Thủ phạm gây ra thảm họa là một trận động đất khổng lồ do chuyển động trượt của cả hai đứt gãy Vị Nam và Hoa Sơn. Với tâm chấn nằm gần thành phố Hoạt Đài, trận đại địa chấn này ước tính cướp đi sinh mạng của 830.000 người, theo IFL Science.
Không ai biết chính xác tỷ lệ tử vong hay số người chết vào ngày xảy ra thảm họa. Theo một số ghi chép, khoảng 1/3 nạn nhân bị giết chết do nhà cửa rơi vỡ, hang động sụp đổ và sạt lở đất ngay sau động đất, những người còn lại mất mạng do dịch bệnh và đói kém trong nhiều tuần sau đó.
Với độ mạnh 8 - 8,3 độ, trận động đất ở Thiểm Tây kém xa trận động đất mạnh nhất mà nhân loại từng trải qua, nhưng đứng đầu danh sách thảm họa chết chóc nhất trong lịch sử loài người. Trận động đất chết chóc thứ hai diễn ra vào năm 1976 cũng ở Trung Quốc, khiến khoảng 655.000 người thiệt mạng.
Xét theo dân số toàn cầu năm 1556 chưa đến 500 triệu người, tỷ lệ tử vong do thảm họa ở Thiểm Tây gần như chắc chắn là thương vong lớn nhất về sinh mạng trong một ngày. Sự kiện cũng có thể giữ kỷ lục về số người tử vong cao nhất, dù rất khó kết luận chắc chắn ngày nào ghi nhận nhiều người chết nhất.
Với hơn 8 tỷ người đang sinh sống trên Trái Đất hiện nay, trung bình có khoảng 170.000 người chết mỗi ngày. Ngày chết chóc nhất trong chiến tranh diễn ra vào đêm ngày 9/3, rạng sáng ngày 10/3 năm 1945 khi đợt ném bom của quân đội Mỹ mang tên Operation Meetinghouse giết chết 100.000 người ở Tokyo. Trong khi đó, hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima vào Nagasaki vào tháng 8 cùng năm lần lượt cướp đi sinh mạng của 66.000 và 39.000 người.
Lũ lụt sông Hoàng Hà năm 1931 là một trong những thảm họa tự nhiên lớn nhất trong lịch sử. Tổng số người thiệt mạng vẫn là chủ đề gây tranh cãi, dù một số ước tính cho thấy hơn 2 triệu người ở miền trung và miền đông Trung Quốc đã chết trong thời gian 4 tháng.
An Khang (Theo IFL Science)