Cha tôi là một nghệ nhân trà. Với tôi, ông vừa là cha, vừa là thầy, cũng là tri kỷ.
Giống như mẹ, tình thương của cha dành cho tôi thật lớn. Năm 22 tuổi, tôi mắc bệnh đại tràng, người ốm yếu. Cao 1m70 mà tôi chỉ nặng 49 kg. Ngày nào bụng cũng đau. Cha đi tìm thầy thuốc khắp nơi, cặm cụi sắc thuốc, nấu ăn cho tôi hàng ngày. Uống thuốc ròng rã mấy tháng, tôi sợ, nhìn bát thuốc là muốn ói. Cha dỗ dành, động viên tôi uống từng ngụm như dỗ đứa trẻ. Khi hết bệnh, thấy tôi khỏe mạnh, mọi người khen, ông chỉ mỉm cười.
Những lần tôi cấp cứu ở Bệnh viện Saint Paul Hà Nội lúc nửa đêm, cha đã 74 tuổi nhưng vẫn đưa tôi đến viện, chăm chút thâu đêm khiến các y bác sĩ và bệnh nhân cùng phòng, ai cũng cảm động.
Năm 18 tuổi, tôi theo cha lên Hà Giang nghiên cứu những cánh rừng trà cổ thụ. Tận mắt chứng kiến cuộc sống cực khổ của người Mông, Dao nơi đây, đêm nằm, tôi thao thức không ngủ được, "con thương họ quá". Cha bảo: "Con hãy lắng tâm suy ngẫm. Suốt mấy ngày ở đây, con thấy họ có phàn nàn, kêu ca gì không? Trái lại, họ rất vui vẻ, không khí gia đình đầm ấm. Họ cười đùa suốt ngày, hồn nhiên như cây cỏ, ăn no, ngủ kỹ. Trong khi đó, con lại đang trằn trọc. Vậy thì họ khổ hay con khổ đây?".
Cha tôi giải thích, "Nội yên tri phúc", nghĩa là, tâm yên ổn thì mới hưởng phúc lộc. Hạnh phúc hay đau khổ, sung sướng hay bất hạnh là ở cái tâm. Bởi nếu tâm không yên, lúc nào cũng căng thẳng, lo âu, sợ hãi, hận thù, thì dẫu nằm trên đống bạc vàng cũng đâu thấy hạnh phúc.
Đó là bài học đầu tiên của tôi về hạnh phúc.
Có lần, thừa cơm nguội, tôi đổ đi. Cha bảo: "Con không nên làm thế. Cha biết, chút cơm nguội ấy không đáng mấy đồng tiền. Nhưng con hãy nghĩ đến những người dân đói khát, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Việc đổ thức ăn đi phí phạm và tội lỗi thế nào? Ở đời, không có gì hạnh phúc bằng có mà cho người khác. Bởi cho là được nhận". Chính lời nói ấy giúp tôi biết chắt chiu để giúp người kém may mắn hơn mình.
Ông cũng là người thầy lớn của tôi. Cha tôi thường bảo: Thiên hạ nhân, thiên hạ tài. Ở đời, ai cũng có cái giỏi hơn mình, ai cũng là thầy mình. Từ người đạp xích lô, bác nông dân, chị quét rác, đến ngay cả giới giang hồ, nếu quan sát kỹ, ta sẽ học ở họ nhiều điều tuyệt vời.
Mấy chục năm, mọi buồn vui trong đời, hai cha con tôi đều san sẻ. Có lần, bạn tôi chứng kiến cha con gần gụi thân thiết đã khóc. Cậu ấy bảo: "Nhìn thấy bố con anh mà em tủi thân quá. Bởi bố con em nói câu trước, đến câu sau đã cãi nhau rồi". Bạn bè của cha tôi bảo: "Tôi ghen với ông Trường Xuân quá, sao ông lại có thằng con giai hiểu bố, yêu bố đến độ chia sẻ mọi điều thế này?".
Ngày cha mẹ còn sống, tôi vẫn tâm sự với bạn thân rằng, nỗi sợ duy nhất trong đời tôi là ngày vĩnh viễn mất cha mẹ mặc dầu tôi hiểu mọi thứ đều vô thường, không sinh không diệt. Tôi có niềm tin vững chãi rằng chết không phải là hết. Nhưng tôi vẫn sợ mất cha mẹ bởi tình yêu họ dành cho tôi quá lớn, cũng bởi tình thương trong tôi quá nhiều. Tôi biết, cha mẹ ra đi sẽ để lại khoảng trống vô cùng lớn trong tâm hồn tôi mà không ai có thể khỏa lấp.
Và rồi, nỗi sợ hãi ấy đã đến, dồn dập. Mẹ tôi mất. Sáu tháng sau, cha mất. Trái tim tôi tan hoang. Nhờ pháp môn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trao truyền nên tôi mới vượt qua được nỗi đau khủng khiếp đó.
Vu Lan năm nay đúng lúc đại dịch Covid bùng phát. Tôi nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn của người quen khắp cả nước báo tin ông bà, cha mẹ vừa mất. Rất nhiều giọt nước mắt đã rơi. Có những giọt nước mắt buồn đau, thương tiếc, song cũng có cả những giọt nước mắt ân hận, day dứt vì người con từng có những lời nói, việc làm khiến cha mẹ buồn lòng.
"Anh ơi! Em ân hận lắm. Cách đây ba tháng, em đòi ba má đổi xe ôtô cho em. Ba má không đồng ý. Thế là em giận, bỏ nhà ra ngoài ở. Suốt mấy tháng, em không về, cũng chẳng điện thoại hỏi thăm. Bây giờ ba má em mất cả rồi. Em là đứa con bất hiếu, đáng nguyền rủa anh ơi", chàng trai trẻ ở Sài Gòn khóc nấc trong điện thoại với tôi.
Chỉ đến khi trải qua cái chết đột ngột của đấng sinh thành, nhiều người đã ngộ ra rằng bất cứ giây phút nào, mình có thể không còn cha mẹ nữa. Bởi vậy, nếu ta không nói lời yêu thương, không làm điều gì tốt đẹp hiến tặng cha mẹ ngay bây giờ thì lúc nào?
Tôi từng đến 36 nước, kết bạn, làm việc với nhiều người khác nhau. Tôi thấy cha mẹ ở đâu cũng yêu thương con vô điều kiện. Nhưng có lẽ chưa ở đâu tôi thấy đấng sinh thành lại chịu thương, chịu khó, giàu đức hy sinh, chịu nhiều thiệt thòi như các bậc cha mẹ Việt Nam. Ở rất nhiều gia đình, tôi thấy cha mẹ gần như hy sinh mọi điều tốt nhất cho con từ trẻ tới già. Con cái lấy vợ, gả chồng, cha mẹ lại tiếp tục chăm cháu. Có khi cả một đời, rất nhiều cha mẹ chưa một ngày thực sự sống cho riêng mình.
Vậy mà không phải ai cũng được nghe những lời từ con, rằng: "Con yêu mẹ!", "Con biết ơn cha!", "Con hạnh phúc khi được làm con của cha mẹ". Có lẽ một phần do văn hóa Á đông, không quen nói lời yêu thương nên rất ít người làm được. Song một phần bởi rất nhiều gia đình bây giờ bị mất kết nối, mất truyền thống. Cuộc sống bận rộn trong guồng quay gạo tiền khiến các thành viên ít có mặt cho nhau, ít trò chuyện, ít lắng nghe nhau. Và vì thế, họ không hiểu nhau.
Hiểu là nền tảng của thương yêu. Không có hiểu thì không có thương. Cha mẹ thương mà không hiểu con thì tình thương ấy chỉ mang lại ngột ngạt, bức bí, khổ đau cho con. Ngược lại, con không hiểu cha mẹ thì mỗi khi nghĩ về cha mẹ chỉ thấy oán trách, giận hờn, bực bội. Để rồi, không ít cha mẹ tuyên bố từ mặt con. Không ít người con nói "Ông không phải bố tôi". Những bi kịch đau lòng ấy đều bắt nguồn từ sự thiếu hiểu nhau do mất kết nối, không chịu lắng nghe và không dùng ái ngữ.
Hôm nay là dịp để chúng ta nói lời tri ân với bậc sinh thành. Nếu còn ngượng nghịu, ta có thể tập những lời gần như vậy, những cử chỉ thân thương. Đã bao lâu rồi bạn không ôm cha mẹ mình?
Đức Phật từng dạy: Cha mẹ là Phật, xin đừng tìm Phật ở đâu. Hiếu thảo với cha mẹ chính là tu, xin đừng mất công loay hoay tìm kiếm phép tu cao siêu nào.
Cuộc sống vô thường. Hôm nay, ta nói được lời yêu thương nào, làm được việc hiếu đễ nào, xin đừng để tới ngày mai, sợ rằng quá muộn.
Hoàng Anh Sướng