Sebastian Fagarazzi quen di chuyển đồ đạc mỗi khi nghe thấy tiếng còi báo động triều cường của thành phố. Anh sống ở tầng trệt, vì vậy mỗi khi Venice vào mùa lụt lội, anh luôn phải kê mọi thứ lên cao để không bị hỏng khi nước tràn vào.
Nhưng vào ngày 3/10, với dự báo triều cường lên đến 135 cm, tiếng còi báo lũ vang lên, Fagarazzi không làm gì cả. "Tôi có niềm tin", anh nói. 12h5 phút (giờ địa phương), thủy triều dâng cao. Quảng trường St Mark, nơi từng ngập cao đến 90 cm, đáng lẽ đã ngập quá gối như thông thường. Nhưng hiện tại, mọi thứ đều rất khô ráo. Xung quanh chỉ có những vũng nước lớn, chảy tràn quanh miệng cống. Các quán cà phê và cửa hàng quanh quảng trường, thường phải đóng cửa vào mỗi dịp Venice có triều cường, vẫn bình thản mở cửa đón khách.
Đây là lần đầu tiên sau 1.200 năm, Venice đón một ngày khác thường, không còn ngập lụt. Sau nhiều thập kỷ trì hoãn tìm cách khắc phục, cuối cùng chính quyền thành phố thử nghiệm các rào chắn lũ lụt để cản thủy triều ở đầm phá Venice. Và 3/10 được nhiều người coi là ngày lịch sử, đánh dấu cột mốc thành phố không còn ngập trong biển nước.
Hệ thống rào cản này được gọi là Moses, gồm 78 tấm chắn lũ được lắp dưới đáy biển tại ba lối vào chính của đầm phá. Khi triều lên, những tấm chắn này cũng dâng theo, tạo thành con đập ngăn nước biển Adriatic tràn vào thành phố.
"Tôi nghĩ chúng ta vẫn chưa hiểu được tin tức tuyệt vời như thế nào. Đây là một ngày mới với Venice, là lần đầu tiên sau 1.200 năm thành phố không ngập vì triều cường. Đối với người dân Venice, ngày hôm nay giống như bước đi đầu tiên của Armstrong trên mặt trăng", Fagarazzi nói.
"Đây là một ngày lịch sử đối với Venice. Chúng tôi rất hài lòng sau hàng thập kỷ bất lực nhìn nước tràn khắp thành phố, gây ra tổn thất lớn", thị trưởng Luigi Brugnaro nói.
Federica Michielan, chủ quán bar Ae Bricoe, cho biết: "Thật tuyệt vời, cuối cùng mọi thứ đã được giải quyết. Ít nhất tôi hy vọng những tấm chắn có thể làm được việc. Nếu chúng bị vỡ, chúng tôi sẽ chìm trong nước".
Tại tiệm bánh El Fornareto, người dân và du khách cười tươi tắn khi xếp hàng mua bánh mì mà chỉ cần đi giày dép, thay vì đi ủng lội nước như trước. Trong nhà thờ San Nicolò dei Mendicoli ở quận Dorsoduro, nơi thường bị ngập tới 130 cm, linh mục Don Paolo Bellio nhắc đến việc thành phố hết lụt trong bài giảng buổi tối của mình: "Hôm nay, chúng ta đã được cứu. Chúng ta không cần sử dụng máy bơm nữa. Đó là một điều ngạc nhiên, nhưng tôi rất vui vì nó (Moses) hoạt động, đặc biệt sau khi đó từng là đề tài bị nhiều người chỉ trích. Đây là ngày vui cho tất cả".
Thời gian Venice thường bị lụt là từ tháng 10 đến tháng 3, kéo dài vài giờ mỗi ngày. Hiện tượng này được người dân gọi là Acque alte (lụt lội), chủ yếu ảnh hưởng đến hai khu vực thấp nhất nhưng lại được du khách ghé thăm nhiều nhất của thành phố: San Marco và khu vực quanh cầu Rialto. Trong những năm gần đây, tần suất và mức độ nghiêm trọng của triều cường ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu. Ngày 12/11/2019, nước tràn vào, dâng cao ở mức 187 cm, gần 90% diện tích Venice bị ngập. Các doanh nghiệp phải vật lộn để phục hồi kể từ đó và từ đầu năm 2020, lượng khách du lịch giảm mạnh do Covid-19. Hai "đòn giáng mạnh" từ thiên tai, dịch bệnh khiến người dân địa phương không "trở tay" kịp.
Moses mới chỉ là bước đầu trong việc bảo vệ thành phố và đầm phá. Chính quyền tiếp tục thực hiện dự án nâng vỉa hè ở những nơi thấp trong thành phố cũng như tạo các bức tường phòng thủ kiên cố gần các hàng rào ngăn lũ. Dự án này được hoàn thành vào tháng 12/2021. Cho đến lúc đó, chính quyền thống nhất rằng từ bây giờ, rào chắn được nâng lên mỗi khi thủy chiều dâng cao đến mức 130 cm. Điều đó có nghĩa là những trận lũ lụt tàn phá như năm ngoái chỉ còn là dĩ vãng. Khi dự án được hoàn thành trọn vẹn, các rào cản sẽ được nâng lên sớm hơn, khi thủy triều ở mức 110 cm.
Tuy nhiên, khi chính quyền đợi đến mức 130 cm mới nâng rào cản, quảng trường St Mark vẫn bị lụt sau một thời gian ngắn. Vào ngày 4/10, chỉ 24 giờ sau chiến thắng ban đầu của Moses, quảng trường lại ngập sâu ở mức 106 cm. Khi khách du lịch chụp ảnh "tự sướng" và nhảy múa trong nước, một không khí "cam chịu" bao trùm trong các cửa hàng, quán cà phê - những nơi buộc phải đóng cửa.
Tại Quadri, một trong những quán cà phê nổi tiếng nhất của quảng trường, nơi từng chào đón từ nhà văn Pháp nổi tiếng Proust đến cặp sao Hollywood Brangelina, quản lý Roberto Pepe đang bắt đầu dọn dẹp. Dù buổi trưa thủy triều mới dâng cao, Pepe vẫn đóng cửa từ sáng để dành thời gian kê những chiếc ghế bọc nhung lên bàn, đóng chặt các lối ra vào. Dù vậy, mọi thứ vẫn không khá hơn.
Chỉ một giờ sau khi thủy triều lên, những chiếc khăn ăn, lót ly để trên bàn vẫn dập dềnh trong nước. "Là một người Venice, tôi rất vui vì ngày hôm qua (3/10), quảng trường khô ráo. Nhưng rồi tình hình vẫn không có gì thay đổi, hãy nhìn xem. Chúng tôi chỉ muốn làm việc. Nơi này là trung tâm thành phố, mang lại công việc cho nhiều người", anh nói.
Du khách mải selfie ngã xuống kênh
Anh Minh (Theo CNN)