![]() |
Năm Cam bình tĩnh đón nhận bản luận tội của VKS. |
Bản luận tội Trương Văn Cam được trình bày trong hơn 30 phút với các tội danh: đưa hối lộ, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, cố ý gây thương tích, che giấu tội phạm, tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép và giết người. Về tội đưa hối lộ, theo đại diện VKS, Năm Cam phải chịu trách nhiệm về hành vi đưa hối lộ trước và trong khi tập trung giáo dục cải tạo. “Lời dặn của Trương Văn Cam thực tế là một mệnh lệnh đối với Dương Ngọc Hiệp và Phan Thị Trúc để nhờ Thuyết lo chạy chọt. Việc đưa hối lộ, mua chuộc cán bộ công an sau khi được tha về trước thời hạn được Năm Cam phân công cho từng đàn em phụ trách cụ thể với tổng số tiền là gần 900 triệu đồng. Để các hoạt động phạm tội và đồng bọn tồn tại, hoạt động lâu dài, ngoài việc tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ, Trương Văn Cam còn có thủ đoạn xảo quyệt, lôi kéo, dùng tiền mua chuộc, móc nối và làm tha hóa nhiều cán bộ trong các cơ quan nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật. Hành vi này của Năm Cam có hệ thống, phạm tội trong một thời gian dài, thủ đoạn rất trắng trợn. Vì vậy đã làm vô hiệu hóa một số hoạt động của các cơ quan chức năng, gây mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan nhà nước… Hành vi của Trương Văn Cam phạm vào tội đưa hối lộ. Tội phạm và hình phạt đã được quy định tại điểm a, b, khoản 4, điều 289 Bộ luật Hình sự. Ở tội danh này, Trương Văn Cam không được hưởng các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 46 Bộ luật Hình sự, đồng thời tính chất tội phạm cho thấy Trương Văn Cam không còn khả năng giáo dục, cải tạo. Do đó cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất mà điều luật đã quy định”. Mức án cao nhất theo khoản 4 Điều 289 về tội đưa hối lộ là tử hình.
Đối với hành vi giết Vũ Hoàng Dung (Dung Hà), đại diện viện kiểm sát cho đây là một bước phát triển cao trong hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam: “Trong quá trình chỉ đạo cho đàn em thực hiện tội phạm, Trương Văn Cam luôn tạo ra những tình tiết chứng tỏ y không dính dáng đến hành vi phạm tội của đồng bọn. Trương Văn Cam đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và thừa nhận đã chỉ đạo cho Nguyễn Tuấn Hải giết Vũ Hoàng Dung. Hành vi của Trương Văn Cam đã phạm tội giết người với vai trò là kẻ chủ mưu, tội danh và hình phạt được quy định tại điểm o, q, khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự. Do tính chất đặc biệt nghiêm trọng ở hành vi phạm tội của Trương Văn Cam, cùng với con người Trương Văn Cam không còn khả năng giáo dục cải tạo, với tội danh này cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định”. Đây là bản án tử hình thứ hai mà VKS đề nghị HĐXX áp dụng với Năm Cam
Năm Cam còn phạm tội che giấu tội phạm và tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép trong vụ án Phan Lê Sơn. Trong vụ chủ mưu tạt axít Lê Ngọc Lâm, Năm Cam đã phạm tội cố ý gây thương tích. Viện kiểm sát cho rằng ngoài mức phạt tù áp dụng nghiêm khắc của khung hình phạt mà điều luật đã quy định, bị cáo còn phải bồi thường chi phí điều trị cho nạn nhân.
![]() |
Hải Bánh có cơ thoát tội chết. |
Nguyễn Tuấn Hải (Hải “Bánh”) cũng bị VKSND Tối cao truy tố về tội giết người, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng trong vụ án Vũ Hoàng Dung và tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, theo đại diện công tố: “Các hành vi phạm tội của Nguyễn Tuấn Hải cần phải được xử lý thật nghiêm khắc. Xét nhân thân của bị cáo đã nhiều lần can án, bị xét xử, nhưng sau mỗi lần từ trại cải tạo ra lại tiếp tục phạm tội… Lẽ ra bị cáo phải chịu hình phạt cao nhất. Tuy nhiên, xét thấy Nguyễn Tuấn Hải khai nhận hành vi phạm tội của mình và giúp cơ quan điều tra phát hiện, điều tra tội phạm nên vận dụng Điều 46 Bộ luật Hình sự và chính sách khoan hồng để giảm hình phạt cho bị cáo”.
Bị cáo Nguyễn Việt Hưng bị buộc tội trực tiếp giết Vũ Hoàng Dung. Viện kiểm sát kết luận: “Cách thức thực hiện tội phạm cho thấy Nguyễn Việt Hưng là một tên tội phạm nguy hiểm, sẵn sàng ra tay sát hại người khác theo mệnh lệnh của đồng tiền. Hành vi của Nguyễn Việt Hưng thể hiện quyết tâm tước đoạt sinh mệnh của người khác rất cao, cho dù bị cáo chưa hề biết người bị giết, không có quan hệ hay thù oán. Khả năng giáo dục bị cáo cũng không còn, nghĩ nên phải áp dụng mức hình phạt cao nhất được quy định tại khoản 1, Điều 93 Bộ luật Hình sự đối với bị cáo”.
![]() |
Bị cáo Nguyễn Xuân Trường. |
Nguyễn Xuân Trường (Trường “Xoăn”) là đồng phạm giết người trong vụ án Vũ Hoàng Dung. Với tội danh đó, lẽ ra Nguyễn Xuân Trường phải chịu mức hình phạt cao nhất mà điều luật quy định. Tuy nhiên sau khi bị bắt, Nguyễn Xuân Trường đã khai báo thành khẩn về hành vi phạm tội nên được vận dụng chính sách khoan hồng giảm nhẹ hình phạt xuống tù chung thân.
Trong vụ giết cảnh sát Phan Lê Sơn và anh Hồ Phước Hưng, theo bản luận tội, Nguyễn Hữu Thịnh là tên chủ mưu, cầm đầu và tích cực thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của Nguyễn Hữu Thịnh đã phạm vào tội giết người, theo quy định tại điểm a, d, đ, g khoản 1, Điều 101 Bộ luật Hình sự năm 1985. Việc Thịnh ra đầu thú là do sự sắp xếp của Trương Văn Cam nhằm mục đích đối phó với cơ quan điều tra. Vì vậy không coi đó là tình tiết giảm nhẹ. Xét hành vi phạm tội của Nguyễn Hữu Thịnh là đặc biệt nghiêm trọng, thể hiện bản chất hung hăng, coi thường pháp luật, không còn khả năng cải tạo. Do đó phải áp dụng mức hình phạt tử hình. Cùng mức án này trong vụ Phan Lê Sơn là bị cáo Phạm Văn Minh (Minh “Bu”), bị cáo Hồ Thanh Tùng (kẻ từng bị TAND tỉnh An Giang xử phạt 8 năm tù về tội giết người.
Trong phần luận tội hôm nay, các bị cáo Lưu Tấn Nhơn, Nguyễn Thị Anh Thư, Lê Duy Long, Tôn Vĩnh Đắc… đều có chung tội danh che giấu hoặc không tố giác tội phạm. Còn Văn Công Tiến, Bùi Anh Việt, Từ Anh Kiệt, Nguyễn Hùng Cường… đều liên quan đến vụ án Phan Lê Sơn, cũng bị truy tố về tội danh giết người, nhưng VKS “xét thấy nhân thân tốt... phạm tội do bị rủ rê, lôi kéo”, cần được xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.
Từ nay cho đến ngày 2/5 (trừ ngày lễ 30/4 và 1/5), đại diện công tố sẽ đọc xong phần luận tội với 155 bị cáo.
Nghĩa Phương