xe bốn cây số đi học để rồi tới lớp tay chân lạnh ngắt không cầm nổi bút, môi thâm đi vì rét, còn mi mắt và tóc thì ướt đi bởi sương giá. Tất cả lúc này lại hiện rõ mồn một, hóa ra mùa đông lạnh giá mà biết bao năm ở quê mong đừng tới, mong lạnh bớt đi thì hơn lúc nào hết, giờ đây để lại biết bao nỗi nhớ. Quả thật, giờ đây mới thấy rằng mùa đông thật sự cũng rất ấm áp, không lẫn lộn với những mùa khác, cái mùa giúp cho gia đình, mọi người quây quần ngồi lại bên nhau nói chuyện…
Ngày 30/1/2014 (30 Tết)
Đêm Sài Gòn, xe cộ qua lại, vẫn còn nhiều người dừng lại bên lề mua hoa để kịp chưng gần hai tiếng nữa là giao thừa. Nó một mình đạp xe về phòng sau ngày làm việc cuối năm. Vội tắm rửa, tự thưởng cho mình gói mứt - một trong những phần quà mà thành đoàn thành phố tặng cho những đứa con ăn Tết xa quê như nó. Một mình với dãy phòng trọ rộng lớn, nó tự cho phép mình lang thang, tự phong mình là công chúa nhỏ một mình nơi cung điện. Nó muốn tìm một tấm ảnh về cha, về mẹ để níu kéo, để xoa dịu một cái gì đó nhưng chợt nhận ra gần ba năm trước cái lúc nó ra đi thì ở nhà chiếc điện thoại để nghe gọi cũng phải qua nhà hàng xóm mượn chứ đừng nói là chụp hình.
23h30. Nó gọi điện bô bô chúc Tết tất cả người thân, gia đình, chú, bác, cậu mợ… Còn 11 phút nữa, nó cố lục lọi trí nhớ xem nó có quên ai không, một việc thường lệ mà giao thừa hai năm trước nó đều làm - con bé Sài Gòn chúc Tết phương xa. Vậy là năm Giáp Ngọ tới thật rồi. Ừ, giờ lại là cảm giác gì đó trào dâng khó tả, phải chăng là hạnh phúc hòa chung không khí với mọi nhà hứa hẹn năm mới đầy thành công, hạnh phúc. Happy New Year 2014!
![10150556-652242654890475-1218794917-n-14](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/10/10150556-652242654890475-12187-2538-4576-1423537165.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=yYHVRRO7caky1tqhUotZrw)
Ngày 8/2/015 (20 Tết)
Thì Tết mà. Ai lại không mong được về quê ăn Tết chứ...
20 Tết. Nó cùng mẹ đi cấy lúa giữa tiết trời 10 độ C, tay chân lạnh cóng và tê buốt khi từng thớ thịt chạm vào ruộng nước như đứng trong một tủ lạnh khổng lồ. Những lúc này thì nó chỉ mong nhét xong đống mạ này xuống thật nhanh rồi chạy về ngồi bên bếp củi, một phần cũng bởi nó hơi rợn những chú đỉa ngày đông rét buốt vẫn tích cực bám riết vào chân người lội ruộng.
27 Tết. Mấy sào lúa cấy xong, mẹ lại đi mua đồ chuẩn bị Tết. Chỉ đơn giản là mấy gói kẹo, ký hạt hướng dương, nải chuối, trái bưởi… nhưng với nó, mấy đứa em hay bất kỳ đứa trẻ nhỏ nào ở vùng quê này đều mong ngóng để được ăn thỏa thuê mà ngày thường không có tiền mà nghĩ tới.
28 Tết. Nó hăm hở cùng em đi chặt lá chuối gói bánh chưng, bánh tét. Chỉ là công đoạn chuẩn bị lá gói bánh nhưng cũng rất tỉ mỉ, mấy chị em nó nhóm đống lửa lớn, hơ những tàu lá cho mềm nhưng không được để cháy, rồi rọc tàu và lá ra riêng biệt, rửa tất cả sạch sẽ rồi lại phải lau khô chúng. Góc giếng đó lại rộn rạng tiếng nói cười chọc ghẹo, thi thố xem đứa nào giữ lá chuối được dài hơn. Cũng tại góc giếng đó, tiếng te te của kèn lá chuối phát ra hòa trộn vào tiếng chú lợn choai bị bắt đưa ra mổ thịt - suất thịt ba ngày Tết của bốn gia đình nhỏ.
29 Tết. Gói bánh, đôi bàn tay chai sạn, nhăn đen vì vất vả mẹ hì hục xếp lá, đồ gạo, là nhân tạo nên những chiếc bánh chưng vuông vức, cây bánh tét tròn trịa. Nó ngồi chỉ mấy em cách chẻ lạt, lăn và tết sợi vào bánh, một công đoạn cũng không kém phần quan trọng. Những mớ gạo cuối cùng, mẹ gói cho mỗi đứa một cái bánh con con, phần thưởng cho tụi nó làm và có quậy phá cả buổi đó. Rồi cả đêm đó, cả nhà cùng quây quần bên nồi bánh sau nhà, vùi những củ khoai vào nướng, cùng trò chơi cờ gánh làm bằng vỏ lạc, ai cũng cười, ai cũng nói phá đi không gian với tiếng ếch nhái ngày thường…
Chẳng có hơi khói bốc ra từ miệng vì giá rét, chẳng có tiếng côn trùng kêu râm ran ngày nào, cũng chẳng có bếp lửa để ngồi cùng ai đó tâm sự về việc học, về mùa màng năm tới, giờ đây trước mắt nó vẫn chỉ là dòng người qua lại vội vã ngày cuối năm, bên tai nó chỉ là tiếng còi xe inh ỏi, tiếng người rao hàng trong đêm khuya. Cái Tết thứ 4 tại Sài Gòn cũng gần tới, nhưng nó không để tâm và cũng chẳng buồn nghĩ tới. Nó lại lên kế hoạch công việc cho 3 tuần trường cho nghỉ tết, nó hối hả chạy theo đồ án, khóa luận, rồi thực tập, lại còn cân đối để đi làm thêm nữa...
Dường như không có phút nào để nó rảnh mà buồn, mà nhớ tới nơi xa kia... Ai cũng bảo nó khùng, mất gốc khi mà ngày Tết cơ hội đoàn tụ cùng gia đình thì mình nó ở lại để canh giữ Sài Gòn? Nhưng rồi khi chỉ có mình nó, thì mảng ký ức thân thuộc của 18 năm đó lại ùa về, nó không thể chế ngự được nữa. Nó biết mẹ đã khóc rất nhiều khi 4 năm trước biết nó không về và nó cũng biết 3 cái Tết tiếp theo nó vẫn sẽ làm mẹ khóc. Nó biết sự buồn bã hiện ra trong câu nói đứa em "lại không về tết ủng chị"...
Nó biết, nó biết, miền đất đó đang chờ nó, những con người đó đang thổn thức vì nó. Nhưng nó biết chắc chắn một điều, dù 1 năm, 2 năm, 4 năm... hay bao lâu đi nữa thì nơi đó vẫn sẽ dang tay chờ nó trở về. Trở về, để nó được vùi vào lòng mẹ ôm thật chặt rồi nhận ra rằng dù có lớn thế nào chăng nữa thì nó vẫn là đứa con bé bỏng của cha mẹ. Trở về, để bỏ xa sự bon chen của Sài Gòn đô hộ, những ước vọng viển vông khó chạm để tìm lại những bình dị xưa cũ. Và trở về, đơn giản chỉ để nó biết luôn có một chốn bình yên mong nó.
Nguyễn Thị Hương
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". Bài dự thi được thể hiện dưới dạng text tối đa 1.000 từ, bằng tiếng Việt, có dấu, font Unicode, kèm theo 3 hình ảnh minh họa hoặc video có thời lượng không quá 3 phút, định dạng flv hoặc mp4, kèm theo tiêu đề phản ánh nội dung câu chuyện. Người dự thi tải video lên Youtube rồi gửi đường link cho VnExpress. Gửi bài dự thi tại đây. |