Sáng 22/5, ôtô chở công an, trật tự đô thị và bảo vệ dân phố của phường 25, quận Bình Thạnh, đi dọc các đường có nhiều quán ăn quy mô nhỏ ở đường D5, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Gia Trí... đề nghị không phục vụ khách tại chỗ theo lệnh chính quyền thành phố đưa ra trước đó.
Tại một quán bán đồ ăn nhanh trên đường D5, gần Đại học Ngoại thương (cơ sở 2), anh Nguyễn Văn Tuấn, 35 tuổi cùng vợ gắn bảng thông báo "chỉ bán mang đi, không ngồi lại" lên kệ hàng. Ba năm bán đồ ăn nhanh, anh Tuấn chia sẻ khi biết thành phố có các ca bệnh trong cộng đồng, quán rộng chừng 25 m2, kê 7 bàn, hạn chế khách ăn tại chỗ. Nay TP HCM yêu cầu các quán nhỏ chỉ được bán mang đi, anh đã in ngay bảng thông báo để gắn lên.
"Nhiều khách quen vào ăn nhưng chúng tôi từ chối, chỉ bán mang đi. Biết là mất lòng khách nhưng phòng dịch là trên hết", anh Tuấn nói và cho biết, một số người đặt qua các ứng dụng giao hàng nên lượng khách quán tăng khoảng 30%. Mỗi ngày trung bình quán bán chừng 3 triệu đồng, nhưng với việc chỉ bán mang đi thu nhập dự tính còn phân nửa. Chủ quán mong dịch qua nhanh để việc kinh doanh trở lại bình thường.
Cách quán anh Tuấn chừng một km, tiệm bán các món chay do chị Lê Thị Đạo làm quản lý cũng đặt bảng thông báo chỉ phục vụ tối đa 20 khách, bằng phân nửa so với thiết kế quán và tổ chức bán mang đi. Trên kệ hàng, nhân viên gắp thức ăn vào hộp cho hai nhân viên giao hàng đợi sẵn. Trước đây quán mỗi ngày lấy khoảng 10 kg rau nhưng thu hẹp quy mô phục vụ nên nay chỉ lấy chừng 7 kg."Ngưng phục vụ khách tại chỗ doanh thu quán bị ảnh hưởng, nhưng tuân thủ yêu cầu của chính quyền cũng là chung tay chống dịch", chị Đạo nói.
Trong khi đó, tại một quán bò né trên đường Ung Văn Khiêm lại phục vụ gần 30 khách, ngồi san sát nhau. Khi lực lượng chức năng đến nhắc, chủ quán mới vội vàng chồng bàn ghế, xếp vào góc thu hẹp quy mô phục vụ. Nữ chủ quán cho biết mới nghe thông báo của chính quyền sáng nay. Chủ quán lý giải thực phẩm đã nhận trước nên phải bán và cam kết phục vụ tối đa 20 khách.
Theo ông Phạm Văn Tồn, Chủ tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh, ngay khi thành phố có thông báo, phường đã thông tin đến người dân 6 khu phố và 124 tổ trong tối qua. Hiện, cơ quan chức năng chủ yếu nhắc nhở các hàng quán nghiêm túc thực hiện, nếu nhắc nhở rồi mà không chấp hành mới xử phạt.
"Đa số các quán chấp hành khi chúng tôi nhắc nhở", ông Tồn nói và cho biết việc thực hiện yêu cầu này phụ thuộc rất lớn vào ý thức phòng dịch của người dân. Những hộ buôn bán vỉa hè ảnh hưởng bởi dịch, có hoàn cảnh khó khăn sẽ được phường xem xét hỗ trợ từ kinh phí giảm nghèo của địa phương.
Tại quận 1 và quận 10, một số quán ăn vỉa hè gần khu vực chợ Vĩnh Viễn, xung quang chung cư Ngô Gia Tự, đường Nguyễn Cảnh Chân, phường Cầu Kho vẫn lơ là phòng dịch. Quán vẫn xếp bàn ghế san sát nhau cho khách ngồi ăn. "Tôi nghe thông tin quán ăn không được phục vụ hơn 20 người. Quán tôi bán ở vỉa hè mỗi lần phục vụ cao lắm hơn chục khách nên sẽ không sao", bà Nguyễn Thị Hoa, bán đồ ăn sáng ở chung cư Ngô Gia Tự, quận 10, nói.
Việc ngưng bán tại chỗ, chỉ bán mang đi tại các quán ăn nhỏ dưới 10 lao động từ 0h ngày 22/5 theo quyết định của UBND TP HCM nhằm phòng Covid-19 trong bối cảnh mấy ngày qua thành phố ghi nhận 5 ca nhiễm cộng đồng. Đặc biệt có 2 ca dương tính là người bán quán ăn ở quận 3 và Gò Vấp, hiện chưa rõ nguồn lây.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 hôm qua, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, thành phố hết sức cân nhắc vì phần lớn quán ăn nhỏ là mưu sinh của cả gia đình, nhưng thực tế khó kiểm soát dịch ở những nơi này. Các quán từ 10 người lao động trở lên, nhà hàng trong các khách sạn không được phục vụ cùng lúc quá 20 người, ngồi giãn cách để phòng dịch.
Lãnh đạo chính quyền thành phố cũng yêu cầu tạm ngưng các lễ hội, hội nghị, hội thảo, nghi lễ tôn giáo có 30 người trở lên. Việc tập trung 20 người trở lên ngoài phạm vi công sở, bệnh viện, trường học cũng bị cấm; người dân phải giữ khoảng cách tối thiếu 2 m nơi công cộng; hạn chế tập trung đông người ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện...
Hà An - Đình Văn