Chủ nhật, 12/5/2024
Thứ ba, 22/9/2020, 15:36 (GMT+7)

Ngày Nam Bộ kháng chiến qua ảnh triển lãm

TP HCMNhững hình ảnh về cuộc kháng chiến của quân dân Nam Bộ chống Pháp tái xâm lược 75 năm trước được trưng bày tại công viên Lam Sơn (quận 1).

Ngày 22/9, triển lãm ảnh kỷ niệm 75 năm ngày Nam Bộ kháng chiến với chủ đề "Sáng mãi danh hiệu vẻ vang Thành đồng Tổ quốc" đã diễn ra tại công viên Lam Sơn. Khoảng 200 ảnh tư liệu từ năm 1945 đến nay được trưng bày.

Nam Bộ kháng chiến là cuộc chiến của nhân dân miền Nam chống lại quân Pháp xâm lược lần thứ 2, diễn ra từ ngày 23/9/1945. Chiến sự ban đầu nổ ra ở Sài Gòn - Chợ Lớn sau lan rộng ra các tỉnh miền Tây, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ...

Ngày Nam Bộ kháng chiến đã mở đầu cho cuộc chiến chống Pháp xâm lược trong suốt 9 năm, để đi tới thắng lợi quân sự cuối cùng ở Điện Biên Phủ năm 1954.

Mở đầu triển lãm là bức ảnh hàng nghìn người dân Sài Gòn tập trung trên đường Norodom (nay là đường Lê Duẩn) dự lễ Độc lập 2/9/1945. Tại đây, Bí thư xứ ủy, kiêm Chủ tịch Uỷ ban hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu đã phát biểu kêu gọi đồng bào cương quyết chống mọi sự xâm lăng và hãy sẵn sàng chiến đấu.

Chợ Bến Thành trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp, ngày 23/9/1945.

Ở những khu vực khác, người dân Sài Gòn - Chợ Lớn triệt để đình công. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe dừng chạy. Chướng ngại vật mọc lên khắp nơi. Các đội Tự vệ chiến đấu, Thanh niên xung phong, Công đoàn xung phong đã đánh trả các mũi tấn công của quân Pháp.

Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định đánh chặn quân Pháp ở mặt trận phía Đông Sài Gòn.

Quân dân Sài Gòn chiến đấu với Pháp ở ga Bình Triệu (nay thuộc quận Thủ Đức), tháng 10/1945.

Buổi ra mắt Quốc vệ đội tại Long An - Lực lượng vũ trang đầu tiên của quốc gia Tự vệ cuộc Sài Gòn - Chợ Lớn (tiền thân của Công an TP HCM), ngày 10/10/1945.

Nông dân huyện Hóc Môn nêu cao khẩu hiệu chống thuế thân.

Cùng với Nam Bộ, nhân dân các miền cũng đứng lên biểu tình, đấu tranh chống Pháp tái chiếm miền Nam.

Tại Hà Nội, bên cạnh những cuộc biểu tình, nhiều người tình nguyện xin vào miền Nam chiến đấu. Tại ga Hà Nội, tháng 10/1945, một đoàn quân Nam tiến làm lễ xuất phát vào chiến trường miền Nam.

Bạn trẻ ghi lại hình ảnh tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và đọc diễn văn "Ngày kháng chiến", biểu thị sự ủng hộ của toàn dân với cuộc chiến đấu oanh liệt của đồng bào Nam Bộ tại Nhà hát Lớn Hà Nội, ngày 5/11/1945.

Trong những năm sau đó, nhân dân miền Nam tiếp tục đánh trả các mũi tấn công của quân Pháp. Trong ảnh là cảnh người dân xã Định Thuỷ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre phản kích địch năm 1946.

Quân và dân Nam Bộ đốt cháy đoàn xe của quân Pháp trong trận đánh Giồng Dứa ở ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang năm 1947.

Ngoài ảnh tư liệu về ngày 23/9/1945, triển lãm còn giới thiệu nhiều ảnh về cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam cho đến ngày thống nhất đất nước 30/4/1975.

Những hình ảnh về quá trình đổi mới đất nước, thành tựu tiêu biểu trong kinh tế, văn hóa, xã hội của TP HCM cũng được trưng bày. Triển lãm diễn ra đến ngày 30/9.

Quỳnh Trần - Ảnh tư liệu