Ước mơ, mong muốn có một văn bản pháp lý để nhờ sức ép thời đại đập nát thứ kinh tế bao cấp lỗi thời, trì trệ, mở đường cho đất nước phát triển đã thành hiện thực. Đó là ngày tôi được vào Nhà trắng, gặp và chụp ảnh với Tổng thống Bill Clinton, và sau đó được ông nói: "Cảm ơn Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Nguyễn Đình Lương", trong buổi họp báo mà CNN truyền hình trực tiếp. Cả thế giới theo dõi, trong đó có vợ con tôi ở nhà.
Ai đã quyết định và tại sao quyết định lấy ngày 13/7 để ký BTA? Sau khi ký Biên bản thỏa thuận và nguyên tắc tại Hà Nội ngày 25/7/1999, hiệp định cơ bản đã hoàn tất. Chỉ còn 11 điểm, chủ yếu về kỹ thuật, vài phần trăm mở cửa các loại dịch vụ phải bàn thêm. Đoàn đàm phán Việt Nam đổ bộ xuống Washington ngày 3/7/2000 để chuẩn bị trước. Bộ trưởng Vũ Khoan đi chậm vài hôm. Bộ trưởng ở cùng Sứ quán Việt Nam tại Mỹ. Đoàn đàm phán ở nhà trọ (motel), theo định mức chi của Bộ Tài chính.
Sau buổi gặp nhau chào xã giao, giới thiệu thành phần. Hai đoàn Việt Nam và Mỹ chỉ mất hơn nửa tiếng đã thống nhất các vấn đề, trong đó để lại ba vấn đề xử lý ở cấp bộ trưởng - thêm vài phần trăm mở cửa dịch vụ tài chính, viễn thông. Mọi việc nhẹ nhàng và thuận lợi. Tôi và ông Joe Damond - Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ bàn và thống nhất tổ chức để hai Bộ trưởng chính thức ký kết vào ngày 11/7/2000.
Ngày 11/7/2000 cũng là ngày 11/6 âm lịch, ngày giỗ cha tôi. Biết trước là ngày giỗ cha phải ở lại Washington chưa về được, tôi đã mang theo thẻ hương thơm, định bụng ngày đó mua thêm bó hoa để cúng cha. Nếu hiệp định ký vào ngày 11/7 thì tôi quá hạnh phúc. Nhưng rồi, sáng 11/7 ông Damond báo lại cho tôi là chưa ký được, vì Nhà trắng thông báo ngày giờ ký hiệp định là do Tổng thống quyết. Tối hôm đó, tôi đã thắp hương cúng cha, với lòng thành kính và thưa với cha rằng: "Việc khó nhất đời con, con đã làm được. Nợ với đời con đã trả, con đã xứng đáng với cha".
Cha tôi, một người thông minh, văn hay, chữ đẹp, hào hoa phong nhã, ai cũng quý, ai cũng thương. Công việc của đoàn thể cách mạng luôn sôi nổi, trách nhiệm. Cuộc đời tôi luôn dõi theo bóng cha. Chỉ tiếc rằng ông mất quá sớm, lại thời buổi khó khăn, mẹ tôi và anh em tôi quá vất vả.
Tiếp sau đó, ông Damond còn nói với tôi rằng, Tổng thống quyết định ngày giờ ký vì ông muốn dành cho mình cái quyền là người đầu tiên thông báo với thế giới về việc ký kết một hiệp định quan trọng đầu tiên giữa hai cựu thù trên tinh thần hòa giải. Về sau, tôi hiểu thêm tại sao phải ký lúc 13 giờ, vì 14 giờ Tổng thống họp báo. Trong diễn văn có câu: "Cách đây mấy phút, Đại sứ Barshepsky và Bộ trưởng Vũ Khoan đã ký một Hiệp định giữa Hoa Kỳ và Việt Nam".
Như đã quyết định, đúng 13 giờ ngày 13/7, hai đoàn gặp nhau để ký. Nhưng đến lúc đó chưa có văn bản tiếng Việt của Hiệp định. Số là, trước lúc ra đi Bộ Ngoại giao đã rất cẩn thận chuẩn bị cho đoàn đủ: bìa hiệp định, mấy trăm tờ giấy cứng có viền, giấy dùng cho các hiệp định của Việt Nam. Từ sáng sớm, ngày 13/7, Luật sư Nguyễn Hồng Dương, người phụ trách văn bản hiệp định đi tìm chỗ in, thì ra ở Mỹ không có máy in ra giấy cứng. Loay hoay mãi, cuối cùng quyết định in hiệp định từ trong đĩa ra giấy trắng Mỹ, rồi chụp lại. In, chụp những gần 300 tờ cho hai bộ Việt Nam và Mỹ. Một buổi sáng không xong. Luật sư Dương thì đi in hiệp định. Tôi ở nhà xử lý các việc phát sinh. Lúc đó, hai bộ trưởng, hai đại sứ và các thành viên trong đoàn, các nhà báo, chờ, chờ mãi.
Sắp đến giờ đi vào Nhà trắng gặp Tổng thống, Bộ trưởng Vũ Khoan và đại sứ Barshepsky ngồi vào bàn, cầm bút, đứng sau là hai đại sứ, chụp ảnh "lễ ký". Đó là ký giả và bức ảnh đó là bức ảnh ký giả, nhưng ngày đó 13/7 được ghi vào Hiệp định là ngày ký. Hai bên hẹn nhau, 10 giờ hôm sau - ngày 14/7 gặp nhau để ký. Ông Joe Damond và tôi ký nháy vào từng trang văn bản, mỗi người phải ký gần 600 chữ ký, rồi trình hai Bộ trưởng ký chính thức, và chụp ảnh. Đó là ngày ký thật và bức ảnh buổi ký thật, có mặt hai Bộ trưởng, hai Đại sứ và hai Trưởng đoàn đàm phán.
Đến giờ phải đi vào Nhà trắng tiếp kiến Tổng thống Bill Clinton, tôi còn kẹt lo văn bản Hiệp định. Có người nôn nóng, cứ giục đi sợ muộn giờ, nhưng Bộ trưởng Vũ Khoan thì kiên quyết phải tìm cho được ông Lương, và chỉ khi nào có ông Lương ngồi lên xe Bộ trưởng Khoan mới cho nổ máy. May quá tôi về kịp, biết tin đó tôi rất cảm kích về cách xử lý tế nhị của ông Bộ trưởng. Ông đúng là một nhà ngoại giao tuyệt vời.
Qua các trạm kiểm soát an ninh, chúng tôi được dẫn vào phòng khách Roosevelt. Ở đó đã có đủ các quan chức quan trọng phía Hoa Kỳ. Đại sứ Barshefsky, Thượng nghị sĩ John McCain, Thượng nghị sĩ John Kerry, Hạ nghị sĩ Reyes, Thứ trưởng ngoại giao phụ trách kinh tế Larson, Đại sứ Peterson, Trưởng đoàn Joe Damond. Trong khi mọi người đang chờ, ngoài vườn Nhà trắng, chiếc trực thăng chở Tổng thống Bill Clinton hạ cánh, ông vừa về từ trại David nơi ông đang tổ chức cuộc đàm phán giữa Israel và Palestine.
Sau mấy phút chào hỏi, chuyện trò thân mật, mọi người ra Vườn Hồng để dự họp báo. Buổi họp báo được CNN truyền trực tiếp. Ở đây Tổng thống đọc một bài diễn văn, ông nói lướt qua quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ; quá trình tìm kiếm để có thể có Hiệp định thương mại giữa hai nước, ý nghĩa của Hiệp định đối với kinh tế xã hội Việt Nam. Và ông kết thúc bài diễn văn bằng câu: "Hiệp định này là một điều nhắc nhở nữa rằng, những kẻ thù có thể đến với nhau và tìm được điểm chung theo cách cùng có lợi cho nhân dân họ, bỏ qua quá khứ và nắm lấy tương lai, tha thứ và hòa giải".
Ông không quên cảm ơn những người đã có đóng góp cho sự thành công cuộc đàm phán này. Khi Tổng thống nói câu cảm ơn tôi, ông Joe Damond đứng cạnh bấm tay tôi một cái thật đau. Hai chúng tôi nhìn nhau, cười và thích.
Xong việc, ra khỏi trạm gác cổng Nhà trắng được mươi bước, Bộ trưởng Vũ Khoan đi chậm lại, khoác tay lên vai tôi, có vẻ quan trọng, nói vừa đủ hai người nghe: "Ông Lương ơi, có chuyện bây giờ mình mới dám nói. Ông Cầm điện sang bảo, ký xong thì phái ông Lương về ngay để báo cáo Bộ Chính trị, nhà đang chờ. Còn mình, mình đã xin phép được đi chơi vài hôm".
Tôi không dám tin vào tai mình. Không biết nên vui hay nên buồn. Đúng là tôi nắm hết mọi vấn đề trong Hiệp định, tôi phải về báo cáo là đúng. Nhưng có lẽ, nên cho tôi đi xả hơi vài hôm sau những năm tháng dài vất vả. Rồi mình cũng phải tặc lưỡi: "Số mình đúng là số khổ. Nguyễn Du tiên sinh đã dạy rồi: Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa". May quá, tôi không lấy được vé đi ngay, vé Việt Nam đi Mỹ thời đó không phải dễ như bây giờ.
Ngày 13/7 năm nay, năm 2020, Joe Damond và bạn thân Jinny Foote và tôi đã hẹn gặp nhau tại Washington DC tổ chức một buổi Gala kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định. Mọi việc tưởng như ngon lành. Đùng một cái, Covid tai hại chặn mất. Đành chịu thôi, số mình là vậy mà. Và có lẽ tôi cũng khó có dịp trở lại Washington DC lần nữa để gặp lại bạn bè vì cảm thấy già rồi, sức yếu rồi, lại đang tính về quê sống với lũy tre làng, với đồng lúa quê hương và với cả những trận gió Lào nóng rát.
Với tôi, một ông thợ cày xứ Nghệ, từ mảnh đất nghèo chó ăn đá, gà ăn sỏi, ngày 13/7/2000 ấy là đủ rồi, không mơ gì hơn nữa.
Nguyễn Đình Lương