Kết thúc phiên 1/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones rơi 7,7% xuống mức 8.149,09 điểm. Chỉ số Nasdaq của các tập đoàn công nghệ chìm sâu 8,95%, đóng cửa tại 1.387,07 điểm. Mức giảm 8,94% trên chỉ số Standard & Poor 500 cũng tồi tệ không kém, từ đó đẩy chỉ số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ xuống còn 816,21 điểm.
Tương ứng với tỷ lệ giảm 7,7%, số điểm trừ 680 điểm của Dow Jones tệ thứ 4 trong lịch sử tính theo điểm số. Tính từ đầu năm, chỉ số chính của 30 tập đoàn công nghiệp hàng đầu đã sụt 38,6%, hiện chỉ còn 57,5% giá trị so với đỉnh xác lập vào ngày 9/10/2007.
Sau chuỗi phiên đầy tích cực tuần trước, tin kinh tế bất lợi đã lại đưa nhà đầu tư phố Wall trở về với thực tại bấp bênh của nền kinh tế. Ảnh: cache.daylife.com. |
Cổ phiếu giảm điểm trải dài trong nhiều nhóm ngành kinh tế. Từ công nghiệp sản xuất ôtô với Ford, General Motors, Chrysler; tới khối tài chính với Goldman Sachs, JP Morgan Chase, hãng vừa mua lại Washington Mutual và sẽ cắt giảm 9.200 việc làm tại ngân hàng này.
Tin xấu đầu tiên mà thị trường đón nhận là báo cáo doanh số mua hàng trong "Ngày thứ sáu đen tối" cũng như số liệu sản xuất èo uột tại Mỹ và nước ngoài.
Tuy nhiên, đà bán ra thực sự được "cài số tiến" khi Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER) xác nhận nước Mỹ đang trong suy thoái, thực tại ám ảnh nhiều người trong thời gian qua. Theo NBER, suy thoái bắt đầu từ tháng 12/2007 và vẫn sẽ tồn tại trong thời gian tới.
Chiều cùng ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ông Ben Bernanke cho biết bất kể nỗ lực của Chính phủ nhằm khơi thông dòng tiền, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục suy yếu trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Henry Paulson cũng phát biểu mức độ suy giảm kinh tế là đáng kể. Theo ông Paulson, trước tình hình trên Chính phủ dự kiến sẽ mở rộng chương trình hỗ trợ tài chính cho các tập đoàn.
Viện Quản lý Nguồn công bố chỉ số sản xuất trong tháng qua rơi xuống thấp nhất trong 26 năm, từ 38,9 của tháng 10 chỉ còn 36,2 trong tháng 11. Số liệu trên tệ hơn dự kiến của các nhà kinh tế. Sau khi không đổi trong tháng 9, chi tiêu cho xây dựng trong tháng 10 đi xuống 1,2%, tệ hơn dự báo giảm 1% của các chuyên gia.
Trước các đợt giảm giá rầm rộ vào "thứ sáu đen tối", ngày thứ sáu liền kề lễ tạ ơn, người tiêu dùng đổ xô tới các siêu thị. Tuy nhiên, quãng thời gian tốt đẹp trên với các nhà bán lẻ không kéo dài khi các thống kê chỉ ra chi tiêu trong kỳ nghỉ lễ năm nay sẽ chỉ lên khoảng 2,2%, thấp nhất trong 6 năm gần đây.
Ông Dean Barber, Chủ tịch tại Barber Financial Group, chứng khoán Mỹ sẽ còn biến động mạnh trong thời gian tới do các cuộc khủng hoảng tại thị trường nhà đất, tín dụng, lao động đều chưa có dấu hiệu kết thúc.
Báo cáo kinh tế tại các khu vực khác trên thế giới cũng tồi tệ không kém. Các cuộc khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất tại Anh, các quốc gia sử dụng đồng euro, và Trung Quốc đang có bước lùi đáng kể.
Diễn biến bất lợi từ phố Wall đã châm ngòi cho một làn sóng bán tháo khác tại châu Âu. Chỉ số FTSE 100 của Anh trượt dốc 5,19%. Chỉ số DAX của Đức bị trừ 5,88%, chỉ số CAC 40 của Pháp thấp hơn tham chiếu 5,59%.
Do diễn ra sớm hơn thị trường Mỹ và châu Âu nên phiên đầu tuần của chứng khoán châu Á diễn ra không quá tồi tệ. Do đồng yen mất giá so với đôla, từ đó kéo tụt giá chứng khoán của các nhà xuất khẩu tại Nhật, chỉ số Nikkei 225 của nước này bị trừ 1,35%. Chứng khoán Hàn Quốc cũng trải qua phiên giảm với mức đi xuống 1,65% trên chỉ số KOSPI. Chỉ số Hang Seng của chứng khoán Hong Kong và Shanghai Composite của Trung Quốc tiến thêm lần lượt 2,07% và 1,25%.
Xuân Hòa (Theo CNN)