Nhiều số liệu thống kê về Ngày Mua sắm trực tuyến (Online Friday) đầu tiên của Việt Nam (5/12/2014) vừa được ban tổ chức công bố chiều nay tại Hà Nội. Theo đó, trong vòng 24h, các đơn vị tham gia đã nhận tổng cộng 160.000 đơn hàng, cao gấp 3,2 lần ngày thường. Tổng cộng, lượng hàng bán được có giá trị 154 tỷ đồng (tương đương 7,5 triệu USD), tăng 2,5 lần so với doanh số thông thường.
Sản phẩm bán chạy nhất trong ngày này là hàng công nghệ, thời trang và đồ gia dụng. Riêng 3 nhóm sản phẩm trên chiếm trên 80% tổng số đơn hàng. Hàng không cũng là lĩnh vực khá hút khách khi 2 doanh nghiệp tham gia (trên tổng số 1.000 đơn vị) là Jetstar và Vietjet đã có lượng vé bán ra chiếm 4% số đơn hàng .
Là chương trình bán hàng trực tuyến nhưng đa số khách lựa chọn phương thức thanh toán truyền thống là trả tiền mặt khi nhận hàng (72%) hoặc chuyển khoản qua ngân hàng (13%). Thanh toán điện tử, bao gồm ví điện tử, thẻ thanh toán, Internet Banking chỉ chiếm 11%. Tuy vậy, lượng người sử dụng Mobile Banking để thanh toán qua di động chiếm 2%. Tỷ lệ này khá cao so với dự báo.
Với những doanh nghiệp tham gia, Ngày mua sắm là cơ hội hiếm có để quảng bá thương hiệu. Bà Lê Minh Thúy, đại diện Công ty Lingo cho biết họ bất ngờ vì hiệu ứng mà chương trình mang lại. Riêng trong ngày OnlineFriday, lượng đơn hàng của doanh nghiệp tăng 500% so với bình thường. "Từ đó đến nay, chúng tôi có thêm nhiều khách hàng mới. Lượng truy cập tăng hẳn so với trước khi diễn ra sự kiện", bà Thúy cho biết.
Các doanh nghiệp đảm nhiệm khâu chuyển phát cũng thu được nhiều thành quả. Viettelpost và Vnpost ghi nhận tăng trưởng 200% đến 250% về lượng đơn hàng. "Chúng tôi bất ngờ về lượng khách hàng ở nông thôn, khi mà có tới 46% đơn hàng được chuyển đến các địa chỉ ở huyện, xã", đại diện của Viettelpost cho biết.
Tuy nhiên, trong sự kiện Ngày Mua sắm đầu tiên diễn ra ở Việt Nam, vẫn còn nhiều lúng túng trong khâu tổ chức. Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử, ông Nguyễn Thanh Hưng nhận định nếu lượng truy cập và mua hàng lớn hơn, các doanh nghiệp có thể đối diện nhiều khó khăn vì chưa kịp chuẩn bị. Ngay cả Công ty Lingo cho biết cho đến nay, vẫn còn nhiều đơn hàng của Ngày mua sắm 3 tuần trước đó chưa được chuyển đi hết do còn khúc mắc về địa chỉ của người nhận.
Sau chương trình, đa số doanh nghiệp (55%) đánh giá website OnlineFriday chưa đạt yêu cầu, tốc độ truy cập chậm. Gần 50% doanh nghiệp đánh giá dịch vụ chuyển phát chưa tốt.
Về mặt truyền thông, bên cạnh sự hậu thuẫn từ các kênh online như việc Báo điện tử VnExpress bảo trợ thông tin cho chương trình, kênh quảng bá offline vẫn chưa được chú trọng, do thời gian chuẩn bị chương trình quá gấp gáp.
Ngoài ra, kết quả thu được vẫn còn khiêm tốn nếu so sánh với sự kiện tương tự của các nước lớn. Tổng Thư ký Nguyễn Thanh Hưng lấy ví dụ tại Mỹ, ngày mua sắm Cyber Monday năm ngoái chỉ có 800 doanh nghiệp tham gia nhưng thu về 1,7 tỷ USD. Tại Trung Quốc, dịp mua sắm qua mạng có 20.000 doanh nghiệp tham gia và thu về 5,75 tỷ USD. Còn ở Thái Lan, sự kiện tương tự năm vừa rồi thu về 15,7 triệu USD. "Tuy nhiên, đây mới là kết quả của lần tổ chức đầu tiên. Chúng ta có quyền hy vọng doanh số sẽ còn tăng mạnh trong những Ngày Mua sắm của các năm tới", ông Nguyễn Thanh Hưng nhận định.
Một số kêt quả của Ngày Mua sắm trực tuyến:
- Tổng số lượt truy cập của website của chương trình OnlineFriday.vn: 1,9 triệu visit. Tổng số lượt xem thông tin: 10,6 triệu pageview |
Thanh Bình