Trận đấu hôm ấy đánh dấu màn trở lại sân cỏ sau năm tháng ngồi ngoài của tiền đạo người Brazil, cũng vì một thương tổn ở gân bánh chè đầu gối phải trong trận Inter - Lecce ngày 21/11/1999. Ở lần chấn thương đầu tiên, Ronaldo được xác định bị rách gân bánh chè đầu gối phải và phải sang Paris phẫu thuật. Đầu tháng 4/2000, đội ngũ y tế Inter tham vấn Gerard Saillant - vị bác sĩ đã phẫu thuật cho anh ở Paris. Họ thống nhất rằng Ronaldo có thể trở lại thi đấu, từ 15 đến 20 phút trong trận chung kết Cup Italy với Lazio.
Trên sân Olimpico, Rome ngày 12/4/2000, trước khi HLV Marcello Lippi tung Ronaldo vào sân từ ghế dự bị, Inter đang bị Lazio dẫn 2-1. Phút thứ 58, Lippi quyết định để "Người ngoài hành tinh" tái xuất. Đó là khoảnh khắc mà người hâm mộ Inter chờ đợi rất lâu. Nhưng chỉ sáu phút sau, trong pha đảo bóng qua người sở trường để loại bỏ Fernando Couto - như cách mà Ronaldo từng đánh bại thủ môn Marchegiani của chính Lazio để ấn định thắng lợi 3-0 trong trận chung kết Cup UEFA 1998, anh bất ngờ đổ gục xuống sân, dù không bị ai tác động.
Các đồng đội và đối thủ của Ronaldo lập tức giơ tay ra hiệu để đội ngũ y tế vào sân. Họ vây lấy nơi Ronaldo ngã xuống. Nụ cười bất tử thuở nào của anh bị xóa tan đi, chỉ còn đó gương mặt nhăn nhó và tiếng la hét vì đau đớn, cùng đôi tay ôm chặt lấy cái đầu.
Paucchi ôm lấy đầu trong sự hoảng hốt, Zamorano thì cầu nguyện, Simeone – người đồng đội của Ronaldo ngày trước ở Inter – thì tìm cách an ủi anh. Marcello Lippi – HLV đã sử dụng hết ba quyền thay người khi ấy – miệng nhai kẹo cao su nhanh hơn và bước đi thẫn thờ ở khu vực chỉ đạo. Cả cầu trường Olimpico như chết lặng.
Ronaldo được đưa lên cáng và rời khỏi sân trong những tràng pháo tay cầu chúc bình an từ khán giả. Đôi tay anh ôm lấy mặt, che giấu những giọt nước mắt và nỗi đau.
"Nó đã đứt hoàn toàn", bác sĩ Pedro Guillen, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về y khoa thể thao và từng tham gia điều trị cho một vài danh thủ Real Madrid như Butragueno hay Michel, ngày đó kể lại. "Phần gân bánh chè đã gặp tổn thương nghiêm trọng nhất". Phần gân nối giữa xương bánh chè và lồi củ trước xương chày cho phép đầu gối của Ronaldo chạy, đá và rê bóng, đã bị đứt hoàn toàn. Đó là một ca tái phát chấn thương, nhưng nghiêm trọng hơn rất nhiều so với chấn thương năm tháng trước đó mà Ronaldo mắc phải.
Một lần nữa, Ronaldo được chuyển tới Paris để được phẫu thuật, cũng bởi bác sĩ Gerard Saillant. Phát biểu của bác sĩ Gerard Saillant được tờ Marca (Tây Ban Nha) dẫn lại: "Phép màu đơn giản là không thể xuất hiện. Cậu ấy sẽ cần ít nhất 8 tháng để hồi phục trước khi có thể trở lại chơi bóng. Nhưng ngay cả khi đó, tôi và không một ai có thể dám chắc Ronaldo sẽ chơi bóng lại được. Đây sẽ là một ca hồi phục lâu dài và khó khăn".
Chuyên gia vật lý trị liệu riêng của Ronaldo ở Inter, Nilton Petrone, về sau sau này thuật lại với tạp chí Four Four Two (Anh): "Nếu tôi cho các bạn nhìn lại những tấm hình về chấn thương của Ronaldo ngày đó, hẳn các bạn sẽ không thể tin nổi vào mắt. Ngay sau ca phẫu thuật, đầu gối cậu ấy to như quả bóng và có ba đến bốn ống dẫn để hút máu. Cảnh tượng quá hãi hùng!"
"Có những lúc ở bệnh viện", Petrone kể tiếp. "Ronaldo bật khóc và xin chúng tôi tiêm cho cậu ấy morphine để giảm đau. Một đêm nọ, cậu ấy gọi tôi và hỏi: ‘Nói cho tôi biết là tôi có thể trở lại chơi bóng được không, làm ơn đừng nói dối tôi’. Tôi đã ở đó, bên cạnh cậu ấy từ thời điểm bắt đầu quá trình hồi phục hậu phẫu. Cả thế giới đều nói rằng Ronaldo sẽ không thể trở lại, khoa học thì không chắc chắn và các bác sĩ cũng hoài nghi. Nhưng ơn Trời vì đã mang đến cơ hội để cậu ấy có thể vượt qua được".
Hai đầu gối của Ronaldo đã luôn bị đặt dấu hỏi và trở thành nỗi thống khổ trong sự nghiệp chơi bóng ở châu Âu của anh. Tại PSV Eindhoven, khi vẫn còn là một cầu thủ tuổi teen, Ronaldo đã gặp phải những vấn đề ở đầu gối và trải qua những tác động y khoa vào bộ phận này. Theo Marca, kỳ Giáng sinh 1996, Ronaldo mắc một chứng bệnh hiếm, dẫn đến chứng viêm gân đầu gối mạn tính. Những lọ thuốc kháng viêm và steroid tổng hợp trở thành hành trang không thể tách rời của "Người ngoài hành tinh" từ khi anh còn chơi bóng ở Hà Lan.
Chấn thương ở trận Lazio tháng 4/2000 khiến Ronaldo phải ngồi ngoài 522 ngày. Ca chấn thương gần tương tự ở trận Lecce cuối năm 1999 cũng đã cướp đi của anh đến 141 ngày. Sau này, sự nghiệp của Ronaldo trong màu áo Real Madrid và AC Milan cũng ghi nhận nỗi ám ảnh chấn thương khác. Đỉnh điểm là ngày 13/02/ 2008 trong màu áo Milan, Ronaldo một lần nữa gặp chấn thương ở gân bánh chè đầu gối như gần tám năm về trước, chỉ khác là ở đầu gối trái. Đó cũng là chấn thương nặng cuối cùng mà ‘Il Fenomeno’ gặp phải trong cả sự nghiệp cầu thủ, và khiến anh phải nghỉ 262 ngày.
Thời Ronaldo còn chơi bóng ở Cruzeiro, Brazil, thân hình anh vẫn mảnh khảnh. Khi sang châu Âu, Ronaldo phát triển thể chất đáng kể. Một giả thiết được đặt ra là PSV Eindhoven đã có những tác động y khoa đến quá trình phát triển thể chất của Ronaldo. Và tác dụng phụ của việc này là khiến phần cơ và xương của anh phát triển không đồng đều, dẫn đến tổn thương ở đầu gối.
Giả thiết này từng được bác sĩ Bernando Santi, cựu điều phối viên của Liên đoàn Bóng đá Brazil trong chiến dịch chống doping, đặt ra. Theo đó, Ronaldo gặp nhiều chấn thương nghiêm trọng ở đầu gối là do anh được PSV cho sử dụng quá nhiều hoóc-môn tổng hợp để phát triển cơ khi gia nhập CLB Hà Lan này năm 17 tuổi. Điều đó dẫn đến việc Ronaldo phát triển những nhóm cơ không thể tồn tại hài hòa với cấu trúc xương ở đầu gối.
"Tôi từng nói chuyện với một vài đồng nghiệp ở Hà Lan, những người biết về đội ngũ y tế của PSV", Santi nói trên Folha de Sao Paulo. "Các bác sĩ ở PSV đã cho Ronaldo sử dụng hoóc-môn tổng hợp để cậu ấy phát triển hơn. Nhờ đó, nhiều nhóm cơ của Ronaldo phát triển hơn. Nhưng vấn đề là chúng phát triển quá nhanh, trong khi cậu ấy vẫn chưa tới tuổi trưởng thành. Tác hại lâu dài của việc sử dụng những chất này diễn ra về lâu về dài, từ 10, 15 đến 20 năm sau".
Huyền thoại bóng đá Brazil Socrates, vốn là một bác sỹ, cũng tin vào giả thuyết này. Ông nói: "Việc sử dụng các chất kích thích phát triển cơ bắp ở thời gian đầu sự nghiệp là một điềm báo cho những chấn thương về sau với Ronaldo. Có sự khác biệt giữa các nhóm cơ và dây chằng ở đầu gối của cậu ấy. Chúng ta đều thấy Ronaldo đã phát triển quá nhanh ở đầu sự nghiệp. Điều đó đã làm đầu gối cậu ấy bị huỷ hoại mãi mãi".
Khi quan điểm của Santi hay của Socrates vẫn còn gây nhiều tranh cãi, chuyên gia vật lý trị liệu riêng của Ronaldo thời ở Inter, Nilton Petrone, đưa ra quan điểm khác trong một cuộc phỏng vấn với Four Four Two năm 2020. Petrone tin rằng Ronaldo được trời phú cho những sợi cơ đặc biệt, giúp anh sản sinh ra sức mạnh vượt trội trong thi đấu thể thao.
Ê-kíp của Petrone từng thực hiện những bài kiểm tra thể chất với Ronaldo tại Inter và kết luận, rằng Ronaldo không chỉ có tốc độ kinh ngạc mà còn có khả năng phối hợp các động tác phức tạp nhạy bén đến khó tin. "Cách cậu ấy lao từ trái sang phải, đổi hướng đột ngột hoàn toàn thuộc về khả năng phối hợp", Petrone nói. "Các bài kiểm tra thể chất đã chứng minh Ronaldo có thể dễ dàng hoàn thành quãng đường 100 mét chỉ trong 10,2 hoặc 10,3 giây. Cần nhớ rằng Usain Bolt có thể chạy quãng đường đó trong 9,8 giây".
"Ronaldo còn có sức mạnh đáng nể - vốn cũng là một ưu điểm từ gene. Một khi kết hợp chúng với những năm tháng tập luyện bóng đá đỉnh cao, Ronaldo ngày càng phát triển hoàn hảo tốc độ, sức bền, sức mạnh và khả năng phối hợp", vị bác sĩ trị liệu người Italy nói thêm.
Chính những yếu tố đó giúp thế giới túc cầu trở thành điểm hạ cánh của "Người ngoài hành tinh". Ronaldo trở lại sân cỏ sau giai đoạn chấn thương dài vào năm 2002, và là một tay săn bàn tuyệt hảo. Nhưng Ronaldo của thập niên 1990 lại đơn giản là tuyệt mỹ ở mọi khía cạnh.
Khi nhắc về Ronaldo những năm 1990, người ta phải nhắc đến khả năng bùng nổ của anh. Cây bút Rob Smith từng viết trên Guardian (Anh) vào năm 2016: "Những chấn thương đầu gối ở Inter đã cướp đi khả năng bùng nổ từng biến Ronaldo thành cầu thủ trẻ hay nhất mọi thời, với sự hợp nhất hoàn hảo của tốc độ, sức mạnh và kỹ thuật."
Ronaldo không chỉ bùng nổ trên sân cỏ, anh còn khiến cả cầu trường và những người dõi theo anh qua màn ảnh nhỏ cũng bùng cháy theo. "Ronaldo có thể xuất phát từ tận vạch giữa sân mà vẫn khiến cả SVĐ phải rạo rực. Luồng năng lượng ấy cứ như thể chạy xuyên qua các hàng ghế", Sir Bobby Robson, HLV của Ronaldo ở Barca, từng mô tả.
Một trong những khoảnh khắc tô đậm khả năng bùng nổ kiểu như thế của Ronaldo là ở bán kết World Cup 1998, khi anh mở hết tốc lực băng qua Frank de Boer cùng Jaap Stam, trước khi bị De Boer đốn ngã trong vòng cấm. Ronaldo không chở theo ai phía sau, nhưng khi anh "nhấn ga", tất cả đều phải bật dậy, dù trên sân hay trước màn hình TV.
Cũng Sir Bobby Robson, từng ví von Ronaldo như sau: "Khi cởi áo ra, cậu ấy trông hệt một võ sĩ quyền Anh. Ronaldo có những múi cơ và bờ vai săn chắc rõ mồn một". Nói như ký giả Rob Smith, tốc độ và sức mạnh của Ronaldo biến anh thành "phiên bản bóng đá" của Jonah Lomu - huyền thoại làng bóng bầu dục, với những phẩm chất xuất sắc của David Campese - một huyền thoại khác của làng bóng bầu dục. Và "xem Ronaldo thi đấu không khác gì xem một nhân vật trong điện tử" như lời tán tụng của Marcel Desailly. Có lẽ, Ronaldo mới là cầu thủ PlayStation đầu tiên trong thế giới bóng đá.
Nhưng tinh túy của tinh hoa từ Ronaldo phải là những cú đảo chân kết hợp đồng thời với xộc bóng về phía trước. Đó không chỉ là đảo chân tại chỗ để trang trí, mà là vừa đảo chân vừa tiến về trước để qua người. Vừa đẹp, vừa hữu dụng! Và đó là sự ra đời của tuyệt kỹ "elastico" - một chỉ dấu của riêng anh.
Một thống kê phi chính thức chỉ ra rằng một phần năm số bàn thắng trong sự nghiệp đỉnh cao của Ronaldo đến từ những tình huống rê dắt bóng qua các thủ môn. Cụ thể là 88 bàn trong số 414 bàn ở cả màu áo cấp CLB lẫn tuyển Brazil, tức chiếm 21%.
Trước Lazio, Ronaldo từng dùng elastico để đánh bại hậu vệ được xem là hay nhất Serie A thời đó, Alessandro Nesta, trong một pha bóng ngay sát đường biên ở trận chung kết Cup UEFA 1998. Vẫn trong trận đấu này, Ronaldo từng đảo chân qua người thủ thành Marchegiani để ghi bàn ấn định chiến thắng 3-0 cho Inter. Và cũng trước Lazio hai năm kế đó, với một nỗ lực tái hiện lại pha xử lý quen thuộc trước Couto, sự nghiệp của Ronaldo đã rẽ hoàn toàn sang một trang mới với chấn thương kinh hoàng.
Những động tác đảo chân rồi xộc về trước của Ronaldo là sự hoà quyện của tất thảy những ưu điểm về anh: kỹ thuật trong những cú đảo chân, sự dẻo dai của cơ bắp, khả năng kết hợp trong đổi hướng, cùng tốc độ và sức mạnh để dốc bóng về trước. Nhưng mỗi lần trình diễn tuyệt kỹ đó, đầu gối của Ronaldo lại rung lắc và "nhún nhảy".
"Không nghi ngờ gì thêm, chính khả năng bùng nổ trong lối chơi và phong cách thi đấu khiến Ronaldo dễ tổn thương trước các chấn thương hơn", Petrone nói trên Four Four Two. "Ronaldo có một chứng bệnh gọi là ‘trochlear dysplasia’. Điều này khiến sự liên kết giữa xương bánh chè với xương đùi của cậu ấy có chút bất ổn định. Không có một loại phẫu thuật nào trị được vấn đề này, vì thế xương bánh chè của cậu ấy lúc nào cũng như nhảy múa trên xương đùi. Kết quả là Ronaldo luôn cần có những cuộc kiểm tra thể trạng đều đặn để giúp phần gối được ổn định". Trochlear, có nghĩa ‘ròng rọc’ trong tiếng Latin, là một cấu trúc nối giữa một phần xương với khớp xương trụ, như giữa xương chày với đùi, còn dysplasia là tình trạng phát triển bất thường.
Một câu hỏi được đặt ra là nếu Ronaldo chậm một chút, không tốc độ, không bùng nổ, liệu cơ thể của anh có khỏe mạnh hơn, liệu những chấn thương có rời xa anh. Petrone trả lời: "Những VĐV sử dụng nhiều năng lượng luôn có nguy cơ mắc chấn thương cơ và dây chằng, hay gân. Những VĐV chậm chạp thì không thường mắc những vấn đề này". Như vậy, cái đẹp mà Ronaldo mang đến cho khán giả, từ những cú đảo chân xộc bóng về trước, hay những pha elastic, cũng là cái cách mà anh góp phần tự hủy hoại đầu gối của mình. Nghề nào cũng có rủi ro là vậy!
"Những chấn thương của Ronaldo có một phần nguyên nhân từ khả năng bùng nổ của cậu ấy", Petrone nhấn mạnh lại một lần nữa. "Cậu ấy không chỉ chạy nhanh theo một đường thẳng, cậu ấy còn đổi hướng với tốc độ kinh hoàng. Có những lúc Ronaldo té ngã, rồi đứng dậy ngay lập tức và bất thình lình đảo từ trái sang phải đến chóng mặt. Chính cái cách mà Ronaldo chơi bóng khiến những chấn thương dễ mắc phải hơn".
Theo Petrone, đầu năm 1999, Inter từng liên hệ bác sĩ Gerard Saillant để kiểm tra các dây chằng ở cả đầu gối phải lẫn trái của Ronaldo. Kết quả cho thấy đã có những dấu hiệu thoái hóa vào thời điểm đó, song không một ai nghĩ đến chuyện cần phải tiến hành phẫu thuật.
Đến cuối năm 1999, ngày 21/11, chấn thương nặng đầu tiên ở đầu gối trong sự nghiệp của Ronaldo xảy đến. Petrone, hôm đó ngồi trong khu kỹ thuật Inter, chứng kiến tận mắt những gì xảy ra. "Khi cậu ấy chuẩn bị thực hiện động tác xoay người thì đột ngột dừng lại. Tôi ngồi bên ngoài và thấy có gì đó không ổn. Ronaldo xin được thay ra và vẫn có thể bước đi bình thường. Đến khi vào phòng thay đồ, tôi bảo cậu ấy co đầu gối lại thì mới chẩn đoán có một vết rách ở trung tâm gân bánh chè đầu gối phải. Chúng tôi sau đó đến Paris để nhờ bác sĩ Saillant phẫu thuật. Trong giai đoạn hồi phục, cứ đầu mỗi tháng, chúng tôi lại tới Paris để kiểm tra".
Đầu tháng 4/2000, Ronaldo đã có thể trở lại tập luyện. Bác sĩ Saillant cũng nói với CLB Inter rằng Ronaldo sắp có thể trở lại chơi bóng. Inter muốn mọi thứ phải thật kỹ càng, họ tham vấn Saillant lần cuối trước khi quyết định để Inter ra sân trong trận gặp Lazio vào ngày 12/4/2000. Nhưng đó cũng là lúc tai ương ập đến Ronaldo lần nữa. Đau đớn hơn và lâu dài hơn!
Phượng hoàng hồi sinh
Khi mà cả thế giới đều hoài nghi vào sự trở lại của Ronaldo, anh đã trở lại. Có thể Ronaldo không còn hoàn mỹ như những năm 1990, nhưng anh vẫn là một chai rượu hảo hạng.
"Để tôi nói cho các bạn nghe. Với những chấn thương nghiêm trọng kiểu đó, nhiều CLB sẽ để cầu thủ của họ dưỡng thương từ 8 đến 9 tháng. Nhưng Inter đã chờ đợi đến cả năm trời cho chắc chắn. Họ để Ronaldo trải qua luôn cả giai đoạn tiền mùa giải với gần 50 ngày. Vì thế, sự trở lại của Ronaldo sau này không hề gấp gáp, mà hoàn toàn cẩn trọng", Petrone khẳng định trên Four Four Two.
Mùa giải 2001-2002 khi Ronaldo chính thức trở lại, anh vẫn mới 26 tuổi, trong một độ tuổi chín muồi. Ngay sau một chấn thương nghiêm trọng những tưởng đã hủy hoại cả sự nghiệp, Ronaldo tái phát và tăng nặng chấn thương đó đến nỗi nghiêm trọng hơn. Do đó, Inter có lý do để thận trọng vì sự nghiệp của người ngoài hành tinh vẫn còn dài. Anh được cho nghỉ toàn bộ mùa giải 2000-2001 là vì lẽ đó.
Bằng một ý chí sắt đá cùng quyết tâm trở lại, Ronaldo tập luyện mỗi ngày từ 9 đến 10 tiếng. Cuối cùng, vào tháng 8/2001, Ronaldo cũng trở lại trong trận đấu giao hữu giữa Inter với đội bóng của Nigeria là Enyimba ở San Siro. Dẫu vậy, sự dè dặt và lo lắng vẫn hiển hiện, không chỉ của riêng Ronaldo mà với những người xung quanh anh. Anh chơi một vài trận đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia cuối năm 2001, và đến ngày 4/11/2001, trở lại ở một trận đấu chính thức cấp CLB tại Serie A, gặp... Lecce.
"Một mặt, cậu ấy lo sợ sẽ tái phát chấn thương", Jose Carrascosa, một nhà tâm lý học trong thể thao, từng chia sẻ trên tờ El Pais (Tây Ban Nha) hồi tháng 11/2001, sau ngày Ronaldo tái xuất. "Mặt khác, cậu ấy cũng hoài nghi chính bản thân mình, rằng liệu mình có thể trở lại thời kỳ đỉnh cao như trước kia. Ronaldo đã phải chiến đấu với cả hai vấn đề cùng lúc. Tôi từng làm việc với nhiều cầu thủ rơi vào hoàn cảnh tương tự. Đó luôn là một câu hỏi thuộc về môn thần kinh. Bản thân việc đặt tâm lý trong tình trạng căng thẳng, trước áp lực của sự kỳ vọng, cùng những lợi ích kinh tế bủa vây xung quanh,... cũng đã là đủ lý do khiến chấn thương có nguy cơ tái phát".
Đến tháng 02/2002, Ronaldo gặp phải một chấn thương cơ, chính xác là chấn thương cơ thứ hai trong vòng năm tháng, theo trí nhớ của Petrone. Chấn thương không quá nghiêm trọng và Ronaldo được Inter cho phép trở về quê nhà Brazil để ở bên cạnh bạn bè cùng gia đình. Hơn lúc nào hết, Ronaldo cần cảm nhận vòng tay của quê hương, khi bản thân anh đang nung nấu ngày trở lại cho kỳ World Cup 2002.
Đầu tháng 3/2002, Ronaldo bình phục và chơi bóng lành lặn trong suốt phần còn lại của mùa giải cùng Inter. Mùa 2001-2002, Ronaldo ghi được bảy bàn cho Nerazzurri. Thế là Ronaldo sẵn sàng cho World Cup 2002. Phần còn lại trở thành lịch sử.
Ronaldo thay đổi kiểu tóc ở kỳ World Cup 2002, như một cách để đánh lạc hướng giới truyền thông, vốn chỉ than phiền đến vấn đề thể lực của anh. Phiên bản Ronaldo hậu chấn thương của những năm đầu 2000 có thể không còn thực hiện những pha rê dắt bóng 50 mét, đi xuyên qua cả rừng cầu thủ đối phương, rồi sút tung mành lưới như cái thuở năm 1996 khi anh đưa đội bóng vô danh Compostela lên bản đồ bóng đá thế giới. Nhưng Ronaldo đó vẫn ghi được tám bàn trong một kỳ World Cup để giành danh hiệu Vua phá lưới và giúp Selecao bước lên đỉnh cao giải đấu.
"Suốt 2 năm rưỡi, tôi đã luôn miệt mài tập luyện để hồi phục chấn thương," Ronaldo nói trên FIFA.com về ý nghĩa của chức vô địch World Cup 2002. "Chúa đã ban ơn và bù đắp cho tôi để có được ngày hôm nay cùng tuyển Brazil. Tôi sẽ không quên thời gian đã qua, nó đúng là cực hình. Những người thân và bên cạnh tôi đã luôn động viên tôi. Cũng trong thời gian ấy, tôi lần đầu lên chức bố. Con trai Ronald chào đời càng mang đến động lực để tôi chống chọi trước sự dày vò tưởng chừng như bất tận của chấn thương".
Năm 2018 tại kỳ World Cup trên đất Nga, Diego Maradona nói rằng nếu không phải vì những chấn thương, Ronaldo có lẽ đã trở thành cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá. Từ trước thời cả thế giới nói về Cristiano Ronaldo, đã có hai Ronaldo tồn tại. Một Ronaldo thập niên 90 và một Ronaldo đầu những năm 2000. Một cách nói chứa đựng sự tiếc nuối cùng từ "giá như". Nhưng đôi khi chính vì cái "giá như" ấy, sự lãng mạn mới tồn tại.
Hoàng Thông