Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, với tốc độ 15-20 km/h, khoảng 1-3h sáng mai bão vào Biển Đông, trở thành cơn bão thứ bảy ở vùng biển này. Bão sau đó đổi hướng, chếch lên phía bắc, đến 19h ngày mai cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 620 km, mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.
Những giờ sau đó bão theo hướng bắc tây bắc, tốc độ 10 km/h. Đến 19h ngày 31/10, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540 km, sức gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13.
Đài khí tượng Nhật Bản hôm nay dự báo sau khi vào Biển Đông, bão chếch về đảo Hải Nam (Trung Quốc) thay vì vào khu vực giữa Đài Loan và Hong Kong như nhận định hôm qua. Đài Hong Kong cũng dự báo tương tự, bão sẽ vào khu vực bắc đảo Hải Nam.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia), nhận định từ ngày 31/10 trở đi, khối không khí lạnh từ phương Bắc tràn xuống. Do tương tác với không khí lạnh, nhiều khả năng bão suy yếu và tan trên biển, ít nguy cơ ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Bắc và giữa Biển Đông sẽ có gió mạnh dần từ cấp 7 đến 11, giật cấp 13, sóng biển cao 5-7 m, vùng gần tâm bão 7-9 m.
Trước đó sáng 29/10, khi đổ bộ đảo chính Philippines, bão Nalgae gây lũ quét và lở đất khiến ít nhất 72 người chết, hàng chục người bị thương.
Từ đầu năm tới nay, Biển Đông xuất hiện 6 cơn bão, 2 cơn áp thấp nhiệt đới. Dự báo xa từ nay đến tháng 1/2023, Biển Đông có khoảng 3-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó 2-3 cơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, tập trung ở Trung Bộ và Nam Bộ.