Anh tên Hoàng Ngọc Đức, sinh năm 1984, với nghị lực phi thường đã biết vượt lên sự bất hạnh của bản thân mà vươn lên trong cuộc sống.
Vẫn như mọi ngày, sáng nào anh cũng thức dậy sớm để phụ vợ chăm sóc, lo cho hai con ăn uống rồi mới đi làm, vì hai con là tất cả của anh. Mặc dù gia đình luôn là gánh nặng đặt trên vai, nhưng Đức không bận tâm và rất hài lòng với những gì mình đang có, coi đó là trách nhiệm của người con, người chồng và người cha mà mình phải hoàn thành thật xứng đáng.
Anh làm việc cho công ty tư nhân chuyên gắn bảng quảng cáo, vì vậy công việc cũng không nặng nhọc là mấy, chỉ gắn bảng quảng cáo cho nơi nào có nhu cầu. Hôm nay, Đức được cử đi gắn bảng, đối với anh công việc này rất đơn giản, anh thuần thục và rành việc. Có lẽ vì thế mà anh đã chủ quan nghĩ đơn giản như mọi khi, nhưng anh đâu biết rằng hiểm họa đang rình rập anh, khi tấm bảng vừa được đưa lên đã chạm phải vào đường điện cao thế ngay... Anh dính chặt vào, anh giật lên liên hồi và bất tỉnh, nhờ mọi người kịp thời đưa anh ra khỏi đường điện, người anh nám đen...
Một ngày, hai ngày anh đã tỉnh dậy, toàn thân một màu trắng buốt, ba mẹ và vợ anh đang nước mắt tuôn trào. Đức cố không khóc mà sao nước mặt cứ rơi, có lẽ anh cũng biết tình trạng sức khỏe của mình giờ là thế nào, nhưng vẫn cố trấn an mọi ngời là không sao, vẫn khỏe, vẫn bình thường... Đêm đó chính là đêm khó quên nhất trong cuộc đời Đức, anh đau không thể chịu nổi, những tưởng ai đang dùng dao cứa từng miếng thịt trên cơ thể mình ra, tay và chân anh cứ đang chảy dòng nước đục ra, bốc mùi khó chịu. Anh cắn răng cố chịu đựng những cơn đau đó ngày càng nhiều, Đức tự nhủ: "Không được gục ngã, phải dũng cảm lên, cố gắng chịu đựng mới mong mau lành vết thương còn về lo cho gia đình...".
Thế nhưng điều gì đến phải đến, sáng nay khi bác sĩ kiểm tra tay và chân cho Đức và chỉ lắc đầu, rồi khẽ nhẹ nhàng nói với anh: "Cháu phải bỏ tay và chân phải đi vì nó đang hoại tử không thể cứu được nữa, nếu trong một tuần tay trái của cháu vẫn còn chảy dịch và có mùi như tay phải, chúng tôi buộc lòng phải bỏ luôn cánh tay còn lại...".
Đất trời như sụp đổ dưới chân anh, mẹ và vợ ngất lên ngất xuống không biết bao lần, còn anh không còn khóc được nữa rồi, mắt anh cứ ngây dại nhìn về một hướng xa xôi nào đó, tột cùng của nỗi đau. Anh muốn hét lớn "Hãy để tôi chết hơn là sống khi không còn tay, chân", nhưng cổ họng anh không thốt được nên lời, cứ nghẹn lại... Một người đàn ông lúc này chỉ vừa 25 tuổi, một cái tuổi đầy hăng say, cuồng nhiệt với bao hoài bão, khát vọng trong cuộc sống, vậy mà...
Đức từ từ mở mắt ra, cảm nhận cơ thể thật khác thường, nhìn xuống thân mình, giờ đây chỉ còn lại một tay, một chân, nước mắt anh rơi sự đau đớn thể xác không bằng nỗi đau trong lòng. Nỗi đau này chưa kịp lắng xuống thì nỗi đau khác lại đến khi bác sĩ lại cho biết anh phải bỏ cánh tay còn lại "Trời ơi! tại sao vậy?", Đức hét lên trong sự đau đớn không gì tả xiết. Niềm hy vọng cuối cùng cũng đã hết, thế là chấm hết, anh gào thét như đứa trẻ, khóc như chưa từng được khóc, giờ đây trong đầu anh trống rỗng "Hết thật rồi, hết thật rồi sao?".
Anh không ăn, không uống, ai hỏi gì cũng chẳng màng trả lời... Đêm đó anh giật mình tỉnh giấc có lẽ vì vết thương làm anh đau, nhìn thấy mẹ và vợ ngồi ngủ ngục cạnh giường mình, hai người gầy hẳn đi, mẹ anh tóc bạc nhiều hơn, trên gương mặt hằn rõ lên sự đau khổ không thua gì anh. Nhìn họ, anh lại khóc, Đức nghĩ rất nhiều và tự nhủ với bản thân "Phải cố gắng lên Đức ơi! nếu mình có chuyện gì hai đứa con mình đứa bốn tuổi, đứa một tuổi sẽ như thế nào?. Còn ba mẹ mình nữa, ba ngồi xe lăn, mẹ không thấy đường, họ phải sống sao nếu không có mình? Người ta thường nói tàn nhưng không phế đó mới là người cao quý, có ý chí, vậy tại sao mình không cố gắng sống tốt hơn, bi quan cũng không giúp được gì?"...
Thời gian dần trôi qua, bằng nghị lực, ý chí kiên cường anh đã dần "đứng vững" hơn. Anh đã có thể vệ sinh cá nhân, ăn một một mình không cần người giúp... Anh làm được rất nhiều việc ngoài sức tưởng tượng của mọi người trong gia đình.
"Chẳng lẽ mình cứ suốt ngày ở nhà mãi sao? vợ đi làm với đồng lương ít ỏi như vậy làm sao lo được cho cả nhà, phải kiếm việc gì đó để phụ giúp vợ lo cho gia đình, lo cho con ăn học...". Nghĩ là làm, anh tự lãnh vé số về đi bán dạo, hàng ngày từ sáng sớm anh rong ruổi trên khắp mọi nẻo đường với xấp vé số trên tay, mong muốn có thêm chút tiền lo cho gia đình nhỏ của anh.
Nếu không có nghị lực phi thường, sự quyết tâm mãnh mẽ, giờ đây Đức đã thật sự trở thành người "tàn phế"của xã hội.
Ai cũng có lúc khó khăn, đau khổ, nhưng mỗi người hãy lấy anh Hoàng Ngọc Đức làm gương mà cố gắng vươn lên trong cuộc sống, phải biết quý trọng, nâng niu những gì chúng ta đang có...
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhân vật trong bài viết dự thi có cơ hội trở thành người Thụ hưởng Gameshow "Vì bạn xứng đáng" phát sóng vào 17-18h chủ nhật hàng tuần trên VTV3. |
Nguyễn Thanh Dung