Vì người lao động có quyền nghỉ phép hưởng nguyên lương, nên tôi chẳng bao giờ để ý tới những lý do mà họ nhắc đến. Cho đến một ngày, tôi nhận thấy một câu chuyện khá phổ biến: Họ phải ở nhà để trông con nhỏ vì người giúp việc nghỉ phép về thăm gia đình.
Điều này cũng không mấy ngạc nhiên. Bởi nhiều đồng nghiệp của tôi là nữ giới và còn khá trẻ. Đó cũng chính là hiện trạng của lực lượng lao động Việt Nam nói chung - tuổi đời trẻ và tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động ở mức cao (hơn 70%) so với nhiều quốc gia châu Á khác.
Khi nhiều phụ nữ đi làm, việc cân bằng giữa công việc và gia đình rất có thể trở thành một gánh nặng. Đáng buồn là, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại khá phổ biến trong xã hội. Các cuộc khảo sát mức sống hộ gia đình ở Việt Nam cho thấy phụ nữ vẫn phải gánh vác phần nhiều việc nhà so với nam giới. Trên thế giới, phụ nữ tiếp tục là người phải làm nhiều công việc gia đình không được trả lương.
Trong bối cảnh đó, người giúp việc gia đình, phần lớn là phụ nữ, đóng vai trò quan trọng không chỉ trong mỗi gia đình của chúng ta, mà còn đối với nền kinh tế và thị trường lao động.
Bản thân người giúp việc gia đình đã tham gia vào thị trường lao động. Họ đồng thời giúp những người phụ nữ khác trong độ tuổi lao động có thể làm những công việc đáng ra họ không thể đảm đương nổi, nếu vẫn phải gánh vác toàn bộ trách nhiệm gia đình.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, việc loại hình công việc này đang trở thành một đặc điểm quan trọng của thị trường lao động cũng là dễ hiểu. Từ đầu thế kỷ, số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu, theo nghiên cứu của chúng tôi, đã tăng từ một triệu lên 13 triệu người. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam dự kiến có khoảng 350.000 lao động giúp việc gia đình vào năm 2020.
Nhưng trong xã hội, vẫn có một sự phân biệt đối xử với nhóm lao động quan trọng này.
Mới đây, tôi có cơ hội nói chuyện với một chị quê ở Hòa Bình. Khi tôi hỏi chị ấy có việc làm không, chị lắc đầu: "Em chỉ đang giúp việc ở một gia đình trên Hà Nội thôi, được 3 năm rồi”.
"Vậy giúp việc gia đình được trả lương không phải là một công việc hay sao?” - tôi tự nhủ.
Nhưng rồi, tôi nhớ ngay ra là trên thế giới, giúp việc gia đình thường không được công nhận là một nghề "thực sự". Ngay cả khi công việc này được công nhận, thì những kỹ năng nghề của họ cũng bị đánh giá thấp. Không ít người cho rằng khả năng làm việc nhà là thiên chức tự nhiên của phụ nữ, và những kỹ năng đó không cần phải học, và cũng không mấy giá trị. Điều này có nguồn gốc sâu xa từ nhận thức mang tính truyền thống và định kiến về vai trò của phụ nữ và việc nhà.
Chính việc đánh giá thấp công việc giúp việc gia đình đã dẫn tới mức lương thấp và điều kiện làm việc không đảm bảo cho những người làm nghề này.
Theo một báo cáo khác của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO), hơn 40% người lao động giúp việc gia đình trên thế giới không được hưởng mức lương tối thiểu cho dù lương tối thiểu được áp dụng cho những nhóm lao động khác ở nước họ. Mặc dù tình hình ở Việt Nam khá hơn, vẫn tồn tại sự khác biệt lớn - chỉ 86,5% người lao động giúp việc gia đình được nhận lương tương đương mức lương tối thiểu trở lên, trong khi tỷ lệ này trên tổng số người lao động nói chung ở mức 95,2%.
Mức lương thấp của nghề giúp việc có liên quan đến hình thức đền bù bằng hiện vật vốn đã tồn tại từ nhiều đời nay dưới dạng cung cấp bữa ăn và chỗ ở. Việc đảm bảo cuộc sống cho người giúp việc thông qua những yếu phẩm đó, thay vì trả một mức lương đủ để họ có thể lo cho cuộc sống của chính mình và gia đình, đã và đang tiếp tục là cách làm phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới.
Mức lương thấp của nghề giúp việc cũng liên quan đến việc thiếu thời giờ làm việc cố định, một đặc điểm chung ở nhiều nước trên thế giới. Vấn đề này càng nghiêm trọng hơn đối với những người giúp việc sống cùng với chủ nhà. Họ được kỳ vọng có thể sẵn sàng làm việc 24/7 để đáp ứng muôn vàn yêu cầu khác nhau của người sử dụng lao động và gia đình.
Giờ đây, khi nghĩ về người phụ nữ quê ở Hoà Bình nọ, tôi đã có thể hiểu vì sao chị ấy lại trả lời như vậy. Thường xuyên cảm thấy việc mình làm không có giá trị như việc của người khác, bị phân biệt đối xử trong xã hội, và nhận mức lương thấp, bản thân những người giúp việc như chị ấy có lý do để cho rằng đó không phải là những công việc "thực sự". Đây là một sự thật đau lòng cần được giải quyết.
Việt Nam đã có một bước tiến lớn trong việc tăng cường bảo vệ về pháp lý cho người giúp việc gia đình thông qua Bộ Luật Lao động năm 2012 và Nghị định 27 năm 2014. Các văn bản này đưa ra quy định về mức lương tối thiểu, đóng bảo hiểm, làm việc vào dịp lễ Tết, thời gian nghỉ ngơi tối thiểu và nghỉ phép hàng năm cho những người lao động trong nhóm này.
Việt Nam cũng đang xem xét phê chuẩn Công ước về Lao động giúp việc gia đình của ILO (Công ước 189) vào năm 2020. Công ước này được thông qua sáu năm trước đây, đánh dấu cột mốc quan trọng tăng cường bảo vệ cho 53 triệu người lao động giúp việc gia đình trên thế giới bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên được áp dụng riêng với loại hình lao động này. ILO đang sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trở thành quốc gia ASEAN thứ hai (sau Philippines) phê chuẩn công ước quan trọng này.
Nhưng chúng ta cũng không cần phải đợi tới lúc phê chuẩn. Sự thay đổi đó có thể bắt đầu ngay bây giờ, tại chính ngôi nhà của chúng ta.
Hôm nay, nhân kỷ niệm ngày ra đời của Công ước, và cũng là ngày Quốc tế Lao động giúp việc gia đình (16/6), tôi đã nhắc nhở bản thân và các đồng nghiệp - những người đang và từng thuê người làm giúp việc nhà - rằng, mọi người giúp việc gia đình đều nên được hưởng những quyền lợi giống như những người lao động khác. Chúng ta có chung nghĩa vụ biến ngôi nhà của mình thành nơi làm việc bình đẳng.
Dĩ nhiên, Chính phủ cần nỗ lực hơn nữa để bảo vệ tốt hơn những người lao động giúp việc gia đình. Nhưng đó cũng là trách nhiệm của chúng ta, của mỗi công dân và “người sử dụng lao động” giúp việc gia đình.