10h hôm nay, bão Dianmu trên vùng biển phía đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9). Bão theo hướng tây, sau đó đổi tây tây nam, vận tốc 15-20 km/h và còn mạnh thêm, ảnh hưởng trực tiếp tới các tỉnh Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Đến ngày 19/8, bão trên vùng biển Quảng Ninh - Thanh Hóa, sức gió mạnh nhất 100 km/h (cấp 10). Tiếp đó bão duy trì cường độ đi vào đất liền Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sau khi đi xuyên qua khu vực này, bão sang thượng Lào rồi tan. Một số dự báo quốc tế cho rằng, khi Dianmu sang Lào vẫn duy trì cấp bão, nên khi qua đất liền Việt Nam vẫn khá mạnh.
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng và thủy văn trung ương, so với bão số 1 Mirinae, Dianmu có hoàn lưu rộng khoảng 200 km, di chuyển hướng tây nhưng lệch nam nhiều hơn, giáp với lục địa trong điều kiện gió mùa tây nam hoạt động mạnh.
Điểm khác biệt tiếp theo là trong suốt hai tuần qua ở Bắc Bộ - khu vực dự kiến bão đổ bộ trực tiếp có mưa, nền nhiệt không cao, nên khả năng có lốc xoáy như cơn bão Mirinae ít hơn.
Dự báo bão Dianmu cũng có sự khác nhau. Việt Nam đưa ra cảnh báo sớm nhất, còn Nhật Bản muộn nhất khi sáng nay mới phát tin bão. Tuy nhiên, Việt Nam cùng cơ quan khí tượng như Hong Kong, Nhật Bản, Mỹ đều có chung nhận định, bão theo hướng tây đi vào đất liền Bắc Bộ Việt Nam và mạnh nhất là khi vào vịnh Bắc Bộ.
"Cấp bão mạnh nhất khi vào đất liền có sự phân tán giữa các cơ quan dự báo nhưng phổ biến là cấp 9. Lúc này bão gây gió mạnh cho vùng ven biển ở cấp 10, giật cấp 12-14", ông Cường nói và cho biết đây là cơn bão mạnh, kèm gió giật cấp 12-14, khi tác động vào đất liền ở mức tương đương hoặc mạnh hơn do hiệu ứng nước biển dâng và mưa lớn.
Hoàn lưu bão rộng, phân bố lệch nam hơn nên gây mưa suốt vùng ven biển Bắc và Bắc Trung Bộ từ chiều 18/8 đến hết 20/8. Tổng lượng mưa cả đợt ở vùng ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng, khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa - Nghệ An phổ biến 200-300 mm, có nơi trên 400 mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ, Hà Tĩnh - Quảng Bình phổ biến 100-200 mm, có nơi trên 250 mm.
Mực nước trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, sông Kỳ Cùng, sông Bằng, sông Đáy, sông Đào sẽ lên nhanh. Biên độ lũ lên ở thượng lưu 2-5m, hạ lưu từ 2-3 m, đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất miền núi; ngập úng ở đồng bằng Bắc Bộ và vùng trũng thấp ở Bắc Trung Bộ.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa tây nam đang hoạt động rất mạnh, nên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực phía nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-9, sóng biển cao 2-4 m, biển động.
Tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, nhận định Dianmu được nuôi dưỡng bởi hình thái phức tạp, xoáy áp thấp, lại có phạm vi ảnh hưởng lớn, nên Trưởng ban chỉ đạo, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương chuẩn bị ứng phó với tinh thần cao nhất.
Ông Cường cũng đề nghị địa phương cẩn trọng với mưa lớn diện rộng và sạt lở đất, bão đổ bộ vào ngày mai trùng với thời điểm triều cường nên cần để ý đến đê xung yếu, tiêu úng và phục hồi tiêu úng, phục hồi sản xuất. Các địa phương cần đề ra các kịch bản cụ thể trên cơ sở rút kinh nghiệm 2 cơn bão vừa qua.
"An toàn cho người là trên hết, nghiêm túc cấm biển, đưa vùng nuôi trồng thủy sản vào bờ, kiên quyết di dời dân ở vùng ven sông suối, dễ sạt lở", ông Cường nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ ngành địa phương chủ động sơ tán, di chuyển tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm. Ông sẽ dẫn đầu đoàn kiểm tra đến Nam Định vào ngày mai để kiểm tra công tác phòng chống lụt bão.