5h sáng, Đỗ Văn Hoàng, 11 tuổi, lơ mơ thức dậy giữa căn nhà sàn ọp ẹp nằm ven sông Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Vẫn còn ngái ngủ, cậu bé múc nước sông được lắng cặn từ cái lu sau nhà rửa mặt, trong khi hai chị gái 13 và 14 tuổi đang soạn lại xấp vé số được xếp cẩn thận trong chiếc cặp nhỏ, vài ba ổ bánh mì mua từ chiều hôm trước, chuẩn bị cho một ngày mưu sinh.
Ba chị em Hoàng là thế hệ người di cư tự do thứ ba, được sinh ra ở biển hồ Tonle Sap (Campuchia), sau đó theo cha mẹ lưu lạc hàng nghìn cây số trên dòng Me Kong, cuối cùng bám trụ ở xóm Việt kiều gồm hơn 30 nóc nhà đã 5 năm nay.
Bảy tháng trước, Đỗ Thị Đen, chị lớn của Hoàng đang bán vé số thì ngất xỉu, sau đó khắp người bị sưng phồng. Cha mẹ em vay tiền đi khám, bác sĩ xác định Đen bị suy thận mạn, phải nghỉ bán. Em cũng không được đến lớp học xóa mù vào buổi tối do các chiến sĩ Đồn biên phòng Tuyên Bình dạy.
Mỗi ngày, hai em của Đen phải cố gắng bán nhiều hơn để bù vào phần chị. Mấy ngày nay, sức khỏe khá hơn, Đen xin mẹ theo các em bán vé số cho đỡ buồn, di chứng căn bệnh khiến thân hình em bé xíu so với tuổi 14.
Chiếc xe buýt dừng phía trước xóm Việt kiều, chị em Hoàng cùng hơn 20 đứa trẻ trong xóm hối hả bước lên. Mỗi ngày, những đứa trẻ đi 10 km đến thị xã Kiến Tường bán vé số dạo, đến chiều lại đón xe trở về.
"Trước đây khi xóm chưa có nhiều gia đình về, tụi con đi bán gần. Bây giờ nhà nào cũng có con đi bán nên tụi con phải chia địa bàn, đi xa hơn nhưng mỗi ngày ba chị em bán chỉ khoảng 100-200 vé", Đen nói.
Xuống xe, nhóm trẻ chia nhau hai ba đứa thành một tốp, rồi tỏa đi khắp các con đường ở thị xã Kiến Tường. Ba chị em chọn rẽ vào một con đường bêtông nhỏ bờ sông - nơi chúng bảo có nhiều mối quen nên dễ bán hơn.
Đang đi giữa chừng, Hoàng rớt lại phía sau, hai chị em đi tìm, phát hiện cậu đang đứng kế bên xe bán đồ ăn, nuốt nước miếng, tay xoa bụng, mắt nhìn chằm chằm vào mấy xiên thịt đang bốc khói thơm phức. Hiểu ý, Đen nắm tay em út lôi đi, bảo cố nhịn vì có bánh mì rồi, để dành tiền ăn trưa. Một ngày, trừ 10.000 đồng tiền đi xe, mỗi đứa được mẹ cho tiêu khoảng 15.000 đồng.
Đang vá xe cho khách, nghe tiếng chó sủa, ông Bảy ngoái lại nhìn, từ xa thấy ba cái bóng nhỏ xíu đang gọi ông í ới. Lau vội bàn tay còn dính nhớt, ông cầm hai xấp vé số, rồi rút mỗi xấp hai tờ.
"Riêng thằng Hoàng nhỏ nhất nên ông ủng hộ thêm hai tờ nữa", ông già sửa xe nhoẻn miệng cười. Ông bảo mình cũng là dân lao động không dư dả gì, nhưng thấy đời tụi nhỏ khổ quá nên ngày nào ông cũng mua ủng hộ, riết rồi thành mối.
Gần giữa trưa, ba chị em lưng áo đã đầm đìa mồ hôi, ghé vào một góc đường có bóng cây ngồi nghỉ. Do bánh mì đã lót dạ từ buổi sáng, mấy chị em mua thêm ba hộp xôi, giá 5.000 đồng mỗi hộp để ăn trưa. Đen lùa vội chừng nửa hộp rồi dừng, vẻ mệt nhọc. Em lôi bịch thuốc trong túi áo ra uống. Thấy vậy, Hoàng ăn luôn phần xôi thừa, rồi ngồi dựa vào chị, mắt lim dim vì phải thức dậy sớm.
Xấp vé số còn dày nên chúng chỉ nghỉ khoảng 10 phút rồi lại chia nhau đi. Đen vào khu chợ, còn Hoàng và chị gái Nguyễn Thị Trắng ngồi hẳn ở một góc ngã tư. Giữa trưa nắng như thiêu đốt, hai chị em đầu trần, ngồi bệt xuống lòng đường mời vé số, nhiều người đi đường thấy vậy dừng lại mua ủng hộ.
16h, ba chị em Hoàng gặp nhau tại vòng xoay thị xã khi đã bán hết 250 tờ vé số. Đen bảo nhờ mấy chị em bán đã hai năm nay, đa số chỉ bán mối quen nên ít khi phải "ôm vé". "Những ngày mưa thường hay ế ẩm, có hôm ba chị em chỉ bán được khoảng 150 tờ", Đen nói.
Nửa tiếng sau, ba chị em cùng đám trẻ chung xóm đứng dọc đường quốc lộ bắt xe về nhà.
Hoàng nuôi bầy gà, vịt hơn 10 con, mỗi lần mẹ đi chợ, em lại dặn mua thêm 1-2 con từ tiền bán vé số dành dụm. Vừa bán vé số về, cậu bé liền chạy xuống mé sông múc nước, rồi vào nhà xúc lúa cho gà, vịt ăn. Hoàng bảo khi nào chúng lớn sẽ bán lấy tiền xây nhà cho mẹ. Em cũng dự định lớn lên sẽ làm công nhân bốc vác ở kho lúa, vì thấy mấy chú trong đó ngày nào cũng có đồ ăn ngon.
Trời chập choạng tối, Đen lần theo ánh đèn tù mù từ chiếc ắc quy cũ, ra sau nhà lấy gạo đi vo. Tiếng chén va rổn rảng trong hũ báo hiệu nhà sắp hết gạo. Trắng ngồi lặt rau giúp mẹ. Do sắp đến giờ học xóa mù chữ, cơm, đồ ăn chưa kịp chín, Trắng xách chén sang nhà hàng xóm xin cơm cho chị. Sau đó, Đen vớ cái gáo múc nước lạnh chứa từ cái xô cũ chan đầy chén cơm nguội, rồi lua vội để uống thuốc.
Lát sau đã thấy ba chị em hòa vào nhóm bạn trong xóm, đi bộ hơn một cây số đến lớp học xóa mù. Lớp học do các chiến sĩ đồn biên phòng Tuyên Bình tổ chức 6 năm nay. Lớp có hai phòng mượn từ điểm trường cấp một, trong đó một phòng dạy lớp 1, phòng còn lại dạy lớp 2 đến 5, cao điểm có khoảng 50 em. Lớp bắt đầu lúc 18h30, kéo dài 2 tiếng và chỉ nghỉ ngày chủ nhật.
Binh nhì Nguyễn Nhất Huy, một trong hai người đứng lớp dạy đã hơn một năm nay cho biết, ba chị em Hoàng mới vào học gần đây. Ban ngày phải bán vé số mưu sinh, nhưng các em tiếp thu bài rất nhanh. Đen đi học trước, nhưng sau 7 tháng nghỉ bệnh, quên hết mặt chữ, em phải ngồi chung lớp một với hai em.
Giữa giờ tập đọc, ba chị em ê a theo tiếng thước gõ nhịp đều đều của chiến sĩ biên phòng. Trắng nhanh nhẹn khi được thầy giáo gọi lên bảng, em viết từng chữ rõ to, đều tăm tắp, trong khi cậu em trai vẫn còn đọc sai một số chữ khó, bẽn lẽn cười khi thầy nhắc phải đọc lại. Đen lặng lẽ theo dõi để bắt kịp hai em.
20h30, lớp học kết thúc. Ba chị em Đen gửi lại tập sách ở lớp vì trời mưa lâm râm, rồi co ro đi bộ về nhà. Đen mệt lả, bỏ đi nằm võng trong khi cả nhà ăn cơm tối muộn. Mấy ngày gần đây, em thậm chí còn sợ soi gương, vì mái tóc dài trước đây đã bị cắt ngắn, rụng thưa dần mỗi ngày vì di chứng căn bệnh.
Trắng bảo từ lúc được đi học, em đã biết tính toán các con số đơn giản, đánh vần được mấy chữ dễ trên bảng quảng cáo dọc đường bán vé số. Cô bé nói sẽ cố gắng học giỏi để lớn lên làm bác sĩ trị bệnh cho chị.
22h, mưa vẫn rả rích, xóm Việt kiều đã tắt đèn, căn nhà tre vách lá của gia đình Đen rung bần bật theo từng cơn gió. Ba chị em Đen cùng cha mẹ chen chúc nhau ngủ trong khoảng sàn nhà chừng 10 m2, lấy sức cho ngày mưu sinh hôm sau.
Quỹ Hy vọng, báo VnExpress đang lên kế hoạch tặng quà cho các trẻ em không quốc tịch ở xã Tuyên Bình, Vĩnh Hưng, Long An. Sự đóng góp của độc giả sẽ giúp bù đắp phần nào những thiệt thòi cho trẻ em nơi đây. Ủng hộ tại đây.
Hoàng Nam